Các định hướng thúc đẩy kinh tế xanh và phát triển bền vững thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Kinh tế xanh muốn thực hiện được cần phải có một hệ sinh thái xanh bao gồm nhiều thành phần kết nối hữu cơ với nhau.
Các định hướng thúc đẩy kinh tế xanh và phát triển bền vững thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Kinh tế xanh muốn thực hiện đươc cần phải có một hệ sinh thái xanh bao gồm nhiều thành phần kết nối hữu cơ với nhau. Hệ sinh thái xanh đóng vai trò là môi trường nuôi dưỡng, thúc đẩy, thực thi và nhân rộng quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế. Bài báo đề xuất mô hình hệ sinh thái xanh mà Việt Nam đang định hướng xây dựng và phát triển hòa nhập với quốc tế, trong đó các doanh nghiệp là một trong các thành tố quan trọng.
Đề xuất mô hình hệ sinh thái xanh
Tác giả đề xuất mô hình Hệ sinh thái xanh bao gồm các thành phần:
Cơ quan chính phủ: Có vai trò quan trọng trong việc thiết lập chính sách, quy định và các hoạt động chế tài để khuyến khích các hoạt động kinh tế xanh.
Ngân hàng và quỹ đầu tư: Nguồn vốn tín dụng xanh rất quan trọng vì đó là tài nguyên quyết định nhất biến xanh và bền vững thành hiện thực. Các nguồn vốn xanh và bền vững có thể được triển khai dọc trên chuỗi giá trị xanh như nghiên cứu phát triển- thử nghiệm- thương mại hóa các công nghệ và giải pháp xanh.
Báo chí và truyền thông: Thông qua các hoạt động, báo chí tạo ra sự nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Báo chí cũng là động lực quan trọng thúc đẩy tiêu dùng xanh và bền vững từ các doanh nghiệp và khởi nghiệp xanh.
Tổ chức hỗ trợ và nhóm chuyên gia độc lập: Cung cấp kiến thức chuyên môn và hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ trong việc thực thi và phát triển các chính sách và dự án kinh tế xanh và bền vững. Đây chính là mảng ghép chưa được quan tâm đầy đủ trong hệ sinh thái xanh và bền vững.
Tổ chức phi chính phủ (NGO): Đóng vai trò quan trọng trong việc đề xuất chính sách, giám sát và đánh giá các hoạt động kinh tế xanh và bền vững. Các tổ chức này thường làm việc để nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường.
Vườn ươm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: Cung cấp không gian và nguồn lực để kiến tạo ra các doanh nghiệp có giải pháp đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ chuyển đổi xanh và bền vững.
Đại học, cơ sở giáo dục và nghiên cứu: Đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thông qua ba cấp độ đại học xanh – kiến tạo năng lực xanh và hành động xanh. Các cơ sở giáo dục cũng có thể hợp tác với doanh nghiệp và cơ quan chính phủ để phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu phù hợp.
Doanh nghiệp: Là những đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Các doanh nghiệp có thể thúc đẩy kinh tế xanh và bền vững thông qua việc:
- Tham gia mô hình hệ sinh thái xanh để hướng tới kinh tế xanh và bền vững.
- Áp dụng các phương pháp sản xuất sạch, sử dụng nguyên liệu tái chế.
- Phát triển các sản phẩm và dịch vụ có tác động tích cực đến môi trường.
Cộng đồng người tiêu dùng và xã hội: Đây là thành phần quan trọng nhất trong hệ sinh thái kinh tế xanh. Kinh tế xanh chỉ tăng trưởng bền vững khi và chỉ khi cộng đồng người tiêu dung xanh hiểu, ủng hộ và tiêu dùng các sản phẩm/dịch vụ xanh.
Vai trò hệ sinh thái xanh
Hệ sinh thái xanh là nơi kiến tạo các ý tưởng và sáng kiến xanh được hình thành và phát triển. Từ việc phát kiến ý tưởng cho sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, đến việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, môi trường này là nơi cho sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực kinh tế xanh. Nó cung cấp cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để thể hiện và phát triển tiềm năng của họ trong việc tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng và môi trường. Quan trọng hơn nữa là vai trò của hệ sinh thái xanh trong việc thúc đẩy, nó không chỉ là một môi trường tĩnh lặng, mà là một lực lượng động viên và hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế xanh. Bằng cách kết nối các doanh nghiệp với nguồn lực và cơ hội, hệ sinh thái này khuyến khích sự hợp tác và chia sẻ kiến thức giữa các bên liên quan. Nó thúc đẩy sự phát triển của các dự án và sáng kiến xanh bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, tư vấn chuyên môn và các nguồn lực khác để giúp chúng trở thành hiện thực.
Vai trò của hệ sinh thái xanh cũng nằm ở khả năng thực thi các chính sách và tiêu chuẩn liên quan đến kinh tế xanh. Bằng cách cung cấp cơ chế và cơ sở hạ tầng cho việc thực thi các quy định và tiêu chuẩn, nó đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh và sản xuất tuân thủ các nguyên tắc và quy định về môi trường. Đồng thời, việc thực thi được thực hiện một cách minh bạch và công bằng, giúp tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và bền vững.
Cuối cùng, hệ sinh thái xanh đóng vai trò quan trọng trong việc nhân rộng và lan tỏa các giải pháp và mô hình kinh tế xanh. Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các dự án thành công, nó giúp tạo ra một môi trường hỗ trợ cho việc phát triển và triển khai các giải pháp xanh trên quy mô rộng lớn hơn. Điều này tạo ra một hiệu ứng lan truyền tích cực, làm tăng cường tác động của kinh tế xanh đối với môi trường và xã hội.
Có thể bạn quan tâm