Từ cuối năm 2020 đến nay, hàng loạt các quỹ đã bán ra lượng lớn cổ phiếu Licogi 16 (LCG) và giờ đây một lãnh đạo công ty đã liên tiếp bán ra gần 7 triệu cổ phiếu này.
Thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) công ty cổ phần Licogi 16 ( MCK: LCG) ông Phan Ngọc Hiếu, vừa qua đã 2 lần thông báo giảm sở hữu cổ phiếu của LCG, không còn là cổ đông lớn của Licogi 16.
Theo đó, trong giai đoạn từ 3/3 đến ngày 8/3, ông Hiếu đã bán ra hơn 4 triệu cổ phiếu LCG, tiếp theo đó, ông đăng ký bán từ 16/3 đến 14/4 với số cổ phiếu lên 2 triệu cổ phiếu. Như vậy sau 2 đợt chào bán, lượng cổ phiếu ông Hiếu nắm giữ có thể bằng 0.
Không chỉ ông Hiếu đang bán ra cổ phiếu LCG, mà từ cuối năm 2020, còn có các quỹ đầu tư cũng bán ra lượng cổ phiếu không hề nhỏ. Cụ thể, quỹ NS Advisory Inc Pte.Ltd qua hai lần bán đã bán hơn 3,3 triệu cổ phiếu, quỹ Lucerne Enterprise Ltd bán ra tổng 2 đợt là 4,1 triệu cổ phiếu.
Theo ông Lê Ngọc Nam – Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Tân Việt (TVSI) nhận định, cổ phiếu LCG thời gian qua tăng giá khá tốt ảnh hưởng từ việc công ty có hiệu quả tốt từ mảng kinh doanh mới là mảng năng lượng. Thông thường ở một vùng giá cao cũng có thể các thành viên HĐQT, cổ đông công ty có nhu cầu có thể là cá nhân để thanh khoản các cổ phiếu, thực tế việc này không phải là hiếm trên thị trường chứng khoán.
Ngay sau thông tin lãnh đạo bán tiếp hơn 2 triệu cổ phiếu, cổ phiếu LCG đã có phiên giảm điểm 1,57%, giảm xuống còn 15.650 đồng/cổ phiếu. “Việc một thành viên HĐQT có nhu cầu bán cổ phiếu là hoàn toàn bình thường, tất nhiên khi thành viên HĐQT hay Chủ tịch bán một lượng cổ phiếu lớn phần nào đó ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn” – ông Nam nhận xét.
Theo dõi LCG thời gian qua có thể thấy cổ phiếu này đã có những thay đổi tương đối tốt thông qua hoạt động kinh doanh liên tục thăng tiến. Cổ phiếu đã giảm nhẹ sau đợt bán ra của thành viên HĐQT cho thấy tác động không nhiều lắm đến cổ phiếu, ông Lê Ngọc Nam cho biết.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/3, cổ phiếu LCG giảm 2,1% xuống mức 16.300 đồng/CP, tăng khoảng 38% so với hồi đầu tháng 2. Tạm tính với mức thị giá này, nếu giao dịch thành công, ông Hiếu sẽ thu được khoảng 32,6 tỷ đồng.
Theo giới chuyên môn, để đánh giá một cổ phiếu không chỉ thông qua hoạt động mua bán bất ngờ (đôi khi hi hữu) của Lãnh đạo, mà quan trọng là dựa trên cả quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong năm, hoặc nền tảng để hứa hẹn tương lai.
“Việc bán cổ phiếu của lãnh đạo chỉ là một trong những thông tin nhà đầu tư cần chú ý về Licogi. Theo nhận định của cá nhân tôi về cổ phiếu LCG đang là cổ phiếu có hoạt động kinh doanh tương đối tốt trong suốt thời gian qua” – Giám đốc phân tích của TVSI cho biết.
Năm 2020, ước kết quả kinh doanh của Licogi 16 có doanh thu đạt 3.580 tỷ đồng, lợi nhuận vào khoảng 311 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,2% và 21,6% so với cùng kỳ nhờ: biên lợi nhuận gộp giảm từ 18,1% về 10,8% do sự suy giảm ở mảng bất động sản cũng như khó khăn chung của mảng xây lắp; đóng góp chính mảng xây dựng là các dự án thi công Solar Nhơn Hải, Solar Mỹ Sơn 1, Solar Mỹ Sơn 2, Vạn Ninh.
Đặc biệt những tháng cuối năm, Công ty thu về hơn 1.200 tỷ đồng doanh thu từ năng lượng tái tạo. Đây chính là mảng kinh doanh LCG mới mở rộng.
CTCK Mirae Asset (MASVN) đã đánh giá LCG là 1 trong 6 cổ phiếu “đề kháng” tốt với đại dịch COVID-19. Năm 2021, MASVN dự tính doanh thu và lãi ròng của LCG ở mức 3.946 tỷ và 379 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,2% và 21,6% so với cùng kỳ nhờ: biên lợi nhuận gộp ở mức 12,5%, gia tăng so với mức 10,8% năm 2020; doanh thu mảng xây dựng đạt 3.699 tỷ đồng, tăng 8,5% cùng kỳ nhờ đóng góp các dự án đầu tư công và một số dự án xây dựng riêng lẻ; phần đóng góp mới từ mảng năng lượng; chi phí tài chính giảm 10%, ở mức 128 tỷ đồng.
“Xem xét cổ phiếu LCG liệu còn khả năng tăng giá nữa hay biến động giảm trong tương lai, nhà đầu tư cần phải có quan điểm riêng về hoạt động của LCG trong thời gian sắp tới” – ông Lê Ngọc Nam cho biết.
Có thể bạn quan tâm