Mặc dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện đang rất dồi dào, nhưng lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng vẫn tăng.
Thanh khoản dồi dào
Theo Công ty chứng khoán SSI, trong tuần từ 4/5 đến 8/5, trên kênh cầm cố không phát sinh giao dịch mới, nhưng có 1,05 tỷ đồng đáo hạn. Bên cạnh đó, NHNN cũng không phát hành tín phiếu mới và có 36 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy tính chung trong tuần qua, NHNN đã bơm ròng 35,997 tỷ đồng vào hệ thống, qua đó giúp thanh khoản của các ngân hàng trở nên dồi dào hơn, kéo lãi suất trên liên ngân hàng giảm khá mạnh. Theo đó, lãi suất mà các nhà băng vay mượn nhau qua đêm chốt tuần ở mức 1,88%/năm, giảm 37 điểm cơ bản so với tuần trước đó; còn kỳ hạn 1 tuần là 2,1%/năm, giảm 35 điểm cơ bản. Chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng từ 2%/năm thu hẹp về còn 1,7%/năm.
Còn nhớ trong tuần từ 30/3 đến 3/4, lãi suất liên ngân hàng tăng khá mạnh, lãi suất cho vay qua đêm chốt tuần ở mức 3,32%/năm, tăng 114 điểm cơ bản; lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng tăng 117 điểm cơ bản lên 3,44%/năm; chênh lệch lãi suất VND-USD lên tới 2,2-2,4%/năm. Nguyên nhân do nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng tăng để đáp ứng yêu cầu dữ trữ bắt buộc vào đầu tháng này, cộng thêm tín dụng tăng khá hơn trong nửa cuối tháng 3 vừa qua.
Tuy nhiên, thanh khoản của hệ thống đã được cải thiện tích cực từ nửa cuối tháng 4 nhờ lượng tín phiếu gần 147 nghìn tỷ đồng phát hành trong giai đoạn tháng 3 dần đáo hạn. Nhờ đó, lãi suất liên ngân hàng sau khi lập đỉnh trong tuần đầu tháng 4 cũng giảm dần. Theo dự báo của SSI, lãi suất liên ngân hàng có thể sẽ tiếp tục giảm trong tuần tới do sẽ có thêm 25 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ ở trạng thái dồi dào trong tháng 5 do tín dụng sẽ vẫn tăng trưởng yếu, trong khi dự kiến sẽ có một lượng vốn lớn quay trở lại hệ thống trong tháng này qua kênh tín phiếu. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì ở mặt bằng thấp và tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ có thể sẽ có sự cải thiện trong tháng 5.
Thậm chí theo BVSC, NHNN có khả năng sẽ thực hiện phát hành tín phiếu mới trong thời gian tới nhằm hấp thụ bớt lượng tiền lớn này trong bối cảnh thanh khoản vẫn đang tương đối dồi dào và lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp.
Lãi suất huy động vẫn tăng
Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng được giảm về mức cao nhất chỉ còn 4,25%/năm theo đúng quy định của NHNN; tuy nhiên lãi suất huy động các kỳ hạn trên 6 tháng vẫn được neo ở mức khá cao, thậm chí lãi suất trên 8%/năm không phải là hiếm gặp ở các ngân hàng. Chẳng hạn như tại VietBank, khách hàng gửi tiền với kỳ hạn 13 tháng được hưởng lãi suất 8,0%/năm, hay như tại CBBank, lãi suất huy động kỳ hạn từ 13 tháng trở nên cũng gần 8%...
Đó quả là một nghịch lý khi mà thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm sâu. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, tính đến 8/5/2020, các NHTM đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với 130 nghìn tỷ đồng dư nợ; miễn, giảm lãi suất (0,5- 2,5%) với hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ hiện hữu và 630 nghìn tỷ đồng giải ngân mới.
Lý giải về nghịch lý này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, nguyên nhân một phần do tính liên thông giữa thị trường 1 và thị trường 2 hiện đang rất yếu. Bên cạnh đó, không phủ nhận là thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào, song phân bổ không đều, tập trung chủ yếu ở những ngân hàng lớn. “Các ngân hàng nhỏ, do yếu về uy tín thương hiệu, nên phải trả lãi suất cao hơn mới có thể cạnh tranh thu hút được người gửi tiền”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.
Hơn nữa, không ít ngân hàng trả lãi suất cao chỉ để “làm thương hiệu” khi mà khách hàng phải gửi số tiền rất lớn, như VietCapitalBank trả lãi suất 8,5%/năm song chỉ dành cho mức tiền gửi hơn 300 tỷ đồng; hay SHB còn trả lãi suất đến 9,2%/năm nếu khách hàng gửi trên 500 tỷ đồng…
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia trên, việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động thời gian qua có thể cản trở tiến trình giảm lãi suất cho vay, dù NHNN vừa giảm một loạt lãi suất điều hành. “Nếu dòng tiền gửi có xu hướng dịch chuyển, sẽ buộc các ngân hàng khác cũng phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới tiến trình giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp”, vị chuyên gia này lo ngại.
Có thể bạn quan tâm
06:01, 14/04/2020
11:00, 21/01/2020
05:30, 30/12/2019
16:10, 12/05/2020
04:00, 02/05/2020
11:10, 17/04/2020