Lãi suất khó giảm như kỳ vọng

Hà Anh 26/09/2019 15:32

Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia, động thái cắt giảm lãi suất điều hành vừa qua của NHNN không có nhiều tác động thực tế đến mặt bằng lãi suất.

Thậm chí, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang có xu hướng tăng nhẹ, khiến nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại lãi suất cho vay có thể sẽ tăng trong dịp cuối năm nay.

p/Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng vẫn đang có xu hướng tăng cao.

Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng vẫn đang có xu hướng tăng cao.

Lãi suất huy động vẫn tăng

Đã hơn 1 tuần trôi qua kể từ sau quyết định giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường vẫn không hề có dấu hiệu giảm. Thậm chí, ngay trước khi có quyết định nói trên của NHNN, một số nhà băng đã đưa ra biểu lãi suất huy động mới cao hơn nhiều so với trước, cao nhất là 9%/năm.

Không chỉ tăng lãi suất huy động tiết kiệm, các nhà băng còn chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao ngất ngưởng. Trong đó, NHTMCP Bản Việt đang giữ kỷ lục với lãi suất chứng chỉ tiền gửi 10,2%/năm, kỳ hạn 60 tháng.

Đáng chú ý, việc lãi suất huy động tăng cao không phải do các ngân hàng đang thiếu hụt thanh khoản. Bằng chứng là trong tuần vừa qua, NHNN liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về, trong khi lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục giảm. Chính vì vậy, động thái cắt giảm 0,25% các mức lãi suất điều hành của NHNN không có nhiều tác động đến mặt bằng lãi suất thị trường.

  Áp lực tăng lãi suất cho vay sẽ gia tăng vào cuối năm nay khi lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn tiếp tục tăng, room tín dụng của nhiều ngân hàng đã cạn, thanh khoản của hệ thống không còn dồi dào...

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, lãi suất huy động thực duy trì ở mức cao chủ yếu là do mức lãi suất yêu cầu của người gửi tiền trên cơ sở lạm phát kỳ vọng và so sánh giữa việc nắm giữ VND và ngoại tệ.

Trong khi theo nhiều chuyên gia, việc NHNN giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn xuống 40% và dự kiến giảm tiếp về còn 30% trong thời gian tới cũng tạo áp lực huy động vốn lớn, đẩy mặt bằng lãi suất huy động tăng cao.

Có thể bạn quan tâm

  • Điều gì sẽ xảy ra sau lần giảm lãi suất của Fed?

    12:12, 22/09/2019

  • Tác động của giảm lãi suất sẽ không kéo dài

    10:39, 19/09/2019

  • FED cắt giảm lãi suất, giá vàng sẽ biến động thế nào?

    06:03, 19/09/2019

  • Fed giảm thêm lãi suất, chứng khoán Việt chờ hiệu ứng tích cực?

    11:19, 18/09/2019

  • Ổn định mặt bằng lãi suất

    05:00, 18/09/2019

  • Giảm lãi suất điều hành sẽ tác động ra sao đến thị trường?

    01:00, 17/09/2019

  • Đảo vai tiền lớn, tạo “QE kiểu Việt Nam” để giảm lãi suất cho vay?

    10:27, 16/09/2019

  • Giảm lãi suất điều hành tác động đến đâu?

    06:01, 14/09/2019

Áp lực tăng lãi suất cho vay

Mặc dù sau động thái giảm lãi suất điều hành, một quan chức NHNN cũng đã phát đi thông điệp hỗ trợ các TCTD ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, thế nhưng việc lãi suất huy động có xu hướng tăng không khỏi khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trong những tháng cuối năm.

Thừa nhận những lo ngại này không phải là không có cơ sở, một chuyên gia ngân hàng phân tích, hiện tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng Việt Nam tương đối thấp so với khu vực và các nước cùng mức thu nhập. Nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng, rất có thể các ngân hàng sẽ phải chuyển chi phí đó sang cho người vay vốn bằng cách tăng lãi suất.

Đó là chưa kể áp lực tăng lãi suất cho vay do nhu cầu tín dụng thường tăng cao trong những tháng cuối năm, trong khi hiện không ít ngân hàng đã cạn room tín dụng và cơ quan quản lý vẫn tỏ ra kiên định với quan điểm chính sách tiền tệ thận trọng và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%.

“Cầu vốn nhiều mà cung vốn ít thì chắc chắn giá vốn, tức lãi suất cho vay sẽ phải tăng. Chưa kể, với dư địa tín dụng hạn hẹp còn lại của mình, chắc chắn nhiều nhà băng sẽ phải tính chuyện tối đa hóa lợi nhuận, đẩy vốn vào những phân khúc có biên lợi nhuận cao hơn như cho vay tiêu dùng, khiến việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn hoặc doanh nghiệp phải chấp nhận một mức lãi suất cho vay cao hơn”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.

Trong khi đó, thanh khoản của hệ thống cũng được dự báo sẽ không còn dồi dào như trước khi mà Chính phủ đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chưa hết, NHNN cũng được dự báo có thể sẽ bán ra ngoại tệ để ổn định tỷ giá và tránh việc Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ”, qua đó càng khiến thanh khoản tiền đồng thêm cạn kiệt, đẩy lãi suất tiền đồng tăng cao hơn.

Ngoài ra, nếu Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN giảm tỷ lệ tối đa cho vay trung và dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn xuống 35% hoặc 37% từ ngày 1/7/2020 từ mức 40% hiện nay được ban hành, thì khả năng giảm lãi suất cho vay sẽ càng khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lãi suất khó giảm như kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO