IoT là nền tảng của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và IoT khiến cho cuộc chơi giữa các doanh nghiệp trở nên công bằng hơn. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố sách "Internet vạn vật - Từ tuyền thông đến hiện thực" do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức sáng nay.
Theo định nghĩa từ báo cáo của WB, IoT là thiết bị cảm biến, là mạng lưới các vật thể thông minh thực hiện các chức năng cảm nhận, khởi động, theo dõi kiểm soát. Sử dụng giao thức không dây, cấp địa chỉ và giao thức mạng. Theo đó, khi áp dụng IoT sẽ giảm được gánh nặng thủ tục hành chính và tăng cường tuân thủ, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ đổi mới sáng tạo, trình độ kinh doanh và thương mại hoá nghiên cứu cũng như quản lý cơ sở hạ tầng.
Báo cáo là bước đi đầu tiên nhằm đánh giá tiến độ của Chính phủ các nước trong quá trình đưa IoT vào hoạt động của mình. Bộ công cụ sẽ là một bước đệm tạm thời giúp chính phủ các nước sớm xúc tiến công việc nếu họ còn đang trong giai đoạn xây dựng chương trình. Đồng thời báo cáo cũng góp phần nâng cấp kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu đòi hỏi nỗ lực rất lớn tại các nước.
Việt Nam đang có gì?
Vậy thực trạng các doanh nghiệp sử dụng IoT ở Việt Nam như thế nào? Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ DTT cho biết: “Hiện nay các doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ IoT này, tuy nhiên để nhân rộng, doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia vào việc thực hiện các tiêu chuẩn của thế giới”.
Cũng theo ông Trung, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đã nghe và trở nên quen thuộc thuật ngữ IoT. Vì vậy, Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn mới đó là giai đoạn của việc dùng thử, trả tiền và đánh giá hiệu quả.
Ngoài ra, liên quan đến góp ý về báo cáo này của WB, ông Trung cho biết: “Nếu báo cáo có phần dành riêng cho ảnh hưởng và các khuyến nghị về Việt Nam thì báo cáo sẽ tốt hơn”.
Các chuyên gia tại hội thảo cũng thể hiện mong muốn kỳ vọng rằng, nếu các doanh nghiệp kết hợp với nhau như DTT hay VNPT sẽ mang lại kết quả tốt hơn, có lợi hơn cho thị trường và người tiêu dùng.
Nhằm khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, dám thay đổi để ứng dụng IoT vào việc phát triển hoạt động của doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và Dự báo Viện Hàn lâm Khoa học cho biết: “Dữ liệu số là nguồn lực quan trọng hơn cả tài nguyên thiên nhiên hay khoáng sản mà doanh nghiệp cần khai thác và nắm giữ. Đây là một giai đoạn chuyển đổi quan trọng của doanh nghiệp”.
Hiện nay, 7 công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất trên thế giới như như Google, Apple... Alibaba hay Tencent ... là những tập đoàn có nguồn dữ liệu lớn. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 doanh nghiệp nào nắm giữ được nguồn dữ liệu lớn thì công ty đó được định giá vốn hoá lớn.
Kinh nghiệm từ thế giới
Ông Prasanna, Chủ biên báo cáo của WB cho biết: “IoT có tiềm năng rất lớn nhưng đòi hỏi Chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân và xã hội dân sự phải tiến hành một cách có hệ thống và dựa trên thông tin đầy đủ”.
Những lợi thế này đã khiến các nước phát triển trên thế giới ứng dụng IoT trên hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống như Ludwigsburg (Đức) đã triển khai các dự án như khu đỗ xe, mạng lưới chiếu sáng bằng công nghệ IoT hay ở Astana (Kazakhstan) đã triển khai bệnh viện đa khoa thông minh, xử lý rác thải rắn, kiểm soát nhiên liệu cho dầu máy xe lửa, trường học thông minh, quản lý hệ thống công cộng, và Mississauga (Canada) đang triển khai các hệ thống năng lượng.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, hiện nay các dự án thí điểm sử dụng IoT thường triển khai các dự án có mô hình giống nhau và mang tính chất thăm dò thị trường. Cụ thể các mô hình kinh doanh tạm thời được đầu tư chủ yếu thông qua viện trợ hay nguồn vốn hạn chế, mức độ khả thi về tài chính về lâu dài chưa chắc chắn.