Lãi suất và vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp

LÊ HOÀI ÂN, CFA & ĐỒNG HOÀNG HƯƠNG LIÊN, HUB 07/12/2022 05:30

Với chênh lệch lãi suất đầu ra và đầu vào trung bình của các ngân hàng thường trong khoảng 3-4%, việc ngân hàng có thể cắt giảm lãi suất 1% cho tất cả các khách hàng sẽ rất khó có thể xảy ra.

>>> NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2%

Sau bước đi tiên phong trong việc giảm lãi suất của “ông lớn” Vietcombank, hai nhà băng khác là HDBank và Agribank cũng đã tiếp bước ra công bố giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất – kinh doanh. Một số nhà băng khác cũng đã rục rịch hạ lãi suất.  Đâu là động cơ cho các chương trình giảm lãi suất này trong bối cảnh lãi suất huy động đầu vào vẫn đang tiếp tục tăng và việc lãi suất có thể lan rộng và kéo dài trong thời gian tới hay không?

Nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay. (Ảnh giao dịch tại Vietcombank - Quốc Tuấn)

Nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay. (Ảnh giao dịch tại Vietcombank: Quốc Tuấn)

Ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho tất cả các khách hàng

Dù kỳ vọng việc giảm lãi suất có thể lan tỏa tới các nhà băng khác, song thực tế, về bản chất, ngân hàng là một đơn vị kinh doanh tiền tệ khi huy động lãi suất đầu vào rồi cho vay để hưởng chênh lệch lãi suất. Với chênh lệch lãi suất đầu ra và đầu vào trung bình của các ngân hàng thường trong khoảng 3-4%, việc ngân hàng có thể cắt giảm lãi suất 1% cho tất cả các khách hàng sẽ rất khó có thể xảy ra.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay các quốc gia trên thế giới đều đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Năm 2022 có lẽ là năm thế giới được chứng kiến những đợt tăng lãi suất với quy mô và tốc độ chưa từng thấy trong hơn 5 thập kỷ qua. Chỉ trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất tổng cộng sáu lần, với 4 lần gần nhất đều tăng thêm 0,75% mỗi lần. Cuối tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cũng đã thực hiện lần tăng lãi suất thứ 6 trong năm 2022, nâng mức lãi suất từ 3% lên 3,25%. Theo một thống kê khác, chỉ trong 9 tháng đầu năm, tổng mức tăng lãi suất từ các ngân hàng Trung ương của các nước gồm Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh và Mỹ được nâng lên 18,5 điểm phần trăm.

Tại Việt Nam, NHNN cũng có những chính sách tăng lãi suất điều hành để kiểm soát lạm phát, giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Đây là chính sách phù hợp giúp ngân hàng thu hút nguồn vốn huy động, song khi lãi suất huy động tăng lên mà lãi suất cho vay không tăng lên theo mức tương đương sẽ tạo ra áp lực lớn đến NIM của các ngân hàng. Đây cũng là nguyên nhân ngân hàng khó có thể giảm lãi suất đồng loạt cho tất cả các khách hàng.

>>>Vốn cho sản xuất kinh doanh

Tuy nhiên, ngân hàng vẫn có thể giảm một phần lãi suất cho những đối tượng chính sách. Điều này vừa mang tính hỗ trợ, giúp ích cho cộng đồng, kinh tế, xã hội, vừa mang đến giá trị nhất định cho ngân hàng. Khi giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cũng chính là một trong những tiêu chí mà NHNN xem xét để ra quyết định cấp “room” tín dụng cho năm tới. Điển hình như trong giai đoạn đại dịch Covid -19, những ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế theo lời kêu gọi của NHNN như MB, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank được NHNN “ưu tiên” hơn trong việc xem xét cấp “room” tín dụng. Room tín dụng là yếu tố quan trọng quyết định tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.

Dù vậy, nếu muốn giảm lãi suất trên mặt bằng chung cho tất cả các đối tượng khách hàng, chúng ta vẫn có cơ sở để có thể kỳ vọng. Khi đặt lên bàn cân so sánh, NIM của các ngân hàng tại Việt Nam vẫn đang cao hơn so với các nước. Năm 2021, NIM của Việt Nam là 3,35%, trong khi con số đó ở Thái Lan và Trung Quốc lần lượt là 2,48% và 2,16%. Do đó, Chính phủ có thể thông qua các hoạt động định hướng khuyến khích các ngân hàng giảm mức lãi suất hợp lý cho các đối tượng khách hàng.

Nếu như thực sự giảm lãi suất đồng loạt sẽ cần những hành động quyết liệt hơn từ NHNN tương tự như cách làm của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cuối năm 2021. Thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, PBOC đã hạ hàng loạt các loại lãi suất chủ chốt khác nhau để hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, giảm áp lực lên thị trường bất động sản và đẩy mạnh đầu tư, tiêu dùng. Khi đó NIM của hệ thống ngân hàng đã có sự sụt giảm đáng kể để có thể cùng hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Ngoài kênh ngân hàng, doanh nghiệp có thể vay vốn tại đâu

Khi lãi suất cho vay tăng lên mức cao sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng. Nếu trở về 10 năm trước, không thể vay vốn tại kênh ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ rất khó để tìm các nguồn vốn thay thế. Song, hiện nay, với sự phát triển đa dạng của các quỹ đầu tư cả trong và ngoài nước, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm kiếm các nguồn vốn thay thế. Với những doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả thì có thể tiếp cận nguồn vốn bằng cách phát hành trái phiếu thay vì đi vay vốn tại ngân hàng. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoàn toàn có thể đi gọi vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm,...

Tại Việt Nam, đa số là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, do không có tài sản thế chấp nên khi các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ vay vốn ở ngân hàng thường sẽ thế chấp bằng tài sản, bất động sản của bên thứ 3, khi đó nguồn vốn doanh nghiệp tiếp cận được sẽ bị giới hạn lại. Trong khi đó, các quỹ đầu tư hoàn toàn sẵn sàng bơm đủ lượng vốn doanh nghiệp cần dựa trên tiềm năng, kế hoạch tăng trưởng mở rộng của doanh nghiệp trong tương lai.

Để có thể tiếp cận được nguồn vốn từ các quỹ, tiềm lực bên trong của doanh nghiệp chính là yếu tố tiên quyết. Các quỹ đầu tư luôn sẵn lòng bơm vốn, hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng tốt, mô hình kinh doanh tốt. Do đó, doanh nghiệp cần chuẩn hóa các quy trình, xây dựng kế hoạch chiến lược kinh doanh cụ thể, hoàn thiện hệ thống quản trị, đặc biệt là quản trị tài chính. Vì nếu hệ thống quản trị của doanh nghiệp kém sẽ khiến nhà đầu tư cảm thấy thông tin không minh bạch, không nhìn ra được tiềm năng trong tương lai. Điều đó sẽ gây ra cản trở rất lớn trong việc kêu gọi đầu tư từ các quỹ.

Có thể thấy, dù là vay vốn tại ngân hàng hay tìm kiếm các nguồn vốn khác thì yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vẫn là nội lực của chính doanh nghiệp đó. Môi trường vĩ mô càng bất ổn càng nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố nền tảng của doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng thứ hai công bố giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm dịp cuối năm

    Ngân hàng thứ hai công bố giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm dịp cuối năm

    08:24, 28/11/2022

  • Ngân hàng giải nút thắt thanh khoản đi liền với tăng lãi suất

    Ngân hàng giải nút thắt thanh khoản đi liền với tăng lãi suất

    11:20, 22/11/2022

  • Lãi suất điều chỉnh

    Lãi suất điều chỉnh

    12:00, 18/11/2022

  • BIDV tích cực triển khai hỗ trợ lãi suất

    BIDV tích cực triển khai hỗ trợ lãi suất

    02:00, 16/11/2022

  • Tránh “sốc” lãi suất

    Tránh “sốc” lãi suất

    00:51, 14/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lãi suất và vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO