Lành mạnh nền tài chính quốc gia

Hoàng Oanh 14/02/2018 15:14

Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng thu ngân sách nhà nước đạt kỷ lục trên 1 triệu tỷ đồng. Đây là kết quả tích cực sau nhiều nỗ lực của toàn ngành thuế.

Lập kỷ lục về thu ngân sách nhà nước

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, đến hết 31/12/2017, thu NSNN ước đạt 1,283 triệu tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% dự toán, đạt tỉ lệ động viên thu NSNN 25,6% GDP. Trong đó, thuế phí đạt 21% GDP.

Ông Bùi Văn Nam – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngay từ đầu năm Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trên địa bàn đồng loạt triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu; tăng cường chống thất thu thuế, thu hồi nợ đọng, kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế GTGT và khai thác tăng thêm nguồn thu cho NSNN.

Đặc biêt, công tác hỗ trợ, đối thoại với doanh nghiệp đã được đẩy mạnh, qua đó giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế. Cùng lúc, ngành thuế tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, song hành với đẩy mạnh thực hiện chính phủ điện tử, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội, qua đó tăng cường hiệu quả công tác quản lý và nâng cao năng lực cạnh tranh cho môi trường kinh doanh.

Chỉ số nộp thuế tăng 81 bậc

Ông Bùi Văn Nam cho biết, một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác cải cách và hiện đại hóa của ngành thuế năm qua là chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng 81 bậc. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh - Doing business 2018 (DB2018) toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số nộp thuế của Việt Nam xếp thứ 86/190, tăng 81 bậc so với DB2017.

Cụ thể, chỉ số nộp thuế 2018 của Việt Nam đạt 72,77 điểm, tăng 23,38 điểm so với năm 2017 (là 49,39 điểm). Trong đó, số lần nộp thuế bao gồm cả thuế và BHXH còn 14 lần, giảm 17 lần so với trước đây. Tổng mức thuế suất trên lợi nhuận là 38,1%, giảm 1,3% so với năm 2017. Đáng chú ý, chỉ số sau kê khai trong DB 2018 là 95,71 điểm, tăng 56,81 điểm so với mức 38,9 trong DB 2017.

Đến nay có 623,7 nghìn doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,8% số doanh nghiệp kê khai; số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử đạt 97,9%. Đã kết nối thông tin nộp thuế điện tử giữa các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và các ngân hàng thương mại. Mở rộng hoàn thuế điện tử, các dịch vụ điện tử đối với cá nhân, tổ chức.

Có được những tiến bộ vượt bậc trong chỉ số sau kê khai là do, thời gian chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế (bao gồm thời gian chuẩn bị hồ sơ, rà soát, đi lại, giải trình, bổ sung các tài liệu) của doanh nghiệp theo kết quả DB2017 là không xác định, do đó điểm DTF (khoảng cách đến hàng đầu) bằng 0. Trong khi đó, kết quả của DB2018 của Việt Nam là 1,5 giờ, nên điểm DTF là 97. Tương tự trong DB2018, kết quả xác định thời gian DN nhận được tiền hoàn thuế là 8,6 tuần (điểm DTF là 89,49). Trong khi kết quả DB2017 là không xác định, do đó điểm DTF bằng 0. Về kết quả thanh, kiểm tra, thời gian chuẩn bị hồ sơ, tài liệu của doanh nghiệp Việt Nam là 3,5 giờ, điểm DTF là 96,3, trong khi kết quả DB 2017 là 20,3 giờ, điểm DTF là 65,6 điểm.

Do những cải cách được ghi nhận làm tăng điểm DTF nhanh nên đến nay nếu so với các nước ASEAN thì chỉ số nộp thuế Việt Nam chỉ đứng sau 3 nước là Singapore (xếp thứ 7), Thailand (xếp thứ 67), Malaysia (xếp thứ 73). Nếu so với DB2017 thì Việt Nam và Thái Lan đã có bước tăng trưởng vượt bậc, lần lượt tăng 81 bậc và 42 bậc, còn lại hầu hết các nước trong khu vực đều tụt bậc.

Với các kết quả được ghi nhận, ngành thuế đã hoàn thành mục tiêu chỉ số về môi trường kinh doanh mà Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra là, đạt trung bình nhóm nước ASSEAN 4 về cải cách hành chính thuế đối với nhóm chỉ tiêu hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế.

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2018. Theo đó, dự toán thu ngân sách giao cho ngành thuế là 1,070 triệu tỷ đồng. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành thuế trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước có nhiều diễn biến phức tạp.

Để đảm bảo hoàn thành yêu cầu đặt ra, Tổng cục Thuế đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm tới đó là: triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu NSNN, tập trung chống gian lận thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế dưới mức 5% tổng thu ngân sách.

Cơ quan thuế sẽ triển khai nhiệm vụ xây dựng thể chế, tiếp tục rà soát các sắc thuế để bảo đảm công bằng, chú trọng hiệu quả thu thuế. Trong đó, tập trung vào các đề án lớn như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi bổ sung các Luật Thuế GTGT, TTĐB, TNDN, TNCN, tài nguyên; Nghị định sửa đổi bổ sung về hóa đơn... Ngành thuế tiếp tục báo cáo Bộ Tài chính, kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết xóa bỏ một số khoản nợ khó đòi, nợ dây dưa nhiều năm trên cơ sở phân loại rõ ràng các khoản nợ để làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia..

Trên cơ sở kết quả cải cách hệ thống thuế đã đạt được, Ngành Thuế sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, đồng thời tiếp tục triển khai kế hoạch cải cách giai đoạn 2016-2020 để đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện đại hoá công tác thuế theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Cùng với nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế, cơ quan thuế các cấp sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, đổi mới phương pháp làm việc, chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ.” – ông Bùi Văn Nam cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lành mạnh nền tài chính quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO