Nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong phòng chống tham nhũng đóng góp không nhỏ cho thành tựu tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 6,81% năm 2017 và đang tiếp tục duy trì ổn định trong năm 2018.
Cùng với nỗ lực thực hiện Chính phủ điện tử và cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố quyết tâm xây dựng một Chính phủ “Liêm chính” thông qua tăng cường sự minh bạch và huy động các chủ thể trong nền kinh tế cùng hành động.
66% doanh nghiệp vẫn trả phí không chính thức
Hành động đáng ghi nhận đầu tiên là Chính phủ đã đề xuất sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi để tiếp tục thể chế hóa các yêu cầu của Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống Tham nhũng (UNCAC). Dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2017, đang tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2018 trước khi trình Quốc hội phê duyệt vào kỳ họp cuối năm 2018.
Văn Phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền Vững, VCCI và nhóm chuyên gia Liêm chính vừa thực hiện Báo cáo “Thúc đẩy Hành động Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ tại Việt Nam: từ Nhận thức tới Hành động”.
Những nỗ lực nêu trên của Chính phủ rất quan trọng trong bối cảnh tình hình tham nhũng tại Việt Nam vẫn còn khá phổ biến và có phần gia tăng. Theo Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam (PCI), tỷ lệ các công ty trả “khoản phí không chính thức” tăng từ 50% vào năm 2013 lên 64% năm 2014 và không thay đổi ở mức 66% năm 2015 và 2016. Theo một điều tra của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017, rủi ro tham nhũng cao ở Việt Nam đã đặt ra những thách thức lớn đối với các công ty đa quốc gia. Các công ty này hiện đang chịu điều chỉnh nghiêm ngặt của Luật Chống hối lộ quan chức nước ngoài ở nước đặt trụ sở chính của họ.
Điều tra PCI năm 2016-2017 của VCCI cho thấy, tham nhũng vẫn là một “vấn đề nghiêm trọng”, “phá hoại môi trường kinh doanh” và một khi bắt đầu “không bao giờ dừng lại”.
Kìm nén phát triển kinh tế
Xét từ khía cạnh môi trường đầu tư, chúng ta hãy cùng điểm lại một số chỉ số toàn cầu để thấy tại sao giải quyết vấn đề tham nhũng là rất quan trọng. Việt Nam đứng thứ 68 trong Chỉ số thuận lợi kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới và đứng thứ 55 trong Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu 2017-2018 của Diễn đoàn Kinh tế Thế giới. Có thể thấy, tham nhũng ở Việt Nam đang có xu hướng tăng lên theo thời gian. Các số liệu thành phần chỉ ra, tham nhũng đang là nguyên nhân kìm nén sự phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á khác.
Điều này được thể hiện qua các số liệu như sau: Việt Nam đứng thứ 81 về đạo đức và tham nhũng, xếp thứ 109 về các khoản chi không chính thức và hối lộ trong tổng số 137 nước và tham nhũng được coi là vấn đề gây khó khăn thứ ba trong kinh doanh ở Việt Nam theo dữ liệu của Diễn đoàn Kinh tế Thế giới. Trong Chỉ số nhận thức tham nhũng 2017 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 107 trong 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về phía chính phủ, để có thể nâng thứ hạng của Việt Nam trên các chỉ số toàn cầu, công tác chống tham nhũng cần được ưu tiên hơn nữa. Về phía doanh nghiệp, việc tăng cường thể chế hoá và thực thi các quy định của Công ước OECD về Chống hối lộ ở các nước như Luật Chống hối lộ quan chức nước ngoài của Hoa Kỳ, Đạo luật Chống Hối lộ của Vương quốc Anh... đang tạo áp lực thực sự đối với các nhà đầu tư nước ngoài hoặc những đối tác kinh doanh với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, các đối tác kinh doanh là công ty Việt Nam cũng cần phải đáp ứng các yêu cầu về chống hối lộ tuỳ thuộc vào mức độ tham gia trong các giao dịch kinh doanh.
Với những phân tích trên, chúng tôi tin rằng chỉ khi có một cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện việc thiết lập sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa nhà nước và doanh nghiệp mới có thể tác động làm thay đổi đáng kể trong phòng chống tham nhũng. Sự thờ ơ và hoài nghi về chống tham nhũng vẫn còn phổ biến và làm suy yếu những nỗ lực đang thực hiện…