Lê Diệp Kiều Trang: "Chậm không chắc mà chậm là mất!"

THY HẰNG - BÍCH NGỌC 28/11/2020 12:08

Theo bà Lê Diệp Kiều Trang - Giám đốc tài chính AREVO, đồng sáng lập quỹ Alabaster, chúng ta có câu “chậm là chắc”, nhưng trong khởi nghiệp công nghệ chậm chưa chắc đã chắc mà là mất.

Chia sẻ tại Diễn đàn “kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc tài chính AREVO, đồng sáng lập quỹ Alabaster cho biết, Alabaster chuyên đầu tư vào các công ty xây dựng giải pháp công nghệ ưu việt cho các vấn đề toàn cầu. 

bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc tài chính AREVO, đồng sáng lập quỹ Alabaster

Diễn đàn “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” diễn ra tại Hà Nội ngày 28/11.

“Xuất khẩu tại chỗ trí tuệ Việt Nam” 

Là một doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công, đồng sáng lập quỹ Alabaster Lê Diệp Kiều Trang cũng đã chia sẻ nhiều câu chuyện kết nối của Quỹ Alabaster. Theo đó, thay vì đầu tư vào công ty khởi nghiệp Việt Nam, Alabaster lại đầu tư vào công ty ở nước ngoài, tuy nhiên công ty đó phải có một công nghệ/ phát minh mang tính đột phá. Nhờ vậy, công ty đã gọi vốn xong từ thị trường vốn quốc tế. Công ty đã có những tài sản công nghệ có giá trị.

“Alabaster đặt cược vào trí tuệ Việt Nam trong quá trình thương mại hoá những công nghệ đột phá này”, bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ. 

Giám đốc tài chính AREVO cho biết, thông qua các dự án kết nối của mình đã "xuất khẩu tại chỗ trí tuệ Việt Nam". “Cơ hội này giúp nguồn lực trí thức Việt Nam được tiếp xúc những công nghệ lõi, công nghệ đột phá nhất trên thế giới. Đồng thời, quá trình thương mại hoá những công nghệ này giúp các bạn rèn luyện năng lực sáng tạo về sản phẩm - là năng lực còn rất thiếu trong nhóm kỹ sư Việt Nam”, sáng lập quỹ Alabaster nhấn mạnh.

Diễn đàn “kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” diễn ra tại Hà Nội ngày 28/11.

Đông đảo khách mời tham dự Diễn đàn “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” diễn ra tại Hà Nội ngày 28/11.

Cũng theo bà Lê Diệp Kiều Trang, việc “xuất khẩu tại chỗ trí tuệ Việt Nam” giúp chúng ta có cơ hội đào tạo, đồng thời mở ra nguồn lực cho sự phát triển cho các ngành công nghệ. Thậm chí, việc phát triển một lĩnh vực công nghệ cũng giúp phát triển những ngành công nghiệp khác tại Việt Nam. 

“Ví dụ như in 3D thì hỗ trợ cho ngành công nghiệp lắp ráp xe đạp tại Việt Nam rất nhiều vì ngành lắp ráp xe đạp Việt Nam trước đây nhập khẩu sườn xe từ Trung Quốc, nay được sản xuất tại Việt Nam giảm chi phí khi xuất khẩu sang EU được giảm thuế”, bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ.

Tuy nhiên, Giám đốc tài chính AREVO cũng cho biết, vướng mắc nhiều nhất là tốc độ khi làm ở Việt Nam. Bà Lê Diệp Kiều Trang thẳng thắn, Việt Nam vẫn chưa phải điểm đến của các công ty công nghệ, các nhà đầu tư nước ngoài thường chọn Hàn Quốc và Nhật Bản thay vì Việt Nam.

“Chúng ta có câu “chậm là chắc”, nhưng trong công nghệ chậm chưa hẳn đã chắc mà là mất. Startup chỉ cần chậm 3-6 tháng là chúng ta sẽ mất cơ hội, đồng thời còn thụt lùi, bị bỏ lại phía sau”, bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ, đồng thời mong muốn các startup và các bộ ngành nhanh chóng bắt kịp.

Phiên thảo luận Thúc đẩy hợp tác các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.

Phiên thảo luận "Thúc đẩy hợp tác các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.

Không thể mơ mộng

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Dũng - Sáng lập quỹ Do Ventures, cho biết, Do Ventures ra đời với cam kết đồng hành với các startup công nghệ. Ông Dũng cho rằng, nguồn lực vốn là quan trọng với các startup. Các quỹ đầu tư có những giai đoạn đầu tư cho các startup có khi 3-5 năm không có doanh thu.

“Do đó, khởi nghiệp đừng mơ mộng. Những nhà sáng lập cần tiếp cận các nguồn lực vốn có thể từ các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, bởi các startup sẽ rất khó hiện thực ý tưởng và phát triển nếu không có nguồn vốn”, ông Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ.

ông Nguyễn Mạnh Dũng, Người sáng lập quỹ Do Ventures nhấn mạnh khởi nhiệp đừng mơ mộng.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Sáng lập quỹ Do Ventures nhấn mạnh khởi nhiệp đừng mơ mộng.

Trong khi đó, cũng là một doanh nghiệp công nghệ, ông Thiều Phương Nam, TGĐ Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia nhấn mạnh tới yêu cầu kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp với các trường đại học trong công tác đào tạo và các trung tâm nghiên cứu.

“Năm 2021, chúng tôi sẽ đưa các hợp tác vào Việt Nam trong đó có công nghệ di động về AI, doanh nghiệp sẽ tập trung vào điểm mạnh công nghệ của mình để chia sẻ với các trường”, ông Thiều Phương Nam chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Thu hút mạng lưới trí tuệ Việt hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo

    Thu hút mạng lưới trí tuệ Việt hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo

    10:44, 28/11/2020

  • Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    10:30, 28/11/2020

  • TRỰC TIẾP: Diễn đàn cấp cao “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”

    TRỰC TIẾP: Diễn đàn cấp cao “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”

    09:41, 28/11/2020

  • Khởi nghiệp sáng tạo là mệnh lệnh của kỷ nguyên số!

    Khởi nghiệp sáng tạo là mệnh lệnh của kỷ nguyên số!

    09:19, 28/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lê Diệp Kiều Trang: "Chậm không chắc mà chậm là mất!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO