Nhiều chuyên gia cho rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran có hiệu lực vào ngày 4/11 tới sẽ không mang lại hiệu quả như kỳ vọng của chính quyền Trump.
Sở dĩ lệnh trừng phạt này có khả năng thất bại là do một số nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, nếu Mỹ cắt giảm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, thì khó tìm được nguồn cung ứng dầu khác thay thế cho 2,5 triệu thùng dầu xuất khẩu của Iran mỗi ngày. Trước đó, Saudi Arabia tuyên bố sẽ bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ nào. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng quốc gia này và các nước đồng minh không có khả năng bù đắp hoàn toàn cho sự sụt giảm nguồn cung dầu mỏ từ Iran.
Hiện tại, xuất khẩu dầu của Iran đã giảm xuống còn khoảng 1,5 triệu thùng/ngày từ hơn 2,5 triệu thùng/ngày trước khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) vào tháng 5/2018. Khi đó, giá dầu thô ở mức 76USD/thùng. Nay nếu Mỹ trừng phạt Iran, thì giá dầu có thể sẽ tăng vọt lên 100 USD/thùng, đủ để bù đắp cho việc sụt giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Iran, ngay cả khi lượng dầu xuất khẩu của Iran bị cắt giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày.
Có thể bạn quan tâm
04:34, 04/07/2018
04:30, 10/05/2018
14:01, 09/05/2018
11:07, 09/05/2018
09:48, 06/05/2018
13:45, 21/03/2016
09:10, 19/07/2015
Thứ hai, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung Quốc và việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga sẽ khiến Bắc Kinh và Moscow ít có khả năng hợp tác với Washington chống lại Iran. Hơn nữa, Mỹ cũng không thể dựa vào quan hệ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để đối phó với Iran, bởi EU coi JCPOA là một trong những thành tựu trong chính sách đối ngoại của họ và đảm bảo an ninh khu vực châu Âu.
Thứ ba, trong nhiều thập kỷ qua, USD đã thống trị thị trường tài chính quốc tế. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi JCPOA đã khuyến khích các nước như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả một số nước châu Âu sử dụng đồng nội tệ của họ để giao dịch với Iran. Nếu châu Âu thành công trong việc tạo ra một hệ thống tài chính tách biệt với USD, các quốc gia khác có thể sử dụng EUR trong giao dịch thương mại với Iran, làm giảm sự thống trị của Mỹ trên thị trường toàn cầu.
Thứ tư, những quốc gia thành viên còn lại của JCPOA xem thỏa thuận này như một công cụ chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Bởi JCPOA là một thỏa thuận đa phương được hậu thuẫn bởi Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà chính quyền Trump đã đơn phương rút khỏi và hiện đang trừng phạt các quốc gia khác nếu có giao dịch thương mại với Iran. Bởi vậy, cả Iran và cộng đồng quốc tế sẽ bằng mọi giá tiếp tục duy trì JCPOA.
Thứ năm, các đồng minh của Mỹ như EU và Nhật Bản vẫn đang tiếp tục ủng hộ JCPOA. Chỉ có một số ít các đồng minh trong khu vực Trung Đông, như Saudi Arabia, Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất và Israel ủng hộ quyết định của Trump rút khỏi JCPOA, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Oman và Iraq lại ủng hộ duy trì thỏa thuận này. Hơn nữa, những diễn biến trong khu vực Trung Đông dường như không ủng hộ quyết định của Mỹ và các đồng minh: Tổng thống Syria Bashar al-Assad, được hậu thuẫn bởi Nga và Iran, đang chiến thắng trong cuộc nội chiến Syria; Chiến dịch của Hoa Kỳ tại Afghanistan đã thất bại; Saudi Arabia đã không thể đè bẹp phong trào hồi giáo Houthis do Iran hậu thuẫn ở Yemen; Qatar đã thắng thế trước sự phong tỏa do Saudi Arabia dẫn đầu… Những diễn biến này sẽ giúp Iran dễ dàng tìm cách đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trong sáu thập kỷ qua, Mỹ đã thể hiện sức mạnh bá chủ trong khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, cách tiếp cận đơn phương của Trump và tương lai của JCPOA có thể sẽ tạo ra sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đồng thời khiến các quốc gia khu vực Trung Đông, như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq xích lại gần nhau. Hơn nữa, việc Mỹ rút khỏi JCPOA sẽ mở đường cho các cường quốc khác, như châu Âu, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ tìm cách duy trì thỏa thuận này mà không có Mỹ. Điều này, cùng với việc Mỹ đang rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, có thể sẽ làm thay đổi cục diện thế giới do Mỹ dẫn đầu sang thế giới đa cực.
Bởi vậy, việc Mỹ trừng phạt Iran có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với các quốc gia khu vực Trung Đông, và Mỹ sẽ khó đạt được mục tiêu trừng phạt Iran như kỳ vọng.