Ô tô - Xe máy

Lái xe khi chưa đủ tuổi, cái giá phải trả là gì?

Thanh Trà 22/01/2025 00:47

Tình trạng thiếu niên đi xe máy khi chưa đủ điều kiện gây nguy hiểm, đòi hỏi sự giáo dục từ gia đình và sự giám sát chặt chẽ của xã hội.

Hệ quả của thiếu ý thức giao thông

Vào khoảng 23h ngày 20/1, đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel tại Hà Nội nhận được thông báo về một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đường Hồ Tùng Mậu. Khi đến hiện trường, đội phát hiện hai thanh thiếu niên tự ngã sau khi xe máy đâm vào cột trụ gần nhà ga đường sắt trên cao.

474050820_923879506591983_8999996191626790764_n (1)
Hình ảnh chiếc xe máy hư hỏng nặng sau vụ tai nạn. (Ảnh: FAS Angel - Hỗ Trợ Sơ Cứu)

Điều đáng buồn là cả hai nạn nhân đều sinh năm 2008, chưa đủ tuổi điều khiển xe máy nhưng vẫn điều khiển phương tiện với tốc độ cao và trong tình trạng say rượu. Hiện trường vụ tai nạn cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng khi chiếc xe máy bị hư hỏng nặng và một chai rượu vẫn nằm cạnh hai người bị nạn. Cả hai được đưa đi cấp cứu trong tình trạng chấn thương nặng.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, đặc biệt trong những ngày cuối năm. Nhiều thanh thiếu niên từ các tỉnh lẻ đến thành phố, không có sự giám sát chặt chẽ của gia đình, dễ dàng vi phạm luật giao thông khi phóng nhanh vượt ẩu, điều khiển xe trong tình trạng không đủ điều kiện. Những hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của những người xung quanh.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Để ngăn chặn tình trạng này, từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, thay thế Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP). Nghị định mới này đã tăng mạnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện.

Cụ thể, đối với xe máy, cá nhân giao xe cho người không đủ tuổi điều khiển sẽ bị phạt từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với mức phạt cũ là 800 nghìn đến 2 triệu đồng. Nếu hành vi này do tổ chức thực hiện, mức phạt sẽ là 16 triệu đồng đến 20 triệu đồng, thay vì mức 1,6 triệu đến 4 triệu đồng như trước. Đối với ô tô, mức phạt càng nghiêm khắc hơn, lên đến 28 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với cá nhân và 56 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với tổ chức.

z5930510166033_267183c3158c6185523d7ed05dafe69a-1-.jpg
Sự lơ là giám sát và giao xe cho người không đủ tuổi có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. (Ảnh: Thanh Trà)

Vụ tai nạn trên là lời cảnh báo mạnh mẽ đến các bậc phụ huynh và người lớn. Sự lơ là trong việc giám sát con em, cùng tâm lý chủ quan khi giao xe cho người không đủ điều kiện, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Các chuyên gia nhận định rằng, bên cạnh việc nâng cao chế tài xử phạt, giáo dục ý thức giao thông cần được đẩy mạnh từ gia đình và nhà trường.

"Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của thanh thiếu niên. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm, vai trò của các bậc phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương trong việc quản lý, giáo dục người dưới 18 tuổi", TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhấn mạnh.

Những tai nạn giao thông liên quan đến thanh thiếu niên không chỉ để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, mà còn kéo theo tổn thất tinh thần và kinh tế cho gia đình nạn nhân. Đây là thời điểm cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, cộng đồng và gia đình để ngăn chặn những hành vi vi phạm tương tự.

Nghị định 168 không chỉ là công cụ pháp lý mà còn là cơ hội để nâng cao ý thức tuân thủ luật giao thông, bảo vệ an toàn cho mọi người. Sự thay đổi bắt đầu từ những hành động nhỏ, như việc không giao xe cho người không đủ điều kiện và giáo dục ý thức tham gia giao thông ngay từ khi còn nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lái xe khi chưa đủ tuổi, cái giá phải trả là gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO