Tỉnh Lai Châu đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội đạt mức trung bình của cả nước.
>>>Thủ tướng Chính phủ: Lai Châu cần làm tốt 3 đột phá chiến lược
Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, là vùng phòng hộ đầu nguồn sông Đà và là vùng với 20 dân tộc mang bản sắc văn hóa đặc trưng, nhân dân các dân tộc giàu lòng yêu nước, yêu quê hương, tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, minh chứng bởi Văn bia vua Lê Thái Tổ - Bảo vật Quốc gia đã và đang được đồng bào Lai Châu trân trọng gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Cách đây 115 năm, ngày 28/6/1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu, đây là dấu mốc lịch sử đánh dấu danh xưng Lai Châu gắn liền với cấp độ một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Dưới chế độ thực dân, phong kiến, đồng bào các dân tộc Lai Châu đã phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường đấu tranh chống áp bức, bóc lột, tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa thắng lợi, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Ngày 10 tháng 10 năm 1949, Ban Thường vụ Liên khu ủy 10 đã ra Nghị quyết số 34 về thành lập Ban cán sự Lai Châu - tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự trưởng thành của phong trào cách mạng ở Lai Châu. Từ đây, phong trào chính thức có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo, trở thành bộ phận gắn bó chặt chẽ với phong trào cách mạng của cả nước.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 22 về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, theo đó, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra một chương mới trong lịch sử của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Những ngày đầu mới chia tách, thành lập, Lai Châu là tỉnh khó khăn nhất cả nước. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã tận dụng thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, kém phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện về mọi mặt.
Nhằm ôn lại truyền thống, phát huy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tự hào dân tộc; tạo sự đoàn kết, đồng thuận và tin tưởng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tối 06/01, tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ Kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh Lai Châu (28/6/1909 - 28/6/2024), 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949 - 10/10/2024), 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (01/01/2004 – 01/01/2024).
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê chuẩn chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đầu tư Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối Lào Cai với Lai Châu
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, bà Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, sự phát triển toàn diện của tỉnh Lai Châu ngày hôm nay đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về việc chia tách, thành lập tỉnh; đồng thời khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ trong thư gửi đồng bào, cán bộ Lai Châu cách đây 70 năm.
Ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho tỉnh Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, trong buổi Lễ long trọng này, tỉnh Lai Châu tiếp tục được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, đây là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ to lớn để Lai Châu vững bước đi lên, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lai Châu khẳng định, những thành tựu đạt được sau 20 năm chia tách, thành lập là tiền đề vững chắc và động lực quan trọng để Lai Châu tiếp tục vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong chặng đường mới. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, biến khó khăn thành động lực, biến khát vọng thành niềm tin, biến tinh thần đoàn kết cùng những thời cơ, thuận lợi thành sức mạnh để thực hiện thắng lợi mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2050 trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội trên mức trung bình của cả nước.
Ghi nhận những kết quả của sự nỗ lực của tỉnh Lai Châu qua 20 năm chia tách, thành lập, tại Lễ kỷ niệm tối 06/01/2024, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, là phên giậu xung yếu, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, với hơn 265 km đường biên giới. Là vùng đầu nguồn và phòng hộ trọng yếu cho các nhà máy thủy điện lớn của quốc gia, cũng như đảm bảo an ninh nguồn nước cho sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Với tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, cùng với khát vọng và niềm tin về một tỉnh Lai Châu phát triển xanh, bền vững, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, phát triển toàn diện, giữ gìn truyền thống nhưng luôn đổi mới, sáng tạo, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu cần tiếp tục giữ gìn và vun đắp sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị tỉnh, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân; chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, biến thách thức thành cơ hội, chuyển khó khăn thành ý chí và quyết tâm hành động.
Thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn với học tập, làm theo Bác và những lời dạy của Bác trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu. Tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, tỉnh cần tăng cường khai thác tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững, trọng tâm là tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là sản phẩm chủ lực như: Gạo, chè, mắc ca, Sâm Lai Châu…; Phát triển công nghiệp năng lượng, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.
Củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Đồng thời, chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang cùng với những thành tựu to lớn đạt được sau 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 20 năm chia tách, thành lập tỉnh, Đại tướng Tô Lâm tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đoàn kết rồi sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất hơn nữa; đã có quyết tâm chính trị cao rồi sẽ tiếp tục quyết tâm cao hơn nữa; đã hành động quyết liệt rồi sẽ tiếp tục quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; đã thành công rồi sẽ thành công, thành công nhiều hơn nữa.
Bày tỏ sự cảm ơn, tiếp thu, lĩnh hội ý kiến phát biểu chỉ đạo của Đại tướng Tô Lâm, thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương khẳng định, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, tỉnh Lai Châu luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, tỉnh Lai Châu sẽ sớm cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn tới.
Tại Lễ kỷ niệm, các chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Lai Châu - Dấu ấn một chặng đường” với 3 chương: Ký ức Lai Châu; Lai Châu - Dấu ấn một chặng đường và Lai Châu khát vọng, phát triển đã nêu bật những khó khăn, nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu qua 20 năm chia tách, thành lập. Cũng là sự cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đoàn kết, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh Lai Châu. Đồng thời, thể hiện khát vọng vươn cao, vươn xa của tỉnh nhà.
Có thể bạn quan tâm
Lai Châu có thêm hàng nghìn sứ giả marketing du dịch
13:28, 27/03/2023
Lai Châu: Tạo lợi thế cạnh tranh cho cây sâm nhằm hướng tới xuất khẩu
02:29, 01/03/2023
Mở chi nhánh mới hiện đại, HDBank tiếp thêm nguồn lực cho kinh tế Lai Châu
17:54, 12/02/2023
Lai Châu đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo đột phá phát triển
21:16, 08/02/2023
VinFast khai trương showroom 3S đầu tiên tại Lai Châu
13:29, 28/01/2023