Nghiên cứu - Trao đổi

Lãng phí từ các dự án “đắp chiếu” tại TPHCM

Hương Giang 07/12/2024 00:05

Tại TPHCM có hàng trăm dự án bao gồm cả đầu tư công, đầu tư tư nhân… tồn đọng từ nhiều năm với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, đang gây ra lãng phí rất lớn, cần sớm tháo gỡ...

chong ngap
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TPHCM được khởi công từ giữa năm 2016 đã lùi tiến độ hoàn thành nhiều lần.

Đó là nội dung được được chuyên gia và doanh nghiệp nêu ra sau khi Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát động chương trình hành động về kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý công trình, dự án tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả trên địa bàn TPHCM.

Dự án “đứng hình” vì vướng pháp lý

Đánh giá về ý nghĩa chương trình hành động “Chống lãng phí” đối với các dự án tồn đọng tại TPHCM, trong đó có các dự án đầu tư tư nhân, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho rằng: Trước tiên Hiệp hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là UBND TPHCM trong hành trình “chống lãng phí”, mà trọng tâm là các dự án tồn đọng. Nếu như lấy các dự án bất động sản trên địa bàn TP đang vướng mắc từ nhiều năm qua nhưng chưa được xử lý “cho vào danh sách các dự án tồn đọng”, chắc chắn sẽ là một câu chuyện đáng bàn. Có lẽ đây là một sự lãng phí rất lớn và không chỉ đối với Nhà nước, doanh nghiệp, mà còn lan rộng ra toàn xã hội.

“Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã nhiều lần có văn bản kiến nghị về việc tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý cho hơn 100 dự án bất động sản (BĐS) của 121 nhà đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Nếu chỉ tính riêng trong năm 2022, HoREA có 4 đợt kiến nghị gỡ vướng cho 116 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố. Gần đây, UBND TPHCM đã có nhiều chỉ đạo, giao Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu hướng giải quyết một số dự án trong số này. Các dự án bao gồm cả dự án nhà ở thương mại và dự án nhà ở xã hội, và chủ yếu nằm trên địa bàn khu vực TP Thủ Đức; Huyện Bình Chánh; Bình Tân; Quận 7, Quận 8… nhưng tới nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, là hết sức lãng phí”, ông Châu nói.

Về nguyên nhân, ông Lê Hoàng Châu cho biết, hiện các dự án vẫn "đứng hình" vì vướng vào câu chuyện đóng tiền sử dụng đất, chưa thống nhất được phương án xác định giá đất, không có diện tích đất ở trong dự án... Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất chính là pháp lý. Do đó, nếu không có giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng và có thể kéo theo suy thoái, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Và đây sẽ là sự lãng phí lớn nhất mà chúng ta không thể đong đếm được.

Hình thành văn hóa “chống lãng phí”

Phân tích về những dự án tồn đọng, gây lãng phí, TS Nguyễn Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TPHCM cho rằng: Để đánh giá toàn diện mục tiêu và hành trình chống lãng phí, trước tiên cần có một cái nhìn khái quát, bao hàm và đánh giá tổng thể những vấn đề trọng tâm mà chúng ta cần “chống”. Trong đó, lấy vai trò của người tham gia, đơn vị tham gia hành trình “chống lãng phí” làm nhiệm vụ trọng tâm, sau đó là những vấn đề nổi cộm về các công trình, dự án mà dư luận đang quan tâm để đạt được mục tiêu đề ra.

“Những dự án tồn đọng bao gồm cả đầu tư công, đầu tư tư, đầu tư PPP… đang là những thách thức không hề nhỏ cho cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng như doanh nghiệp và toàn xã hội. Hàng nghìn căn hộ tái định cư, hàng trăm dự án tư nhân của doanh nghiệp hay hàng chục các dự án đầu tư công của Nhà nước đã và đang đầu tư xây dựng dang dở, nhưng chưa đưa vào vận hành, không chỉ lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, đất nước... mà còn là sự lãng phí về niềm tin của Nhân dân", TS Thuận nhấn mạnh.

Nêu dẫn chứng, TS Thuận cho biết, như 8 năm trắc trở của dự án chống ngập 10.000 tỷ ở TPHCM, mặc dù đã đạt hơn 90% khối lượng, dự án chống ngập phục vụ cho 6,5 triệu dân TPHCM, nhưng dự án bị "đắp chiếu" suốt nhiều năm, nguy cơ đội vốn hàng nghìn tỷ đồng - đây là một ví dụ điển hình về sự lãng phí.

“Để công cuộc chống lãng phí hiệu quả, trước hết cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí cần bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Trong đó, cần có những chế tài nghiêm khắc, xác định rõ trách nhiệm xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan nếu để xảy ra sai phạm. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức cho từng cá nhân, tổ chức để từ đó hình thành văn hóa “chống lãng phí” và lan tỏa ra toàn xã hội”, TS Thuận kiến nghị.

Bài tiếp: Cần chia nhóm và tự chịu trách nhiệm

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lãng phí từ các dự án “đắp chiếu” tại TPHCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO