Mặc dù đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi và tăng trưởng trong thời gian qua, thế nhưng, theo các chuyên gia, để ngành hàng không bứt tốc, tạo ra sự đột phá, cần sớm tháo gỡ “nút thắt” về visa…
>> Giải pháp thúc đẩy thị trường hàng không cạnh tranh lành mạnh
Theo đó, sau giai đoạn gần như “đóng băng” vì những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, thị trường hàng không Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhất định, đặc biệt là ở thị trường trong nước, thống kê cho thấy, lượng hành khách đi lại trên các đường bay nội địa tăng trưởng vượt trội. Năm 2022, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 55 triệu lượt khách tăng 3,7 lần so năm 2021 và bằng 69,6% so năm 2019 (thời điểm trước khi có dịch COVID-19). 2 tháng đầu năm 2023, vận chuyển hành khách qua đường hàng không tiếp tục tăng gần 92% so với cùng kỳ năm 2022.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, cán cân phục hồi giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế của ngành hàng không có sự chênh lệch rõ rệt. Trong khi bay nội địa liên tục tăng mạnh thì bay quốc tế vẫn rất chậm chạp như thể đang còn trong giai đoạn “chạy đà”.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng đã nêu như: căng thẳng chính trị leo thang giữa Nga và Ukraine; tâm lý e ngại của một bộ phận người dân tại nhiều quốc tế trong việc đi lại sau đại dịch COVID-19; nhiều thị trường lớn của hàng không nước ta vẫn chưa mở cửa hoặc mở cửa dè dặt như Trung Quốc, Nhật Bản... thì một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đó vấn đề thị thực (visa). Đây được cho là một trong những rào cản của ngành hàng không trên con đường phục hồi.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, muốn “cởi trói” cho hàng không để ngành này có thể bứt tốc thì “nút thắt” về visa cần phải sớm được tháo gỡ.
Cụ thể, bên cạnh đề xuất gia hạn visa 30 ngày sớm được chấp thuận, theo các chuyên gia, để tạo điều kiện cho khách quốc tế vào Việt Nam thì hệ thống e-visa phải phê duyệt đúng hạn, xác nhận lộ trình nộp visa của du khách, hoàn trả đúng hạn. Kích hoạt ngay việc xét duyệt nhân sự trước khi cập nhập bằng cơ chế visa on arrival (loại thị thực ngắn hạn được cấp với thời hạn 1 tháng cho 1 lần nhập cảnh).
Theo đại diện của các hãng hàng không, trong quá trình xúc tiến du lịch, tham gia các hội chợ xúc tiến du lịch, cùng một cơ hội đặt ra, cùng khu vực Đông Nam Á nhưng du khách sẽ chọn lựa nước nào dễ có visa.
Thực tế, một số nước trong ASEAN khi áp dụng miễn visa đã thu hút lượng du khách tăng gấp đôi, điển hình như Thái Lan. Hiện nay, thủ tục xuất nhập cảnh của Việt Nam quá chậm. Đây là điều cần được cải tiến bằng cách tự động hóa, muốn phát triển hàng không, du lịch, cần phải giải quyết vấn đề visa, đặc biệt là nới rộng thời hạn visa.
>>Nghịch cảnh "càng bay càng lỗ", hàng không kiến nghị giải pháp ra sao?
Thông tin với báo chí, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - Trịnh Ngọc Thành cho rằng, với kinh nghiệm trong ngành hàng không, những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng thì trong vòng 3 năm, lượng hành khách tăng lên gấp đôi, chứ không phải tăng theo mức độ trung bình 5 - 10%. Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu nới lỏng và mở rộng chính sách visa, bảo đảm cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore.
Xoay quanh nội dung đã nêu, chuyên gia hàng không và du lịch - TS. Lương Hoài Nam trước đó cũng từng chia sẻ, khi tình hình dịch COVID-19 dần được kiểm soát, tại nhiều hội nghị về mở cửa đón khách du lịch quốc tế đều đặt kỳ vọng Việt Nam mở sớm để tận dụng cơ hội “để bằng, thậm chí vượt Thái Lan”. Tuy nhiên, thực tế rất khác, trước khi xảy ra dịch, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng 1/2 Thái Lan, năm 2022 chỉ bằng 1/3 (3,6 triệu khách so với 10,5 triệu của Thái Lan); mục tiêu cho năm 2023, Việt Nam cũng chỉ đặt ra bằng 1/4 của Thái Lan.
“Tại các hội nghị, các bên đều nhận diện, chính sách miễn visa cho khách du lịch quốc tế là nút cản lớn nhất trong phát triển du lịch Việt Nam, nếu không thay đổi du lịch sẽ khó phục hồi và cạnh tranh với các nước trong khu vực; tuy nhiên, thực tế vẫn không mấy thay đổi. Trong khi 70-80% khách du lịch quốc tế đi bằng máy bay, nên du lịch khó, hàng không cũng khó có cơ hội phục hồi”, ông Nam đánh giá.
Để tháo gỡ “nút thắt” về visa, các chuyên gia đề xuất, đánh giá lại hệ thống miễn visa cho các nước vừa rồi có đạt hiệu quả rõ ràng không? Nếu thấy rõ hiệu quả nên tiếp tục mở rộng thêm cho nhiều nước như các quốc gia khác đã từng áp dụng.
Trên thực tế, rất nhiều nước đã tạo được sức hấp dẫn nhờ chính sách visa thông thoáng. Ngay trong khu vực ASEAN, để thu hút các khách quốc tế, sau COVID-19, Malaysia ban hành chính sách “thị thực đặc biệt”, với thời hạn đến 20 năm khi du khách đáp ứng đủ các điều kiện về thu nhập. Bên cạnh đó, nước này còn miễn visa cho công dân 162 quốc gia;
Singapore cũng tạo đòn bẩy với du lịch từ chính sách thị thực, với 162 nước được miễn visa, thủ tục cấp visa điện tử (e-visa) nhanh chóng, thời gian lưu trú lên đến 90 ngày và có thể gia hạn từ 30 đến 89 ngày. Đặc biệt, quốc đảo này còn có chính sách “visa tinh hoa” với thị thực có thời hạn 5 năm.
Được biết, Bộ Công an đang gấp rút hoàn thành Dự án sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014. Trong đó, Bộ đã đề xuất mở rộng diện các quốc gia được cấp thị thực điện tử, từ 80 quốc gia hiện nay sẽ mở rộng tối đa cho các nước, số lượng nước bị hạn chế sẽ không đáng kể; nâng thời hạn cho người được cấp visa điện tử từ 30 lên 90 ngày, giá trị một lần hoặc nhiều lần, căn cứ trên nhu cầu của khách, đảm bảo cho khách được xuất nhập cảnh nhiều lần, thực hiện công việc kinh doanh hoặc tour kết nối; và kéo thời gian tạm trú với khách được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương từ 15 đến 30 ngày và có thể gia hạn thời gian lưu trú, nếu có nhu cầu.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp thúc đẩy thị trường hàng không cạnh tranh lành mạnh
14:00, 17/03/2023
Du lịch chịu ảnh hưởng lớn bởi ngành hàng không
18:41, 14/03/2023
Hàng không Việt "ráo riết" chuẩn bị đón khách Trung Quốc
10:48, 14/03/2023
Vẫn nhiều trắc trở, hàng không hồi phục nhờ đâu?
12:00, 07/03/2023
Nghịch cảnh "càng bay càng lỗ", hàng không kiến nghị giải pháp ra sao?
05:00, 02/03/2023