Không chỉ là trường đại học đầu tiên thành lập mô hình doanh nghiệp, Đại học Bách Khoa Hà Nội đang kết nối chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu.
>>>Avnet ký MOU với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: cùng với việc thực hiện tự chủ đại học, từ năm 2008, trường đã thành lập doanh nghiệp theo tinh thần của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Đây là mô hình doanh nghiệp lần đầu tiên được phép thành lập tại một trường đại học ở Việt Nam. Doanh nghiệp duy nhất của trường có tên gọi là BK - Holdings đã hoạt động liên tục từ đó đến nay và vẫn đang tiếp tục phát triển tốt.
Doanh nghiệp trong trường đại học (spin-off) là mô hình đã được triển khai rất thành công tại nhiều trường đại học trên thế giới. Điển hình là Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), đại học KU Leuven (Bỉ), đại học Wageningen (Hà Lan) hay đại học Queensland (Australia) đã tạo ra doanh thu khá lớn, công ăn việc làm hàng năm. Đây chính là địa chỉ để chuyển giao, thương mại hoá rất nhiều đề tài, quy trình công nghệ, sản phẩm khoa học có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.
Trong khi đó, tại Việt Nam, vào thời điểm cuối những năm 2000, nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ khá lớn nhưng thực tế, chỉ một số ít công trình, sản phẩm, đề tài nghiên cứu được chuyển giao hay thương mại hóa. Điều này gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, trường đại học Bách Khoa cũng mong muốn góp phần nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tốt hơn. Là những người tiên phong thực hiện tinh thần đổi mới sáng tạo, thầy Huỳnh Quốc Thắng chia sẻ, nhà trường đã linh hoạt áp dụng các quy định pháp luật để đưa mô hình spin-off hoạt động đúng hướng phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, khuyến khích các thầy cô giáo nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo đà phát triển cho nhà trường và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Hơn 1 thập kỷ phát triển, BK - Holdings đã trở thành cầu nối hợp tác, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp và cá nhân cho các nhà khoa học, nhà trường khi có nhu cầu nghiên cứu, ươm tạo, phát triển sản phẩm, thương mại hóa hoặc đầu tư nghiên cứu ban đầu về công nghệ. Các nhà khoa học trở thành chủ thể góp vốn, trí tuệ và công sức xây dựng doanh nghiệp.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp góp phần gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, hàng hoá, nâng cao giá trị, chất lượng và tính cạnh tranh. Ngược lại, sự chuyển giao tri thức này góp phần đưa kết quả sản xuất kinh doanh của BK Holding tăng trưởng qua các năm. Đến nay, BK - Holdings được đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trong số các doanh nghiệp được thành lập tại trường đại học của Việt Nam với quy mô nhân sự lớn, doanh thu tốt.
Trong những năm gần đây, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu là một trong những nhiệm vụ chính của trường đại học Bách Khoa Hà Nội. Năm học 2022-2023 cũng không phải là ngoại lệ. Trường đặt mục tiêu kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu, thực hiện triển khai mô hình “Học kỳ doanh nghiệp”.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết thêm: trường đại học Bách Khoa hợp tác với doanh nghiệp theo 3 nội dung chính. Thứ nhất, mời doanh nghiệp và các doanh nhân tham gia giảng dạy theo cơ chế hợp tác đã được Bộ Giáo dục Đào tạo có văn bản cho phép.
Thứ hai là gửi sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp. Trường đại học Bách Khoa mong muốn cơ chế này thực hiện tốt hơn, bám sát đúng nhu cầu để đáp ứng trúng yêu cầu của doanh nghiệp giúp sinh viên học học kiến thức thực tế từ doanh nghiệp một cách tốt hơn. Trường sẽ đẩy mạnh thực hiện tốt hơn mô hình này trên cơ sở học tập kinh nghiệm quản lý của doanh nghiệp theo mô hình 1:1, tức là một giảng viên của trường, một kỹ sư của doanh nghiệp và ứng dụng chuyển đổi số để quản trị sinh viên tốt hơn.
Cuối cùng là đặt hàng các doanh nghiệp, sử dụng tốt hơn nguồn kinh phí khoa học công nghệ. Hiện nay, trường đang cùng các doanh nghiệp tháo gỡ một số vướng mắc để các doanh nghiệp có thể chi kinh phí khoa học công nghệ của mình, đặt hàng các trường thực hiện các đề tài và chuyển giao kết quả nghiên cứu phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Từ việc tiên phong thành lập doanh nghiệp trong trường đại học đến kết nối, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học đều là những vấn đề rất mới của giáo dục đại học và thường đi liền với khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, thầy giáo Huỳnh Quyết Thắng khẳng định: “không vì khó khăn mà thụ động chờ đợi. Chỉ có bắt tay vào thực hiện một cách kiên trì với sự kiên định mới vượt qua được những khó khăn. Nếu không thực hiện sự hợp tác trên, các trường lãng phí nguồn lực lớn từ doanh nghiệp, dẫn đến sự trì trệ và thoái lui. Các thầy cô không được cập nhật liên tục, phát triển cũng trở nên lạc hậu. Hợp tác với doanh nghiệp thực hiện các đề tài nghiên cứu là một trong những giải pháp để thầy cô làm mới mình và phát triển, đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ của nhà trường và có ích cho xã hội”.
Đưa thực tế từ doanh nghiệp vào giảng đường cũng là cách để đại học Bách Khoa Hà Nội thích ứng kịp thời với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ. Dựa trên sự định hướng của của các cơ quan chức năng, trường đã linh hoạt điều chỉnh chương trình, mục tiêu đào tạo cho phù hợp với sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội nói chung, nhà tuyển dụng nói riêng. Đến nay, trường đã ký kết hợp tác với hơn 150 tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia tích cực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp và địa phương.
“Đây là minh chứng cho thấy, doanh nghiệp thấy được lợi ích từ sự hợp tác này. Từ 5 -10 năm trở lại đây, hàm lượng khoa học của doanh nghiệp ngày càng được nâng cao hơn, bài toán họ đặt ra cũng đòi hỏi nhu cầu chất xám cao. Việc đặt hàng nhà trường nghiên cứu có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với việc mua công nghệ từ nước ngoài và tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển, nhất là trong bối cảnh đổi mới sáng tạo dựa trên khoa học công nghệ đang là xu thế phát triển tất yếu của thế giới. Tôi cho rằng, hướng đi này là đúng đắn, mang lại lợi ích thiết thực cho cả nhà trường lẫn doanh nghiệp” - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Ra mắt Trường Đại học CMC – Mô hình Đại học số đầu tiên của Việt Nam
10:38, 18/11/2022
Trường Đại học công lập đầu tiên tại Hà Nội lắp đặt trạm sạc ô tô điện
15:31, 14/11/2022
Trường đại học ươm mầm tư duy khởi nghiệp cho sinh viên
04:35, 19/08/2022
Bosch Việt Nam khánh thành Phòng thí nghiệm công nghệ Ô tô Bosch tại Trường Đại học
15:51, 01/05/2022
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, hướng đến Đại học UEH đa ngành và bền vững
11:20, 22/10/2021
Trường Đại học Ngoại thương trở thành trường đại học đối tác đầu tiên của ITC tại Việt Nam
21:11, 29/04/2021