Năm 2023, tỉnh Lạng Sơn thu hút 15 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký 6.922 tỷ đồng, thành lập mới 762 doanh nghiệp.
Đây là năm đầu tiên tỉnh có số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước đến nay. Qua đó minh chứng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai các giải pháp tạo “cú hích” mới cho doanh nghiệp phát triển. Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi phỏng vấn Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu xung quanh nội dung này.
- Xin ông cho biết đâu là đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian qua?
Việc ban hành các Nghị quyết chuyên đề chính là bước đột phá lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Lạng Sơn trong thời gian qua. Trong đó, Nghị quyết số 43-NQ/TU về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới.
Trên cơ sở đó, tỉnh thành lập 02 Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng và các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Lạng Sơn luôn luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư. UBND tỉnh đã đổi mới phương thức đối thoại, tiếp xúc để lắng nghe doanh nghiệp phản ánh tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc trong quá trình sản xuất kinh doanh; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đất đai; mời gọi các doanh nghiệp lớn đến với tỉnh đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng như: các tuyến đường phục vụ XNK, hệ thống cửa khẩu số, hạ tầng bến bãi; các tuyến đường kết nối như cao tốc, tuyến đường ra cửa khẩu…
- Hiện nay, các địa phương đang quyết liệt thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị. Xin ông chia sẻ về những giải pháp cụ thể của Lạng Sơn?
Tỉnh Lạng Sơn xác định tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung vào một số giải pháp để giúp các doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua những khó khăn để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Qua đó, giúp tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, duy trì và nâng cao thứ hạng PCI thời gian tới.
Thứ nhất, ngay trong quý I/2024 tỉnh Lạng Sơn sẽ ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là “cú hích” bên cạnh các chính sách khác trước đây tỉnh đã ban hành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Thứ hai, tập trung tháo gỡ, khắc phục những nút thắt, hạn chế trước đây vốn có, đó là giải quyết khâu mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Năm 2023, Lạng Sơn đã thành lập 06 cụm công nghiệp; trên địa bàn tỉnh đến nay đã có 02 khu công nghiệp, trong đó Khu công nghiệp VSHIP rộng 600ha đang được triển khai rất tích cực. Năm 2024, tỉnh sẽ tập trung cùng nhà đầu tư để giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, tạo ra mặt bằng sạch tạo lực hấp dẫn đầu tư vào địa bàn.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, giải quyết nhanh nhất những thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Năm 2023, tỉnh đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số rất tốt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm