Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - TGĐ kiêm TVHĐTV CTCK Ngân hàng Số Vikki (VikkiBankS), cùng những “tờ trình” kế hoạch kinh doanh 2025, nhà đầu tư còn xem xét triển vọng dài hạn.
LTS: Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều tín hiệu tích cực, mùa đại hội đồng cổ đông năm nay hứa hẹn sẽ sôi động hơn với sự xuất hiện của nhiều kế hoạch kinh doanh tham vọng.
- Với diễn biến tại các kỳ họp ĐHĐCĐ, ông có nhận xét gì về tâm thế của doanh nghiệp năm nay, thưa ông?
Theo thống kê chúng tôi ghi nhận, có khoảng 1/4 số công ty đang niêm yết trên HoSE đã tổ chức ĐHCĐ, nhiều công ty đặt kết quả kinh doanh tương đối khả quan trong năm 2025, hoặc không thay đổi kế hoạch kinh doanh so với trước đó, bất chấp những lo ngại về các yếu tố bên ngoài. Có những doanh nghiệp trong tờ trình đại hội còn đề xuất các kế hoạch tăng vốn, mở rộng đầu tư, điển hình như VOS, FPT, Vincom Retail, Vinhomes, PVD, SSI, OCB, SHB…
Tôi cho rằng, việc này đến từ tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy, có những doanh nghiệp tập trung nhiều vào thị trường xuất khẩu, những doanh nghiệp này có phần thận trọng hơn, dù có thể vẫn giữ nguyên kế hoạch.
- Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn thông qua kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ bằng nhiều hình thức, thưa ông?
Nói về kế hoạch tăng vốn hay mở rộng đầu tư sản xuất, tôi cho rằng đây là một tầm nhìn dài hạn. Trong ngắn hạn, những căng thẳng thương mại, hoặc các biến động từ yếu tố bên ngoài, có thể đẩy đến việc tăng trưởng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhưng, hoạt động tăng vốn, tăng đầu tư máy móc vẫn được tiếp diễn, điều này cho thấy sự đón đầu xu thế khi các yếu tố bất ổn tìm về điểm cân bằng.
Đầu tư dài hạn là đầu tư cho một tầm nhìn và triển vọng xa hơn. Có thể thấy không chỉ các doanh nghiệp, mà nhìn rộng hơn là Việt Nam chúng ta, cũng đang thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cơ sở hạ tầng, sắp xếp bộ máy hành chính, các chính sách giảm thuế phí, tháo gỡ pháp lý của ngành bất động sản… những yếu tố đấy là sẵn sàng cho một nền tảng tăng trưởng trong dài hạn, và tôi cho rằng, điều này cũng góp phần thúc đẩy sự kỳ vọng của các doanh nghiệp.
- Một số dự báo cho rằng lợi nhuận các doanh nghiệp tăng 15-17% trong năm 2025. Quan điểm của ông thì sao?
Theo tôi, đây là dự báo có cơ sở hợp lý. Trong quý 1 vừa qua, chưa có ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan. Bước sang quý 2, khi Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam và các nước, nhưng hoãn thuế 90 ngày, tôi cho rằng điều này giúp cho các doanh nghiệp có thể duy trì tăng trưởng khả quan trong quý 2. Trong khi đó, các quý 3 và 4 có thể sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nếu Việt Nam sau đàm phán chịu mức thuế cao hơn các quốc gia khác.
Dù vậy, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thị trường bất động sản hồi phục, tiêu dùng bán lẻ cho thấy đã gần đạt mức tăng trưởng cao của giai đoạn trước 2020, là những động lực cho tăng trưởng chung của thị trường, bù đắp cho hoạt động thương mại có thể gặp khó khăn hơn.
Ngoài ra, tôi cũng kỳ vọng cao về việc nâng hạng của Việt Nam trong tháng 9, điều này có thể thúc đẩy dòng vốn khối ngoại quay trở lại thị trường, có thể thấy trước tín hiệu nâng hạng này bằng việc quan sát diễn biến mua bán của khối ngoại từ nửa sau của năm nay. Trong 10 phiên gần nhất, không tính phiên 17/4 khi VIC có lượng bán thoả thuận, thì khối ngoại đã chững lại đà bán ròng trong 10 phiên vừa qua.
Ở góc nhìn của nhà đầu tư, tôi cho rằng, chiến lược đầu tư có thể sẽ theo hướng linh hoạt song song với quản lý rủi ro chặt chẽ, trước các yếu tố bất định. Nhóm cổ phiếu ngân hàng theo tôi vẫn là tâm điểm, khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% và tín dụng tăng 16%.
Trong trường hợp thị trường nâng hạng, nhóm ngành chứng khoán cũng là nhóm ngành đáng lưu ý.
Ngoài ra là đầu tư công, một trong các trụ cột chính của năm nay cũng đáng để cân nhắc.
Trong trường hợp đàm phán có lợi cho Việt Nam, nhóm xuất khẩu, khu công nghiệp,… vốn giảm mạnh trong thời gian qua cũng sẽ phục hồi, khi trước đó đã giảm rất mạnh và chưa hồi phục đáng kể nào, dù VN-Index đã tăng khoảng 100 điểm từ đáy.
- Trân trọng cảm ơn ông!