Với những lo ngại ngày càng tăng về lạm phát gia tăng và sự biến động của thị trường, những người giàu có ở châu Á đang chuyển dịch dòng tiền đầu tư sang các tài sản trú ẩn an toàn hơn.
>>Tiền điện tử trị giá hàng tỷ đô "không cánh mà bay"
Nghiên cứu năm 2022 của ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ, Lombard Odier cho thấy, các nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng cao, đang ngày càng thận trọng trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động mạnh.
Cụ thể, họ đang tránh xa các tài sản kỹ thuật số như tiền điện tử - thứ đã được chứng minh là đặc biệt dễ bay hơi và gắn bó với các tài sản an toàn hơn như vàng hay tiền mặt. Đáng chú ý, họ cũng có tâm lý xa lánh cổ phiếu và trái phiếu để tập trung vào các hoạt động kinh doanh riêng của mình.
Lombard Odier, đơn vị quản lý khoảng 358 tỷ franc Thụy Sĩ (363 tỷ USD) tài sản của khách hàng trên toàn cầu, đã khảo sát hơn 450 cá nhân có tài sản giá trị ròng cao sống ở Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Đài Loan và Úc hồi giữa tháng 5 và tháng 6 năm nay.
Vincent Magnenat, người đứng đầu khu vực Châu Á của Lombard Odier viết trong một tuyên bố: “Các nhà đầu tư APAC đang trở nên thận trọng hơn với việc xây dựng danh mục đầu tư và có xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang các tài sản tư nhân hay các tài sản thay thế an toàn hơn. Sự phân bổ cho tài sản kỹ thuật số là cực kỳ thấp”.
Lombard Odier cho biết thêm, sự gia tăng của lạm phát và những tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu là mối quan tâm lớn nhất đối với 77% người được hỏi. Một nửa trong số họ lo lắng về sự biến động của thị trường, điều này đã thúc đẩy tới 56% trong số họ tăng cường đa dạng hóa hoạt động đầu tư. Các cá nhân giàu có trong cuộc khảo sát cũng bày tỏ tâm lý tránh xa tiền điện tử, với 83% trong số họ không đầu tư hoặc ít hơn 5% danh mục đầu tư ủng hộ các tài sản đó.
Theo một chỉ số đo lường các tỷ phú do Bloomberg thực hiện, sự sụt giảm của cổ phiếu công nghệ và lạm phát tăng vọt trong bối cảnh lãi suất tăng, đã khiến khối tài sản tích lũy của 500 người giàu nhất thế giới mất đi 1,4 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm 2022. Đó là sự đảo ngược so với hai năm qua, thời điểm các Ngân hàng Trung ương trên thế giới mở rộng chính sách tiền tệ để chống lại ảnh hưởng của Covid-19, đã giúp gia tăng tài sản của họ.
Mối lo ngại lớn của các nhà đầu tư hiện nay là tính thanh khoản thấp của các tài sản rủi ro và nhấn mạnh sự quan tâm nhiệt tình đối với tài sản tư nhân. Các nhà đầu tư tin rằng, điều đó cho phép họ nắm bắt các thay đổi về cấu trúc thị trường theo cách có quy định và quản lý rủi ro một cách chắc chắn. Trong đó, người giàu ở Singapore và Australia đang dẫn đầu xu hướng, với khoảng 60% có kế hoạch tăng phân bổ vào các thị trường tư nhân.
>>FED tăng lãi suất, tài chính châu Á không dễ khủng hoảng
Không chỉ dịch chuyển dòng vốn, ngay cả các triệu phú (tính bằng đô la Mỹ) cũng đang chuyển đến các quốc gia mới và dự đoán rằng năm 2023 sẽ là một năm kỷ lục về hoạt động này.
Báo cáo công dân toàn cầu Henley, do công ty tư vấn đầu tư Henley & Partners và New World Wealth cùng thực hiện cho thấy, Nga và Ukraine đang trải qua cuộc di cư lớn nhất của những cá nhân có giá trị tài sản trị lớn (HNWIs). Các điểm đến vốn thường thu hút các nhà đầu tư giàu có như Anh hay Mỹ lại đang mất dần sự hấp dẫn này.
TS. Juerg Steffen, Giám đốc điều hành của Henley & Partners cho biết, sự di cư của người giàu là một xu hướng gia tăng trong thập kỷ qua và chỉ giảm xuống vào năm 2020 - 2021 do Covid-19. Nhưng đến năm 2022 đã phản ánh một môi trường cực kỳ biến động trên toàn thế giới để thúc đẩy những hoạt động này.
Còn theo Andrew Amoils, trưởng bộ phận nghiên cứu của New World Wealth phân tích, số liệu di cư của HNWI là một phong vũ biểu tuyệt vời cho sức khỏe của nền kinh tế. Các cá nhân giàu có cực kỳ năng động và sự di chuyển của họ có thể mang tới tín hiệu cảnh báo sớm, về xu hướng của đất nước được lựa chọn là điểm đến trong tương lai.
"Các quốc gia thu hút những cá nhân và gia đình giàu có di cư đến sẽ mở ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ về du lịch, tỷ lệ tội phạm thấp, thuế suất cạnh tranh và cơ hội kinh doanh hấp dẫn", ông nói.
Cũng theo báo cáo, dự báo năm 2022, Vương quốc Anh là quốc gia đang chịu thiệt thòi với dòng tiền rời đi của 1.500 triệu phú. Thực tế, xu hướng này bắt đầu cách đây 5 năm khi cuộc bỏ phiếu Brexit và thuế tăng khiến nhiều HNWI rời khỏi đất nước hơn. Ngay cả sự hấp dẫn của Hoa Kỳ cũng đang giảm đi nhanh chóng. Ông Amoils lý giải: “Nước Mỹ ngày nay ít thu hút các triệu phú hơn so với thời kỳ tiền Covid, có lẽ một phần do mối đe dọa về thuế cao”.
Cùng với đó, cuộc di cư của các triệu phú Brazil đang gia tăng với dòng chảy ròng được dự đoán là 2.500 HNWI, tăng 79% so với năm 2019, tương tự Ấn Độ dự kiến sẽ bị mất khoảng 8.000 HNWI vào năm 2022, tăng 14%.
Ông Dominic Volek, người đứng đầu nhóm khách hàng tư nhân tại Henley & Partners cho biết, UAE dự kiến sẽ chứng kiến dòng vốn ròng của HNWI cao nhất trên toàn cầu vào năm 2022, với dự báo 4.000 lượt đến, tăng 208% so với 1.300 lượt vào năm 2019. “Điều này phản ánh sự gia tăng đáng kể của UAE trong bảng xếp hạng Henley Passport Index, khi nước này tập trung vào việc thu hút du lịch và thương mại, bằng cách thực hiện liên tiếp các miễn thị thực có đi có lại. UAE hiện đang làm điều tương tự với cách tiếp cận cạnh tranh, nhanh nhẹn trong việc điều chỉnh các quy định nhập cư để thu hút những người giàu có, dòng vốn và cả các nhân tài”.
Tương tự, Úc cũng là quốc gia có thành tích cao trong dài hạn về thu hút số lượng lớn HNWI. New World Wealth ước tính, hơn 80.000 triệu phú USD đã chuyển đến đất nước này trong 20 năm qua. Vào năm 2022, dòng vốn ròng dự kiến sẽ là 3.500 người - cao thứ hai trên toàn cầu. Bênh cạnh đó, nước láng giềng New Zealand cũng rất nổi tiếng, dự kiến sẽ chào đón 800 HNWI.
Ở khu vực châu Á, Singapore là quốc gia nổi bật với 2.800 triệu phú chuyển đến dự kiến trong năm nay, tăng 87% so với năm 2019.
Nhà sáng lập FutureMap, Parag Khanna khẳng định, toàn cầu hóa chưa chết và châu Á - nơi thu hút dòng vốn đang tăng lên nhờ sự mở cửa trở lại sau đại dịch và các khoản đầu tư thực trên toàn khu vực tập trung vào sản xuất. Ông nói: “Với các điều kiện về nhà máy sản xuất, nền kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD, đô thị hóa nhanh chóng, tầng lớp trung lưu gia tăng và sự thâm nhập công nghệ ngày càng mạnh mẽ, thì sự đi lên của châu Á vẫn là tiêu điểm kinh tế quan trọng của thời đại mới”.
Kể từ khi đại dịch Covid ‑ 19 bùng nổ, những biến động kinh tế - xã hội mới nhất và các cuộc đấu tranh địa chính trị trên toàn thế giới, tầm quan trọng của việc có các lựa chọn trên nhiều khu vực pháp lý về nơi tái định cư, sinh sống và đầu tư đang được quan tâm một cách sâu sắc.
Có thể bạn quan tâm
Dòng vốn ngoại tiếp tục chuyển dịch sang Việt Nam
12:00, 29/08/2022
Dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp hứa hẹn sẽ tiếp tục gia tăng
11:53, 26/08/2022
Trung Quốc: Khi dòng vốn rời đi còn nỗi lo ở lại
03:00, 01/08/2022
Cẩn trọng dòng vốn ngoại tháo chạy
12:00, 01/08/2022
Đón dòng vốn FDI: Nhiều cơ hội, lắm thách thức
04:00, 02/08/2022