Nhiều tín hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng sẽ khởi sắc trong năm 2019. Điều này làm “nhen nhóm” kỳ vọng không ít ngân hàng sẽ tung ra các gói cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 4/2019 của các TCTD vừa được Vụ Dự báo Thống kê (NHNN Việt Nam) công bố mới đây cho thấy, có 76,5% các TCTD nhận định tình hình kinh doanh quý 3/2019 cải thiện tốt hơn so với quý 2, trong đó 20,6% cho biết mức độ cải thiện là nhiều.
Tiếp tục lãi khủng
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2019 đạt 2.400 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Với tốc độ này, TPBank hoàn toàn có khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng trong năm nay, cho dù con số lợi nhuận này tăng tới 42% so với năm 2018.
Mặc dù đến nay mới chỉ có TPBank công bố sơ bộ về hoạt động kinh doanh 9 tháng, song kết quả vô cùng khả quan của ngân hàng này càng củng cố thêm cho các dự báo về một triển vọng lợi nhuận tích cực của các nhà băng trong năm nay.
Dự báo này là hoàn toàn có cơ sở khi mà TPBank chỉ đứng cuối trong số 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống trong nửa đầu năm nay. Dẫn đầu là Vietcombank với hơn 11.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hai ngân hàng xếp kế tiếp là Techcombank và Vietinbank với lần lượt 5.662 tỷ đồng 5.335 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Các vị trí tiếp theo thuộc về MBBank, BIDV và VPBank với con số lợi nhuận trước thuế lần lượt là 4.875 tỷ đồng, 4.772 tỷ đồng và 4.343 tỷ đồng…
Có thể bạn quan tâm
05:01, 24/04/2019
05:01, 14/01/2019
01:00, 17/09/2019
06:01, 14/09/2019
06:10, 01/08/2019
Đáng chú ý trong số này đã có nhiều ngân hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm ở mức khá cao như Vietcombank hoàn thành 55%. Thậm chí, ngân hàng xếp ngay trên TPBank trong bảng xếp hạng lợi nhuận là VIB cũng hoàn thành tới 53,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Điều đó có nghĩa, nếu tốc độ này được duy trì, thì có lẽ không ít nhà băng sẽ về đích lợi nhuận trước hạn.
Chia sẻ với doanh nghiệp
Đóng góp lớn nhất vào các con số lợi nhuận khủng của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay vẫn là mảng tín dụng, chiếm khoảng 70%-80% thu nhập của các nhà băng. Chẳng hạn như Vietcombank, thu nhập lãi thuần của nhà băng này đạt tới 17.078 tỷ đồng, chiếm tới 74% trong tổng thu nhập hoạt động. Hay như Techcombank, mặc dù là một trong những ngân hàng có thế mạnh về dịch vụ, nhưng nguồn thu tín dụng vẫn chiếm tới 71,4% tổng thu nhập hoạt động của nhà băng này.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần của nhiều nhà băng cao gấp 2- 3 lần so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, cho thấy dư địa giảm lãi suất cho vay vẫn còn rất lớn. Đó cũng chính là lý do mà Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank tiếp tục tiên phong giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên kể từ ngày 1/8, lần giảm lãi suất thứ hai kể từ đầu năm của các ông lớn này.
Tuy nhiên cho đến nay, mức độ hưởng ứng của các ngân hàng trong khối tư nhân vẫn rất yếu. Theo đó, chỉ có lác đác một vài ngân hàng cổ phần lớn triển khai một số gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp, như MBBank triển khai hai gói cho vay ngắn hạn VND ưu đãi từ đầu tháng 8, bao gồm: Gói 3.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay tối đa 6,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và gói 4.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay tối đa 7 - 7,5%/năm đối với DNNVV…
Theo một chuyên gia ngân hàng, do không có được nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp của các tổ chức kinh tế lớn, đặc biệt là của Kho bạc Nhà nước, nên chi phí vốn của các ngân hàng cổ phần tư nhân thường cao hơn nhiều so với các ngân hàng quốc doanh. Đó chính là lý do khiến các ngân hàng này khó chạy đua với các ngân hàng quốc doanh trong việc giảm lãi suất cho vay.
“Dù không thể giảm cùng mức độ như các ngân hàng quốc doanh, song với mức lợi nhuận khủng như hiện nay, các ngân hàng cổ phần tư nhân hoàn toàn có thể giảm được lãi suất cho vay. Đó cũng là cách chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí giúp các ngân hàng “nuôi dưỡng” nguồn thu, bởi mối quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh”, vị chuyên gia trên cho biết.