Tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.
Tỉnh có 551.690 ha đất nông - lâm nghiệp, chiếm 86,69% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh (đất sản xuất nông nghiệp 132.716 ha, đất lâm nghiệp 414.930 ha, đất nuôi thủy sản 3.623 ha, đất nông nghiệp khác 421 ha); diện tích đất chưa sử dụng là 47.194 ha (chiếm 7,41%), đây là tiềm năng để phát triển, mở rộng sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, với đặc trưng của nền nhiệt và chịu sự tác động của khí hậu, thời tiết khác nhau đã tạo nên nét riêng của nông nghiệp Lào Cai. Khu vực vùng cao, khí hậu á nhiệt đới rất phù hợp với các loại cây trồng ôn đới (đào, lê, táo, mận, hoa hồng, hoa ly, địa lan, dược liệu, rau ôn đới) và nuôi cá nước lạnh.
Với khu vực vùng thấp, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để tổ chức sản xuất quy mô lớn, phát triển các cây trồng như quế, chè, chuối, dứa, vải, nhãn, xoài; các loại cây ăn quả có múi, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm, thủy sản theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp.
Với những tiềm năng, thế mạnh như vậy, tỉnh Lào Cai đã kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 84 dự án do các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 6.718 tỷ đồng; tổng diện tích đất sử dụng hơn 19.881 ha thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và chế biến nông - lâm sản, trong đó 46 dự án đã đi vào hoạt động; 12 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đang chuẩn bị khởi công.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai, các dự án đầu tư vào nông nghiệp đều mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn không chỉ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, mà còn tạo mối liên kết bền vững với nông dân, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, thúc đẩy ra đời mô hình kinh tế tập thể, HTX ở các xã, thị trấn; trở thành đầu mối, giúp các hộ sản xuất nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Điển hình như các dự án đầu tư chế biến nông - lâm sản, như: chế biến chè, tinh dầu quế, chế biến lâm sản... đã tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị nông sản của tỉnh, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 16.000 lao động tại địa phương.
Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, tỉnh Lào Cai đã xác định các giải pháp trọng tâm để tiếp tục thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Trước hết là triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã quy hoạch, phân định cụ thể các vùng sản xuất nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế các sản phẩm của từng địa phương, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng.
Tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thi hành Luật Đất đai năm 2024; Thực hiện hiệu quả Đề án Chiến lược phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, gắn đào tạo với doanh nghiệp, ngành hàng và vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu tại từng địa phương.
Bên cạnh đó, Lào Cai cũng sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Trung ương và các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời thu hút, sử dụng các nguồn lực khác để hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao, tạo hấp dẫn cho nhà đầu tư. Tỉnh cũng phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, tính đa dạng của sản xuất nông nghiệp, kết hợp với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để phát triển các sản phẩm tiềm năng, có lợi thế, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, tỉnh Lào Cai đã có 212 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (202 sản phẩm 3 sao, 8 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao) của 101 chủ thể, trong đó 57 hợp tác xã, 8 doanh nghiệp, 29 hộ kinh doanh, 7 tổ hợp tác. Một số thương hiệu nông sản của Lào Cai đã được thị trường biết đến như: Gạo séng cù, tương ớt Mường Khương, Mận Tam Hoa Bắc Hà, Rau ôn đới, cá nước lạnh Sa Pa….
Thời gian qua, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại góp phần xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các nông sản thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm; tổ chức các tuần lễ, tuần hàng, hội chợ về sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng và các sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai được quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần nâng cao thương hiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh; hỗ trợ giúp các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất có cơ hội tìm kiếm đối tác hợp tác tiêu thụ sản phẩm; xây dựng, hình thành được các kênh phân phối ổn định cho các sản phẩm của tỉnh Lào Cai.