Năm 2024, du lịch tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu 10 triệu du khách với phát triển các sản phẩm du lịch truyền thống, đặc thù của tỉnh.
>>Zin’s Farm - đồi mộng mơ
Năm 2023, tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng đạt 8.650.000 lượt. Trong đó, khách quốc tế đạt 400.000 lượt, khách nội địa đạt 8.250.000 lượt. Khách lưu trú đạt 6.700.000 lượt, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 15.570 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, các chỉ tiêu đều tăng trên 10%.
Hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã tương đối hoàn thiện. Đến nay, địa phương có 3.070 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 43.684 phòng. 82 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 44 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 38 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa. Toàn tỉnh có 112 khu, điểm du lịch, điểm tham quan, trong đó có 01 khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ cấp quyết định công nhận, 02 khu du lịch cấp tỉnh và 11 điểm du lịch cấp tỉnh được UBND tỉnh cấp quyết định công nhận.
Để khai thác những hạ tầng sẵn có, UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho các sở ngành, địa phương, các hiệp hội, Ban quản lý Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm triển khai ngay các hành động.
Bằng sự quyết liệt, ngay từ đầu năm, ngành du lịch tỉnh đã định hướng tập trung khai thác thị trường khách du lịch nội địa, đặc biệt là các thị trường khách du lịch nội địa truyền thống của tỉnh như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, các tỉnh vùng duyên hải Miền Trung. Đồng thời mở rộng thị trường khách nội địa sang các tỉnh phía bắc như Hà Nội, Hải Phòng... Tiếp tục tập trung thu hút khách du lịch quốc tế đến từ thị trường các nước ASEAN, Đông Bắc Á, Đông Á.
Thực hiện các giải pháp, mở rộng phát triển các thị trường tiềm năng, có lượng khách du lịch đến Lâm Đồng hàng năm tăng nhanh, tiếp tục mở thêm các đường bay quốc tế đến các thị trường tiềm năng của tỉnh.
>>Thí điểm cấp visa dài hạn để tăng cơ hội hút khách quốc tế
Chưa đầy 2 tháng đầu năm 2024, số lượng khách du lịch đến Lâm Đồng đã gần đạt 1 triệu lượt khách, trong đó riêng kỳ nghỉ Tết Nguyên đã đón gần 300 ngàn khách du lịch.
Nói về du lịch của Lâm Đồng, ông Tưởng Hữu Lộc - Phó Chủ tịch Hiệp Hội du lịch cho biết “Về phía Hiệp hội, chúng tôi cũng đang cố gắng cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư cố gắng tuân thủ quy hoạch, pháp luật . Song hành cùng nhau để thúc đẩy du lịch địa phương phát triển theo đúng mục tiêu đã đề ra.”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S yêu cầu “cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trên lĩnh vực du lịch đối với khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm trên địa bàn Đà Lạt - Lâm Đồng. Triển khai các chương trình liên kết, xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng với các địa phương trong và ngoài nước. Đa dạng các phương thức liên kết hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước, ưu tiên hợp tác liên kết khu vực để phát triển sản phẩm, quảng bá điểm đến chung. Đặc biệt là triển khai các công trình trọng tâm, trọng điểm như Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng; Khu du lịch hồ Prenn; núi Sa Pung - Bảo Lộc.”
Với những mục tiêu đề ra cụ thể, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đang cố gắng hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/7/2022 về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm