Thay vì đợi thị trường thay đổi rồi thay đổi công ty theo, nhiều lãnh đạo tầm nhìn xa đã chủ động thay đổi, tự phá vỡ vùng thoải mái của chính mình trước khi thị trường “ra tay”.
>>Đương đầu với thay đổi (Phần 1)
Tự phá vỡ chính mình
Ví dụ điển hình cho kiểu lãnh đạo này là Reed Hastings, giám đốc Netflix. Ông sớm hiểu rằng mối đe dọa lớn nhất đối với mô hình cho thuê DVD của Netflix là các dịch vụ phát phim trực tuyến. Thế là thay vì chờ đợi sự đổi thay diễn ra hoặc để các đối thủ khác nắm lấy cơ hội, ông quyết định tự phá vỡ mô hình kinh doanh hiện có của mình.
Với tầm nhìn xa, ông biến Netflix từ một công ty cho thuê DVD trở thành một công ty phim trực tuyến, đưa toàn bộ ngành giải trí sang một kỷ nguyên mới.
Không chỉ dừng lại ở đó, Netflix còn đột phá với việc tự làm các series, chương trình của riêng mình (original content), trở thành một trong những công ty chủ chốt trong mảng sản xuất phim. Phim của Netflix đã từng lọt vào đề cử giải Oscar phim hay nhất năm 2022.
Câu chuyện về Hastings và Netflix cung cấp những bài học rằng:
Đừng chấp nhận lối suy nghĩ kiểu “Chúng ta không nên làm thế này” vì sợ tự hủy hoại doanh nghiệp.
Xem việc tự phá vỡ đường lối truyền thống là cơ hội hơn là nguy cơ.
Can đảm đổi mới, ngay cả khi điều đó khiến doanh nghiệp mất đi bản sắc cốt lõi.
Ươm mầm và xây dựng một nền văn hóa luôn đổi mới và chuyển đổi.
ChatGPT: Ví dụ đương thời
Trí tuệ nhân tạo (AI) là đầu tàu trong việc đột phá và phá vỡ những thứ cũ. Ví dụ nổi bật là ChatGPT. Khả năng tạo ra những đoạn văn bản giống như do người viết của ChatGPT mở ra cánh cửa mới cho các ứng dụng chuyển đổi trên nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc khách hàng (biến các phản hồi theo kịch bản thành những cuộc trò chuyện chủ động hơn); sáng tạo nội dung (AI hỗ trợ tạo tài liệu); giáo dục (cá nhân hóa việc học tập); cho đến sức khỏe (AI chẩn đoán và gợi ý cách điều trị) lẫn các dịch vụ chuyên nghiệp như tư vấn pháp lý.
Lợi ích của AI nói chung và ChatGPT nói riêng là không thể bàn cãi. Tuy nhiên đó cũng là hồi chuông cảnh báo cho những doanh nghiệp, những lãnh đạo thích nghi chậm chạp hoặc sa lầy trong sự tự mãn. Có một thực tế rằng trong thời đại công nghệ liên tục đột phá như hiện nay, việc tiếp tục duy trì kinh doanh như thông thường dễ dẫn đến lỗi thời.
Những lãnh đạo có cái nhìn khôn ngoan hơn sẽ nhận ra rằng AI có thể thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp. Chỉ những người biết nắm bắt cơ hội và hành động quyết đoán mới có thể phát triển mạnh.
Nguyên tắc đối phó với thay đổi
Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, thay đổi không phải là một lựa chọn, mà là điều bắt buộc. Khi ấy, các lãnh đạo doanh nghiệp cần ghi nhớ những nguyên tắc quan trọng sau đây:
Tránh tự mãn, tự tin thái quá: Thành công hôm nay không đồng nghĩa thành công ngày mai. Phải luôn cảnh giác. Đây chính là bài học của những Kodak, Yahoo.
Chú ý đến các thay đổi: Phải theo dõi xu hướng và sự cạnh tranh trong ngành. Phải luôn sẵn sàng hành động. Ví dụ IBM khi thấy khó cạnh tranh mảng sản xuất máy tính cá nhân, họ bán luôn dây chuyền cho Lenovo.
Chủ động đón nhận thay đổi: Phải tìm kiếm cơ hội đổi mới và phát triển
Dẫn đầu việc chuyển đổi trong ngành: Thay vì chờ thay đổi đến và thích nghi, hãy là người tự đột phá để doanh nghiệp luôn là bên dẫn đầu. Netflix kể trên là bài học điển hình.
Linh hoạt: Nếu không thể tự tạo ra thay đổi, hãy thích nghi một cách linh hoạt. IBM liên tục thay đổi chiến lược để phù hợp với xu hướng của thị trường.
Nuôi dưỡng văn hóa đổi mới: Khuyến khích sáng tạo, chấp nhận rủi ro và liên tục cải tiến.
Trở thành hình mẫu và không bao giờ dừng lại: Khi lãnh đạo làm gương, thì tổ chức mới có thể làm theo
Đừng xem thay đổi là mối đe dọa: Thay vào đó, hãy tìm cơ hội đổi mới. Trong khi nhiều doanh nghiệp coi ChatGPT là mối đe dọa tới việc làm thì nhiều doanh nghiệp khác đã mau chóng tìm hiểu và ứng dụng công nghệ này vào công việc.
Có thể bạn quan tâm