Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên

TUẤN VỸ 25/03/2023 13:39

Để phong trào khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi, cộng đồng thanh niên, học sinh sinh viên cần mạnh dạn kết nối, tìm kiểm cơ hội để hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm và không ngại thất bại.

>>Thiết chế kiến trúc sư trưởng trong quản lý đô thị

Ngày 25/3, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V (SV-STARTUP 2023). Năm nay, Đại học Huế là đơn vị đăng cai chương trình.

ffff

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm gia hàng của Trường THCS Thanh Xuân, Hà Nội.

Phát triển chưa xứng tiềm năng

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một động lực, nguồn lực cho sự phát triển của quốc gia. Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp đã lan rộng khắp, từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,...

Theo Thủ tướng, tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc, phát triển ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ, học sinh sinh viên (HSSV). Đặc biệt, Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia cho HSSV được tổ chức hàng năm tạo ra một sân chơi hội tụ trí tuệ, là nơi hội ý tưởng, nghiên cứu khoa học,... nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của thanh niên, HSSV.

a

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V (SV-STARTUP 2023) khai mạc ngày 25/3 tại tỉnh thừa Thiên Huế. (Ảnh: Tuấn Vỹ)

“Trong gần 5 năm thực hiện Đề án 1665 đã thu hút được gần 2600 nghìn dự án khởi nghiệp của HSSV, 4000 ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, nghề nghiệp. Trong đó, nhiều dự án đã đạt giải thưởng và được thương mại hóa. Đến nay, chúng ta đã có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 3000 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, 100 trường đại học đưa khởi nghiệp thành công, nhiều cơ sở đào tạo có quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và có 98 vườn ươm khởi nghiệp trong trường học”, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết, Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 370.000 lượt thanh niên, HSSV tham gia với gần 14.000 ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ gần 16.000 dự án với tổng mức kinh phí trên 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng nhìn nhận hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá phòng trào khởi nghiệp đạt nhiều thành tích ấn tượng, song vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá phong trào khởi nghiệp đạt nhiều thành tích ấn tượng, song vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng. (Ảnh: Tuấn Vỹ)

Trong đó, khởi nghiệp ĐMST đối với thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản, nhiều ý tưởng tốt không thể biến thành hiện thực, nhiều dự án vẫn dở dang chưa được giải quyết, nhiều sản phẩm vẫn chưa được thương mại hóa. Để phong trào khởi nghệp phát triển vững mạnh, Thủ tướng cho rằng cần có sự vào cuộc giữa các bên, đồng lòng giữa người dân và địa phương.

“Cần tạo điều kiện, môi trường, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp và ĐMST, có cơ chế hình thành và phát triển tinh thần khởi nghiệp ĐMST ngay tại các trường học phổ thông,...  Thúc đẩy phát triển các trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, gắn kết các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương, hình thanh hệ sinh thái khởi nghiệp cấp Quốc gia”, Thủ tướng Chính phủ đề nghị.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia với mạng lưới chuyên gia, nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế với phương châm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Cùng với đó, có chương trình đầu tư xứng đáng cho khởi nghiệp, có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương theo hướng xanh, bền vững,...

Các bên cùng phối hợp

Ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhìn nhận khởi nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng thanh niên, HSSV. Theo đó, tinh thần khởi nghiệp đã được bắt đầu và xây dựng, tiếp tục phát triển.

a

Ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho hay thời gian tới đơn vị sẽ tích cực phối hợp với ngành Giáo dục để phát động phong trào khởi nghiệp. (Ảnh: Tuấn Vỹ)

“Thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung hỗ trợ cộng đồng thanh niê khởi nghiệp. Đồng thời, tổ chức tư vấn kiến thức, pháp lý và nâng cao hiểu biết cho thanh niên về khởi nghiệp. Cùng với đó, phối hợp với ngành giáo dục phát triển các mô hình khởi nghiệp, kết nối dự án khởi nghiệp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, quỹ đầu tư,...”, ông  Triết cho hay.

Trưởng ban chỉ đạo SV-STARTUP 2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia một cách toàn diện cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, ngành Giáo dục đảm nhiệm hai yếu tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đó là yếu tố tài năng và hình thành văn hóa khởi nghiệp.

“Ngành Giáo dục sẽ thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển năng lực cho học sinh từ phổ thông để học sinh có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp, sẽ tích cực bồi đắp ý chí và khát vọng cho sinh viên, tăng cường trang bị kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo, phối hợp các bộ ngành, thực hiện kết nối nhà trường với doanh nghiệp, tạo lập môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp của HSSV”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói

a

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia một cách toàn diện bắt nguồn từ nhiều yếu tố, ngành giáo dục sẽ phát triển về tài năng và văn hóa. (Ảnh Tuấn Vỹ)

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, việc tổ chức ngày hội sẽ giúp cộng đồng giáo viên, HSSV trên địa bàn có cơ hội tiếp cận với các mô hình khởi nghiệp, tạo động lực phát triển phong trào khởi nghiệp, góp phần hoàn thiện Đề án khởi nghiệp cố đô đang được triển khai. Thông qua Ngày hội, Thừa Thiên Huế cũng mong muốn kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn.

Cùng chia sẻ, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhìn nhận để khởi nghiệp ĐMST thực sự trở thành động lực thì thanh niên, HSSV có sứ mệnh, trọng trách rất lớn. Ông Dũng cho rằng đây là lực lượng chính khơi dậy tinh thần khởi nghiệp Quốc gia, là lực lượng có nhiệt huyết, có tri thức, khát vọng,...

Bộ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị cộng đồng khởi nghiệp cần chủ động tìm kiếm cơ hội, kết nối với doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

“Cộng đồng khởi nghiệp cần chủ động tự tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm hệ sinh thái để được hỗ trợ, tư vấn trong quá trình hình thành ý tưởng, sản phẩm, tham gia vào mang lưới ĐMST Việt Nam,... Đồng thời, không ngại thử nghiệm, phát triển các sả phẩm mới nhưng cũng chuẩn bị tinh thần chấp nhận thất bại, học hỏi từ thất bại để hoàn thiện hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần này sẽ có những hoạt động bình chọn, đánh giá sản phẩm, ý tưởng của các dự án tham dự vòng chung kết Cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp trên hệ thống truyền thông của chương trình. Cùng với đó, sẽ có những Diễn đàn “Kết nối mạng lưới Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp các trường đại học, cao đẳng” và Hội thảo “Đánh giá thực trạng, giải pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông”. Đây là cơ hội để các cán bộ, giáo viên, giảng viên phụ trách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp được giao lưu, trao đổi và học hỏi với các diễn giả, chuyên gia từ nhiều ngành nghề khác nhau, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong Ngành Giáo dục phát triển hơn.

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV-STARTUP) là hoạt động thường niên được Bộ GDĐT phối hợp tổ chức nhằm chung tay thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 4 lần tổ chức, SV-STARTUP đã thu hút hơn 20.000 người tham dự với hơn 2500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đến từ các bạn HSSV. Trong đó có 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử, hơn 40 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn truyền cảm hứng,

Ngày hội nhận được sự hưởng ứng của 63/63 Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước, hơn 200 trường đại học, hơn 150 đơn vị thông tấn báo chí, hơn 50 doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ đồng hành. Đặc biệt, tỉ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp sau 5 năm được duy trì ở mức cao trên 7% năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Cầu nối doanh nghiệp với chính quyền

    Cầu nối doanh nghiệp với chính quyền

    13:32, 25/03/2023

  • Giới đầu cơ bán chốt lời, vàng giảm giá mạnh

    Giới đầu cơ bán chốt lời, vàng giảm giá mạnh

    12:00, 25/03/2023

  • Thúc đẩy hàng không bứt tốc – Sớm gỡ “nút thắt” về visa

    Thúc đẩy hàng không bứt tốc – Sớm gỡ “nút thắt” về visa

    12:00, 25/03/2023

  • Đưa hình ảnh Tuyên Quang tới nhà đầu tư

    Đưa hình ảnh Tuyên Quang tới nhà đầu tư

    11:29, 25/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO