Việc liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả, đào tạo ra nguồn nhân lực du lịch đông đảo, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập.
>> Liên kết vùng trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch
Tại Hội thảo “Liên kết vùng trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch COVID-19” mới đây, PGS.TS Ngô Văn Hà, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho biết, việc liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo được đội ngũ lao động du lịch đông đảo, chất lượng ngày một cao. Mỗi năm các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch đã đào tạo được khoảng 20.000 lao động tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, trong số đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, còn lại là học sinh trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới ba tháng.
Đội ngũ làm du lịch được đào tạo có trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ ngày một nâng cao, năng động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm, nhiệt tình và tâm huyết với nghề nghiệp, gắn bó với cơ quan, đơn vị, với ngành du lịch và đất nước.
Nhân lực du lịch được đào tạo đã thích ứng nhanh với cơ chế mới, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả làm việc, sức cạnh tranh trong kinh doanh, góp phần vào thành tựu xây dựng phát triển của du lịch Việt Nam những năm qua.
Dẫn số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, PGS.TS Ngô Văn Hà cho biết, năm 2019, ngành Du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927 nghìn việc làm trực tiếp. Tính chung trong giai đoạn 2015-2019, ngành Du lịch đạt tốc độ tăng trưởng cao 22,7%. Thành tựu và nỗ lực của của du lịch Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao, Tổ chức Du lịch thế giới (UNTWO) xếp Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Mặc dù vậy, PGS.TS Ngô Văn Hà cho rằng, việc liên kết đào tạo trong nước giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hầu hết các trường đào tạo không đủ thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, sự chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng “cung” không gặp “cầu”, nhà trường vẫn đào tạo những gì mình có, chưa đào tạo những gì doanh nghiệp cần.
“Không ít sinh viên tới doanh nghiệp thực tập chỉ dừng ở việc lấy số liệu từ doanh nghiệp về viết báo cáo thực tập tốt nghiệp, chứ không phải là đi tìm hiểu thực tế để làm rõ hơn phần lý thuyết đã học ở trường. Nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển dụng phải đào tạo lại. Một số doanh nghiệp từ chối tuyển dụng hàng loạt sau phỏng vấn, kiểm tra tay nghề của các ứng viên là học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường”, PGS.TS Ngô Văn Hà nêu thực trạng.
Ngoài ra, sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp chưa tốt, nên khung chương trình, cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực mất cân đối, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Khả năng ngoại ngữ, tin học là rất yếu, tính chuyên nghiệp của nhân lực ngành Du lịch còn hạn chế, còn tùy tiện, thiếu nguyên tắc trong giải quyết công việc. Kỹ năng mềm, khả năng ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của lực lượng lao động du lịch cũng chưa được trang bị đầy đủ.
>> Liên kết, phát triển các sản phẩm mới cho du lịch Hè 2022
Để việc liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp được tốt hơn, PGS.TS Ngô Văn Hà cho rằng, thời gian tới cần làm tốt các việc sau:
Một là, hoàn thiện cơ chế phối hợp về liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực du lịch. Việc liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã được khẳng định trong các văn kiện quan trọng của Chính phủ, Luật giáo dục nhưng chưa có quy chế cụ thể nên hiệu quả của việc liên kết này không được như mong muốn.
Vì vậy, phải xây dựng cơ chế phối hợp liên kết đào tạo nguồn nhân lực để tạo nên sự thống nhất về nhận thức, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước mới có cơ sở pháp lý phối hợp với nhau xây dựng môi trường sáng tạo khởi nghiệp, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của đất nước, phát triển ngành du lịch.
Trước mắt, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp tạo ra bước đột phá về liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành lao động tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường. Ban hành cơ chế, chính sách xác định rõ quyền và nghĩa vụ các bên liên quan, huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch; đồng thời có sự ưu tiên đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa có tiềm năng phát triển du lịch.
Hai là, nghiên cứu thị trường sau đại dịch COVID-19, làm cơ sở định hướng cho việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực phù hợp và đảm bảo chất lượng. Mặc dù hiện tại đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhưng cần có sự lạc quan là dịch sẽ được kiểm soát và du lịch sẽ phục hồi nhanh chóng, vì vậy mục tiêu phát triển là không thay đổi.
Tuy nhiên, sau đại dịch nhu cầu hưởng thụ du lịch có sự thay đổi, do đó cần nghiên cứu thị trường để định hướng đào tạo nguồn nhân lực du lịch phù hợp, hướng tới xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đáp ứng về số lượng, đảm bảo chất, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập.
Ba là, tăng cường phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc xây dựng khung chương trình đào tạo theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng mền đáp ứng thị trường lao động thời hậu COVID-19.
PGS.TS Ngô Văn Hà cho rằng, khi chưa xảy ra đại dịch, nhu cầu về nguồn nhân lực rất lớn, do đó nhiều cơ sở đào tạo chạy theo số lượng để tăng thu lợi nhuận, liên kết với doanh nghiệp không tốt, dạy nặng về lý thuyết. Thời điểm diễn ra đại dịch tạo ra “khoảng trống thời gian” để các cơ sở đào tạo thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực du lịch và liên kết với doanh nghiệp một cách bài bản.
Để việc liên kết đào tạo được tốt, ông cho rằng, cần tăng cường vai trò của Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. Hiệp hội Du lịch là “cầu nối” giữa hoạt động kinh doanh du lịch với hoạt động đào tạo du lịch, với vai trò dự báo nhu cầu lao động và yêu cầu về kỹ năng nghề của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập để các cơ sở định hướng chiến lược đào tạo đảm bảo cân bằng “Cung – Cầu”, giữa nguồn nhân lực được đào tạo với nhu cầu thị trường, gắn đào tạo với sử dụng.
Bốn là, phải coi doanh nghiệp là một khâu trong quá trình đào tạo, nhất là giai đoạn người học đi thực tập, thực tế. Trước đây việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch thuộc về cơ sở đào tạo là chính, doanh nghiệp tham gia với vai trò là hỗ trợ. Đã đến lúc cơ sở đào tạo và doanh nghiệp phải gắn bó với nhau thành một thể thống nhất “tuy hai là một”. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào tài nguyên này. Vai trò của doanh nghiệp không chỉ ở việc tham gia xây dựng khung chương trình, tham gia hội đồng trường…, mà phải coi như một khâu của quá trình đào tạo, mà rõ nhất là khâu thực tập, học việc của học viên, sinh viên.
“Khi thực hiện liên kết, các cơ sở đào tạo cũng hết sức linh hoạt trong xây dựng khung chương trình, có thể lồng ghép vào chương trình đào tạo kiến thức cụ thể theo yêu cầu của doanh nghiệp để sinh viên vừa học chương trình của trường, vừa học thêm kỹ năng chuyên môn của doanh nghiệp khi ra trường trở thành nhân viên chính thức của họ. Như vậy sẽ làm cho mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp càng thêm bền chặt, đồng hành trên con đường phát triển nguồn nhân lực”, PGS.TS Ngô Văn Hà nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
“Cú hích” du lịch Việt
04:00, 15/05/2022
Liên kết, phát triển các sản phẩm mới cho du lịch Hè 2022
03:30, 15/05/2022
Công nghệ 4.0 - Nét nổi bật tại Lễ hội Du lịch Hà Nội 2022
14:42, 14/05/2022
Liên kết vùng trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch
03:30, 14/05/2022
Quảng Ninh: Khôi phục nguồn nhân lực du lịch bằng cách nào?
10:39, 02/04/2022
Chống “đứt gãy” nguồn nhân lực du lịch
04:00, 26/03/2022
Lai Châu: Cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch
00:01, 28/05/2019