Kinh tế địa phương

Lâm Đồng: 3 trụ cột chính trong giai đoạn phát triển mới

Thùy Linh 17/05/2025 12:52

Lâm Đồng xác định 3 trụ cột chính là văn hoá - du lịch - thương mại. Đó không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là không gian sáng tạo để hội tụ trí tuệ, bản sắc và nguồn lực xã hội.

Nằm trong chuỗi hoạt động Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội, sáng 17/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra Diễn đàn Kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” tỉnh Lâm Đồng năm 2025.

Đại biểu tham dự diễn đàn
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh: Lâm Đồng là một địa phương đặc biệt của đất nước – nơi hội tụ giữa thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đa sắc màu và những khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Với trung tâm là TP Đà Lạt, Lâm Đồng không chỉ là “trái tim” của du lịch Tây Nguyên mà đang từng bước định hình vai trò là cực tăng trưởng xanh, sáng tạo, thân thiện của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, Lâm Đồng đang vươn lên là tỉnh phát triển khá của cả nước, với GRDP bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng, năng suất lao động tăng trưởng ấn tượng. Ngành nông nghiệp công nghệ cao giữ vai trò chủ lực, du lịch tiếp tục là điểm sáng với thương hiệu Thành phố Festival Hoa, Thành phố sáng tạo UNESCO và nhiều lễ hội văn hóa, thể thao quy mô quốc gia, quốc tế.

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu khai mạc
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc diễn đàn

Thực hiện chiến lược của Trung ương, Lâm Đồng đang tích cực tổ chức lại đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, tái cấu trúc không gian phát triển. Đặc biệt, việc sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận - Đắk Nông sẽ mở ra một chân trời phát triển mới cho vùng đất này.

Tỉnh mới sẽ là địa phương có diện tích lớn nhất cả nước, hội tụ đủ các yếu tố “biển - rừng - biên giới - hải đảo”, sở hữu tài nguyên thiên nhiên đa dạng, sản lượng nông sản đứng đầu cả nước, đồng thời có dư địa lớn về phát triển năng lượng tái tạo, chế biến sâu.

Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh Lâm Đồng xác định 3 trụ cột chính là văn hoá - du lịch - thương mại. Đó không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là không gian sáng tạo để hội tụ trí tuệ, bản sắc, công nghệ và nguồn lực xã hội.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại diễn đàn

Diễn đàn cùng đi sâu thảo luận các vấn đề lớn như: Đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần và động lực nội sinh cho phát triển; Làm sao để du lịch không chỉ phục hồi sau đại dịch mà còn chuyển mình sang mô hình xanh, thông minh, kết nối sâu hơn với nông nghiệp, công nghiệp sáng tạo và cộng đồng; Làm như thế nào để thương mại - dịch vụ thực sự trở thành cầu nối phát triển bền vững, gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển đổi số, và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định: Những năm qua, Lâm Đồng là điểm sáng ấn tượng trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm đặc sản, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển, Lâm Đồng cần chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, chuyển đổi từ “tiềm năng” sang “giá trị thực”, từ “đơn lẻ” sang “liên kết hệ sinh thái”, từ “tỉnh lẻ” thành “tỉnh động lực vùng”.

Trong chiến lược phát triển quốc gia, Chính phủ xác định rõ: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có giá trị gia tăng cao, thương mại là động lực thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế. Tỉnh Lâm Đồng cần khai thác hiệu quả 3 trụ cột này với các định hướng chiến lược. Cụ thể:

Một là, phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo; khơi dậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, di sản dân tộc, nghệ thuật dân gian kết hợp công nghệ hiện đại; văn hóa không chỉ là hồn cốt dân tộc, mà còn là nguồn lực phát triển kinh tế.

Hai là, xây dựng thương hiệu du lịch Lâm Đồng theo hướng xanh – thông minh – trải nghiệm – bản sắc. Phát triển du lịch chất lượng cao, dựa trên lợi thế sinh thái, khí hậu, kiến trúc, lễ hội, ẩm thực và cộng đồng.

Ba là, hiện đại hóa hệ thống thương mại, logistics và sàn giao dịch số. Kết nối mạnh mẽ nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP với thị trường trong nước và quốc tế. Tập trung vào các thị trường chiến lược như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả quản trị công, xây dựng chính quyền số, dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân. Chủ động xây dựng quy hoạch tỉnh mới sau sáp nhập Bình Thuận, Đắk Nông (sau khi được Quốc hội thông qua), gắn với chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên mở rộng.

Quy hoạch cần tích hợp các không gian phát triển văn hóa, du lịch, đô thị sinh thái và công nghiệp sáng tạo. Đồng thời, phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp địa phương; liên kết mạnh mẽ với các địa phương trong vùng, hình thành các hành lang kinh tế – du lịch biển – cao nguyên – biên giới, thu hút đầu tư chiến lược, phát triển đồng bộ hạ tầng số, hạ tầng giao thông và logistics.

Với tinh thần quyết liệt, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tỉnh Lâm Đồng sẽ vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm phát triển xanh, toàn diện và giàu bản sắc của khu vực và cả nước.

Các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận gợi mở nhiều ý kiến tâm huyết nhằm phát triển tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập
Các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận gợi mở nhiều ý kiến tâm huyết nhằm phát triển tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, tình cảm gắn kết giữa Lâm Đồng và Hà Nội “trong Lâm Đồng có Hà Nội”, đồng thời nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội cam kết tiếp tục là đối tác đồng hành tin cậy của các địa phương, sẵn sàng tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các hoạt động xúc tiến văn hóa, thương mại và du lịch được kết nối mạnh mẽ và hiệu quả.

Hà Nội mong muốn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến điểm đến, quảng bá sản phẩm du lịch và đặc sản vùng miền, kết nối doanh nghiệp sáng tạo và hỗ trợ phát triển các trung tâm văn hóa – kinh tế vùng một cách bền vững.

Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư đã trao đổi nhiều ý kiến sâu sắc, đa chiều, gợi mở, làm sáng tỏ nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy kết nối văn hóa - du lịch - thương mại vào Lâm Đồng. Diễn đàn không chỉ là nơi giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, mà còn là nơi tiếp thu tri thức, kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp khoa học, sáng tạo, thiết thực để khai phóng tiềm năng phát triển bền vững của Lâm Đồng trong giai đoạn mới.

Đồng chí Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trân trọng ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà đầu tư tại diễn đàn
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái trân trọng ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà đầu tư tại diễn đàn

Với phương châm “Hợp tác cùng phát triển – Đồng hành cùng nhà đầu tư”, Lâm Đồng mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Lâm Đồng để cùng gìn giữ di sản, khai phá tiềm năng và kiến tạo tương lai.

Lâm Đồng cam kết, luôn rộng mở, minh bạch và trách nhiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, thủ tục, hạ tầng, không gian và nguồn lực để các sáng kiến, dự án, đề xuất được hiện thực hóa một cách hiệu quả, bền vững và mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, doanh nghiệp và quốc gia; góp phần đưa Lâm Đồng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa – du lịch – thương mại – đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lâm Đồng: 3 trụ cột chính trong giai đoạn phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO