Lạng Sơn: Doanh nghiệp hiến kế gỡ nút thắt…

Hà Nam 06/07/2020 08:21

Tỉnh Lạng Sơn luôn môi trường đầu tư và đã từng bước cải thiện rõ nét, nhưng vẫn còn những trăn trở để tạo sự bứt phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

LTS: Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, những năm gần đây, môi trường đầu tư đã cải thiện rõ nét, nhưng vẫn còn những trăn trở để tạo sự bứt phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

 Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cùng các doanh nghiệp chứng kiến Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa NHNN tỉnh Lạng Sơn và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cùng các doanh nghiệp chứng kiến Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa NHNN tỉnh Lạng Sơn và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp:
DDCI đã tạo chuyển biến lớn trong nhận thức của các cấp, ngành

Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trở thành trung tâm kết nối, tập hợp các doanh nghiệp hội viên, từ đó phản ánh, phản biện lại các cơ chế chính sách. Điều này, đã giúp các cấp, các ngành có sự thấu hiểu, chia sẻ sự động viên khích lệ và mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền trở nên gần hơn, xử lý hiệu quả hơn, tạo niềm tin và động lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

Những năm qua, các cuộc gặp mặt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực chất hơn, đi vào cụ thể hơn như vấn đề giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính… Doanh nghiệp đánh giá lãnh đạo tỉnh rất cầu thị, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt, tỉnh đã trao quyền cho doanh nghiệp đánh giá chất lượng điều hành kinh tế từ các cấp, chính quyền thông qua Bộ chỉ số DDCI. Điều đó đã tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức của các cấp, ngành và sự điều hành của tỉnh, thúc đẩy cải cách một cách cụ thể và chi tiết hơn.
Tuy nhiên, để Lạng Sơn tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, có hai vấn đề lớn cần được quan tâm hơn nữa.
Thứ nhất, về tiếp cận đất đai: Là tỉnh miền núi, biên giới nên vấn đề đất đai đang bị ách tắc và đây là cái khó khăn nhất. Hiện, tỉnh đang tập trung giải quyết nhưng không phải một sớm một chiều.

Thứ hai, về thủ tục hành chính: Tỉnh đã hình thành Trung tâm hành chính công nhưng cần phát huy hơn nữa hiệu quả thủ tục hành chính một cửa. Phải làm thế nào để Trung tâm hành chính công trở thành đầu mối để kết nối với các ngành, giải quyết “4 tại chỗ” giảm bớt chi phí không chính thức, chi phí thời gian cho doanh nghiệp.

Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn: Cần có biện pháp hành chính quyết liệt trong công tác cán bộ

Những năm qua, lãnh đạo tỉnh, các ngành quyết tâm cao trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Thông điệp tại các Hội nghị, diễn đàn luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh cũng chủ động, kịp thời chia sẻ tình hình sản xuất kinh doanh cùng các doanh nghiệp trong những giai đoạn khó khăn như dịch COVID-19 vừa qua.

Tuy nhiên, vấn đề giải phóng mặt bằng, tiếp cận đất đai và thủ tục hành chính vẫn đang là nút thắt rất lớn của tỉnh. Bởi trong quá trình vận dụng, triển khai vẫn còn tình trạng ”trên nóng dưới lạnh”, những người thực hiện, thụ lý giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn đó ”những hàng rào kỹ thuật”, độ ỳ vẫn rất lớn, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Do đó, muốn cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh cần chú trọng cải tiến đội ngũ cán bộ, công chức thực thi về năng lực và phẩm chất. Đối với những trường hợp phát hiện có vi phạm, cần có biện pháp hành chính quyết liệt mới có thể thay đổi được. Về công tác giải phóng mặt bằng, tiếp cận đất đai phải cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; xây dựng và công bố quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp đầu đàn của tỉnh, phấn đấu có khoảng 20 doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 500 đến 1000 tỷ, trước mắt có thể từ 100-200 tỷ.

Về phía các doanh nghiệp trong tỉnh cũng cần nỗ lực hoàn chỉnh hệ thống; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính. Doanh nghiệp phải am hiểu và thực hiện đúng pháp luật cũng như ý thức, trách nhiệm trong công tác an sinh xã hội, xây dựng văn hóa doanh nghiệp để phát triển bền vững.

Ông Hoàng Văn Nhiều, Tổng giám đốc Công ty Luyện kim VICMET Việt Nam:
Doanh nghiệp phải nỗ lực hơn để phát triển

Là doanh nghiệp có 90% nguồn vốn FDI, thời gian qua chúng tôi luôn được lãnh đạo tỉnh và các ngành quan tâm, hỗ trợ để triển khai vận hành dự án được thuận lợi.

Các chính sách hỗ trợ cụ thể về miễn, giảm các loại thuế, phí; ưu tiên chỉ giảm tải chứ không cắt điện; thủ tục xuất nhập khẩu và chính sách thuế rất minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và triển khai; Sở Tài nguyên và Môi trường luôn quán triệt và hỗ trợ đảm bảo môi trường... Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên nắm bắt về tình hình khó khăn của doanh nghiệp, do đó, chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp, ngành tỉnh Lạng Sơn.

Để đáp lại điều đó, doanh nghiệp phải nỗ lực hơn để sản xuất, kinh doanh đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động cũng như đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Tới đây, chúng tôi sẽ đầu tư giai đoạn II sản xuất phân xưởng thủy phân 2 và hướng tới mục tiêu nhập khẩu nguyên liệu để tự sản xuất và tiếp tục tăng công suất gia công xuất khẩu.

Ông Chu Đình Thỏa, Phó Giám đốc Công ty Than Na Dương:
Luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cấp, ngành

Lạng Sơn là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu, nông lâm nghiệp. Những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều cải cách để cải thiện môi trường đầu tư, nhất là công tác cải cách hành chính.

Là một trong những doanh nghiệp gắn bó lâu năm trên địa bàn, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động, công ty luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cấp, ngành. Đặc biệt, khai thác than là ngành đặc thù, liên quan đến môi trường nên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh rất có trách nhiệm với công ty Than Na Dương trong công tác thanh, kiểm tra đôn đốc đảm bảo vệ sinh môi trường; công tác an ninh trật tự đảm bảo…

Tuy nhiên, nếu có cơ chế đặc thù, thông thoáng hơn; công tác giải phóng mặt bằng phải nhanh hơn; quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng lao động địa phương… thì sẽ tăng năng lực cạnh tranh, tạo lực hấp dẫn nhà đầu tư vào địa bàn.

Ông Nguyễn Minh Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển Nông thôn Song Quang: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Lạng Sơn là vùng đất ”thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Là địa phương có khí hậu, thời tiết thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; Giao thông thuận lợi với các tuyến đường sắt, đường cao tốc, đường biên giới... được đầu tư đảm bảo thông thương hàng hóa, xuất nhập khẩu phát triển kinh tế.

Không những thế, con người Lạng Sơn rất thân thiện, cởi mở và chân tình. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh rất cởi mở với doanh nghiệp và luôn mong muốn các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để phát triển.

Là doanh nghiệp gắn bó lâu năm với tỉnh, tôi đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong kiến tạo môi trường đầu tư và tôi tin rằng, với Lạng Sơn thì đất lành, chim sẽ đậu. Về phía doanh nghiệp, chúng ta luôn phải nỗ lực, trong giai đoạn khó khăn chung doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp chứ không nên cứ khó khăn là đổ lỗi cho cơ chế, chính sách hay chính quyền.

Đối với Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển nông thôn Song Quang, có những dự án dù 5 năm không có vốn nhưng chúng tôi vẫn nhận làm, với thời điểm khó khăn có thể bỏ qua lợi nhuận, phải nỗ lực làm để duy trì hoạt động tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Ông Huỳnh Văn Long, Giám đốc Công Ty TNHH Bảo Long:
Tiếp cận đất đai và đào tạo lao động vẫn là bài toán khó

Những năm qua, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực xây dựng chính quyền năng động, kiến tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển. Trên cơ sở những thế mạnh về kinh tế cửa khẩu, du lịch, tỉnh đã có nhiều giải pháp kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn; đối với hoạt động xuất nhập khẩu tỉnh Lạng Sơn có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rất tốt.

Năm 2019, tỉnh đã tổ chức thành công chương trình xúc tiến đầu tư và được nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, ký kết dự án. Tuy nhiên, kết quả thu hút vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Nút thắt lớn nhất vẫn là khó về quỹ đất sạch do địa hình đồi núi, để giải phóng mặt bằng thì suất đầu tư rất lớn trong khi ngân sách địa phương có hạn.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động trên địa bàn tuy rất lớn nhưng doanh nghiệp trong tỉnh rất khó thu hút lao động do chưa đủ lực để cạnh tranh về mức lương so với các tỉnh công nghiệp có nhiều doanh nghiệp lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh… Đối với những lao động tuyển dụng được thì doanh nghiệp vẫn phải tự đào tạo tay nghề. Ngành Lao động và các trường Nghề cần xúc tiến liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo lao động chất lượng. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cũng cần định hướng phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh để góp phần nâng cao thu nhập và tạo môi trường tốt để giữ chân người lao động.

Ông Lô Thời Nhuận, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô Lạng Sơn:
Doanh nghiệp cần biết tự tạo môi trường thuận lợi

Lạng Sơn là tỉnh có môi trường đầu tư thuận lợi và bình đẳng để các doanh nghiệp cạnh tranh, phát triển. Là doanh nghiệp trẻ trong ngành xây dựng nhưng chúng tôi luôn được các ngành tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận thông tin, thủ tục hành chính, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết thủ tục rất nhanh.

Về phía chính quyền địa phương, rất thân thiện và luôn ủng hộ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh… Đây là những lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có.
Tuy nhiên, để vượt khó, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thì mỗi doanh nghiệp cần tự tạo cho mình môi trường thuận lợi bằng nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thị trường; hoàn thiện nguồn nhân lực, không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng Lạng Sơn:
Thiếu quỹ đất sạch để hình thành các Khu, Cụm công nghiệp

Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong xây dựng chính quyền kiến tạo. Trong đó, các cấp, ngành vào cuộc đồng hành với doanh nghiệp rất kịp thời. Điển hình như chính quyền các huyện đã hỗ trợ rất tốt về công tác giải phóng mặt bằng; các chính sách kêu gọi đầu tư rất minh bạch; ngành ngân hàng, ngành Thuế có thông tin chính sách mới đều thông tin kịp thời tới doanh nghiệp... Những chuyển biến rõ nét đó xuất phát từ việc tỉnh trao quyền cho doanh nghiệp đánh giá. Chính DDCI đã và đang giúp môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điểm nghẽn của tỉnh hiện nay vẫn là vấn đề tạo quỹ đất sạch để hình thành các Khu, Cụm công nghiệp. Với địa hình núi đá trong khi tiềm lực của địa phương có hạn thì gỡ bỏ nút thắt này sẽ không dễ dàng nếu như không có những nhà đầu tư chiến lược, có tầm quan tâm xã hội hóa đầu tư vào địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

  • Lạng Sơn: 7 hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

    Lạng Sơn: 7 hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

    05:05, 30/05/2020

  • Lạng Sơn: Khoanh vùng những trở ngại để cải thiện môi trường đầu tư

    Lạng Sơn: Khoanh vùng những trở ngại để cải thiện môi trường đầu tư

    14:38, 28/05/2020

  • Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án Khu trung chuyển hàng hóa

    Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án Khu trung chuyển hàng hóa

    17:42, 26/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lạng Sơn: Doanh nghiệp hiến kế gỡ nút thắt…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO