Cú sốc kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19 đã tạo thêm lý do cho các nhà tư bản công nghiệp đẩy mạnh “liên kết ngang”.
Ba nhà sản xuất ô tô lớn gồm có Nissan, Mitshubishi (Nhật Bản) và Renault (Pháp) từng tạo ra cú sốc trong ngành này khi thành lập liên minh để phân chia “cai quản” thị trường tại Trung Quốc, Mỹ và Đông Nam Á.
Liên minh Nissan- Mitshubishi- Renault không ngừng hoàn thiện theo thời gian để thích ứng với sự thay đổi của thị trường cũng như tính chất của đối thủ cạnh tranh. Đầu năm 2020, liên minh này tiếp tục thắt chặt hợp tác.
Thành quả R&D (nghiên cứu và phát triển) của liên minh này được chia sẻ, kế thừa và thụ hưởng. Điều này áp dụng cho các nền tảng cấu hình sản phẩm, hệ truyền động và công nghệ chính, ví dụ một công ty có thể dẫn đầu sự phát triển của một công nghệ chính và sau đó được sử dụng bởi các thành viên khác. Liên minh này trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới trong năm 2017, vượt mặt liên minh “siêu khủng” Volkswagen - Toyota. Đến nay, liên minh này đã xuất hiện ở hơn 200 quốc gia với 10 thương hiệu bao gồm: Renault, Nissan, Mitsubishi, Dacia, Renault Samsung, Alpine, Lada, Infiniti, Venucia và Datsun.
Trước tin đồn liên minh này có nguy cơ sụp đổ, đầu năm nay, đại diện Nissan khẳng định: “Trái với những nội dung trên báo, Nissan không hề xem xét việc giải thể Liên minh”.
Nguyên tắc hình thành, vận động và phát triển của nền kinh tế tư bản phụ thuộc vào mức độ tập trung và tích tụ tư bản. Theo K.Marx, tư bản là giá trị mang lại giá trị thặng dư.
Nguyên nhân là do cạnh tranh và tín dụng. Do cạnh tranh mà dẫn tới sự liên kết tự nguyện hay sáp nhập các tư bản cá biệt. Tín dụng tư bản chủ nghĩa là phương tiện để tập trung các khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội vào tay các nhà tư bản.
Điều thú vị ở chỗ, khi hiện tượng tích tụ, tập trung diễn ra càng nhiều, tức là càng có nhiều liên minh, liên kết, mua bán, sáp nhập, thì một mặt biểu hiện tính chất tích cực của kinh tế tư bản, mặt khác cho thấy sự khó khăn trong cách thức tồn tại (khủng hoảng). Theo đó, các doanh nghiệp yếu phải bán mình hoặc tìm cách móc nối để tận dụng sức mạnh, công nghệ của nhau.
Liên minh ô tô là dạng “liên kết ngang”, tức là giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Mặt trái của nó là tạo ra những đế chế kinh doanh, thao túng thị trường, giá cả, tác động đến chính sách vĩ mô. Đó là lý do để tin liên minh Nissan - Mitsubishi - Renault không dễ sụp đổ.
Bởi vì mục đích cuối cùng của chủ nghĩa tư bản là “giá trị thặng dư”, thậm chí “giá trị thặng dư siêu ngạch”. Khi họ nắm trong tay công nghệ, năng suất, quản lý được thị trường, thì mặc nhiên có quyền định đoạt giá cả.
Càng có nhiều liên minh thì tính cạnh tranh trên thị trường thu hẹp lại. Về lý thuyết, giá cả có xu hướng tăng lên vì độc quyền. Như vậy, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi.
Có thể bạn quan tâm