Là nghề đặc thù, thuộc nhóm đối tượng ưu tiên nhóm 3 theo Nghị quyết 21 ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID -19 của Thủ tướng Chính phủ nhưng do chưa được phân bổ nên họ liên tục bị nhiễm loại virus này.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khiến thiệt hại về kinh tế rất nặng nề. Nhiều nơi đã bị phong toả, giãn cách để thực hiện nghiêm các giải pháp ngăn chặn, phòng chống dịch. Mọi hoạt động kinh tế ở những nơi được xem là tâm dịch COVID-19 đều bị tê liệt, hàng hoá lưu thông bị gián đoạn, phương tiện vận tải ra, vào vô cùng khó khăn.
Hệ thống logistics, vận tải hàng hoá trên mọi phương diện bị đình trễ, phát sinh nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế - xã hội. Hàng hoá khan hiếm do tắc nghẽn vận tải, nguồn cung – cầu bị lệch pha… là thảm cảnh chúng ta đã thấy trong suốt thời gian qua.
Không ít doanh nghiệp vận tải rơi vào trạng thái “chết lâm sàng” từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, bùng phát ở Việt Nam từ thời điểm đầu năm 2020 đến nay.
Vậy nhưng, mục tiêu vừa chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế vẫn phải thực hiện. Ngăn dịch COVID-19 lây lan nhưng không thực hiện phương châm “ngăn sông, cấm chợ”, phải duy trì lưu thông vận tải hàng hoá, nhu yếu phẩm thiết yếu để kịp thời cung cấp cho các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước.
Nhiều doanh nghiệp vận tải phải gồng mình bỏ thêm một khoản chi phí lớn để thực hiện xét nghiệm, test nhanh phát hiện SARS-CoV-2 cho lái xe, phụ xe để yên tâm, an toàn lưu thông đường dài, đi lại giữa vùng này với địa phương khác.
Chính vì vậy, khi biết mình thuộc nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 (nhóm 3) theo Nghị định 21/NĐ-CP ngày 26/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã khẩn trương lập danh sách, đăng ký gửi cơ quan có thẩm quyền để mong sớm được phân bổ, triển khai tiêm.
Tuy nhiên, thực tế theo dõi trong suốt thời gian qua, việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID -19 ở nhiều tỉnh, thành trên địa bàn cả nước đối tượng thuộc nhóm 3 chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Chính vì vậy, đã có không ít trường hợp lái xe đường dài khi vào các cơ sở y tế ở một số tỉnh, thành để xét nghiệm COVID -19 thì bất ngờ bị dương tính chưa rõ nguồn lây, bắt buộc cơ quan y tế phải lập tức khoanh vùng, truy vết, điều tra dịch tễ.
Đơn cử như vào tối ngày 26/7, ở Nghệ An sau nhiều ngày không xuất hiện ca dương tính với COVID-19 trong cộng đồng đã ghi nhận 02 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 là nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa Minh An ở huyện Quỳnh Lưu.
Ngay sau đó, ngoài việc phong toả tạm thời Bệnh viện nói trên thì việc tạm thực hiện cách ly xã hội đối với xã An Hòa và xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu; tiến hành điều tra truy vết các trường hợp liên quan cũng đã được triển khai cấp tốc.
Được biết, Bệnh viện Đa khoa Minh An vẫn thường thực hiện test nhanh COVID-19 cho các lái xe đường dài và đã phát hiện không ít trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã đề xuất Bộ Y tế ưu tiên xem xét tiêm phòng cho lực lượng lái xe, lao động đang thực hiện công tác tại cảng, kho, bãi, khai báo hải quan... có điều kiện được tiêm phòng sớm nhất.
Tuy nhiên, đến nay, nhóm đối tượng này vẫn chưa được triển khai ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID -19 trên phạm vi diện rộng.
Vì thế, nguy cơ tiềm ẩn, gặp nhiều rắc rối, khó khăn nếu lái xe vào test, xét nghiệm chẳng may bị dương tính với SARS-CoV-2 thì chẳng có kịch bản nào có thể lường trước hết được. Trong khi, trong bối cảnh hiện nay, họ được xem là thành phần chủ lực trên mặt trận thông thương hàng hoá, góp phần vào việc duy trì phát triển nền kinh tế kể từ khi dịch COVID -19 bùng phát ở Việt Nam suốt thời gian qua.
Nếu tài xế bị cách ly hàng chục ngày vì dương tính với SARS-CoV-2 thì cũng đồng nghĩa với việc hàng hoá sẽ ứ đọng từng đó thời gian và hệ luỵ từ cán cân cung – cầu sẽ tác động nghiêm trọng tới thị trường thương mại hàng hoá...
Tuy nhiên, việc ưu tiên, thực hiện chiến dịch gọi là tiêm vaccine phòng COVID -19 cho đội ngũ lái xe đường dài, lái xe liên vận…vẫn chưa được triển khai ở quy mô lớn.
Ngay như ở Nghệ An trong đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 4 tới đây, danh sách các đơn vị kinh doanh vận tải đệ trình, gửi lên để cơ quan có thẩm quyền bố trí tiêm cho họ vẫn chưa được xem xét. Trong khi đó, nhiều đơn vị chưa hẳn đã nằm trong nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 theo Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ nhưng Nghệ An vẫn phân bổ số lượng lớn.
Vậy nên, nhìn vào số lượng tài xế đường dài liên tục dương tính với SARS-CoV-2 ở các địa phương trong thời gian qua, ai cũng có thể hình dung ra biểu đồ mắc COVID-19 mà nhóm đối tượng này đang gặp phải…
Vẫn biết là nguồn vaccine phòng COVID-19 thực tế hiện nay đang khan hiếm, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cũng đã rất nỗ lực để tìm kiếm, đặt hàng để đưa về Việt Nam. Việc phân bổ, sử dụng vaccine ở nước ta bắt buộc phải theo nguyên tắc, phân loại theo thứ tự các nhóm đối tượng ưu tiên.
Tuy vậy, thực tế nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn than phiền là suốt thời gian qua, họ đã có đơn trình bày, lập danh sách phân bổ theo Nghị quyết số 21/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/2/2021 về việc phân bổ, sử dụng vaccine phòng COVID-19 liên tục gửi cơ quan chức năng tỉnh, thành... nhưng đến nay vẫn "mòn mỏi" chờ trông.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội logistics kiến nghị ban hành quy tắc an toàn phòng dịch COVID -19
10:28, 13/07/2021
TP HCM: “Gỡ khó” cho lái xe để lưu thông hàng hoá
07:27, 19/07/2021
Hải Phòng: Gấp rút xét nghiệm SARS- Cov-2 đối với toàn bộ lái xe, phụ xe
19:23, 17/07/2021
Đề nghị kéo dài hiệu lực giấy xét nghiệm với lái xe chở hàng hóa
16:50, 16/07/2021
Hải Phòng: Xem xét tiêm vaccine cho lái xe kinh doanh vận tải
11:02, 03/06/2021