Các địa phương, doanh nghiệp du lịch tại miền Trung đang thực hiện liên kết với nhau để mở rộng thị trường, gia tăng nguồn khách,... nhằm phục hồi ngành du lịch.
>>Thúc đẩy tiềm năng du lịch golf tại miền Trung
Để ngành du lịch thực sự phục hồi trong giai đoạn này, các địa phương đều cần nguồn khách ổn định để tái thiết toàn bộ hoạt động. Hầu hết, trong thời gian này các địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định,... đều tung chương trình kích cầu, liên kết để đa dạng hóa sản phẩm.
Theo các doanh nghiệp, vấn đề cần thiết lúc này chính là xây dựng mối liên kết trong hoạt động du lịch với những hoạt động, sự kiện liên kết để thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước. Song song với đó, hình thành nên chuỗi sản phẩm phù hợp trải dài khắp các địa phương. Qua đó, khách du lịch sẽ có những trải nghiệm đầy đủ nhất về nghỉ dưỡng, văn hóa, giải trí,... khi đến với miền Trung trong kỳ nghỉ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Cố vấn du lịch Công ty Vận tải và Du lịch Vitraco (tại Đà Nẵng) nhìn nhận trong bối cảnh du lịch vừa mới phục hồi sau đại dịch và tình hình kinh tế - chính trị trên thế Giới quá nhiều bất ổn khiến cho du lịch quốc tế còn rất khó khăn (cả Inbound và Outbound). Theo ông Tùng, các địa phương có tiềm năng du lịch giàu có và quy mô dân số lớn cần thiết phải liên kết hợp tác trong học hỏi kinh nghiệm tổ chức thực hiện, xây dựng sản phẩm, quảng bá truyền thông và đặc biệt là cần khai thác nhiều nhất có thể lượng khách mỗi địa phương đi du lịch qua lại lẫn nhau.
“Các địa phương nên cùng nhau đẩy mạnh công tác truyền thông – quảng bá cho nhau tập trung trên nền tảng mạng xã hội và quảng bá truyền thông đại chúng. Cùng với đó, du lịch sự kiện (Du lịch MICE) đang là xu thế và tour đoàn là 100% nên ngành du lịch các địa phương cần tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ các lĩnh vực khác, nhất là mảng giáo dục, kinh tế, văn hoá, thể thao,… từ đó sẽ có hàng loạt các đoàn tham dự các cuộc thi, hội nghị, hội thao và học tập kinh nghiệm thực tế giữa 6 địa phương với nhau.
Ngoài ra, ngành du lịch tham mưu cho chính quyền tỉnh/thành phố ban hành chế độ chính sách ưu đãi đặc biệt cho công dân của 6 địa phương đi du lịch qua lại lẫn nhau từ tháng 8 đến tháng 12 (mùa thấp điểm) cụ thể như miễn/giảm vé tham quan các điểm du lịch do nhà nước quản lý, cũng như kêu gọi doanh nghiệp ngoài nhà nước có chế độ đặc biệt rồi sớm công bố,...”, ông Lê Tấn Thanh Tùng đề xuất.
Theo ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định địa phương đang quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm đến không thể thiếu của du lịch Duyên hải Nam Trung bộ. Thông tin từ ông Thanh, Bình Định đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hấp dẫn, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư phát triển du lịch trong thời gian qua.
Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và dần khẳng định thương hiệu là điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn. 6 tháng đầu năm 2023, Bình Định ước đón 2.757.840 lượt khách, doanh thu ước đạt 7.617,59 tỷ đồng. Trong năm nay, ngành du lịch Bình Định phấn đấu đón 5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 16.400 tỷ đồng”, ông Trần Văn Thanh thông tin.
Thông tin từ vị này, Bình Định đang xây dựng sơi dây liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương khác để thu hút ngày càng nhiều du khách đến với địa phương. Vơi những tiềm năng về du lịch biển, lịch sử, tâm linh, văn hoá... ngành du lịch Bình Định đã đề ra định hướng để phát triển ngành du lịch trong tương lai.
Tại Quảng Nam, địa phương này cũng vừa lên kế hoạch để tham gia sự kiện “Những ngày văn hoá, du lịch và giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Nam” tại thành phố Cần Thơ. Địa phương đã xác định sẽ liên kết để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh, con người, các giá trị văn hóa, ẩm thực đặc sắc, các điểm đến du lịch hấp dẫn, các sản phẩm du lịch xanh, sản phẩm OCOP đặc trưng của Quảng Nam đến với Nhân dân thành phố Cần Thơ, du khách trong nước và quốc tế nhằm thu hút khách du lịch đến với Quảng Nam.
“Sự kiện này là dịp để tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, cũng như xúc tiến thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến với Quảng Nam. Đồng thời đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Quảng Nam với thành phố Cần Thơ và các tỉnh thuộc khu vực miền Tây Nam Bộ, góp phần khôi phục và phát triển ngành du lịch Quảng Nam bền vững trong thời gian đến”, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận liên kết giữa các địa phương trong khu vực sẽ giúp mở rộng thêm không gian du lịch, đa dạng thêm các sản phẩm. Theo vị này, hiện nay hạ tầng giao thông đi lại thuận lợi nên việc kết nối các địa phương xng qunh sẽ tạo điều kiện để du khách sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong kỳ nghỉ dưỡng.
“Cần có sự điều phối chung hiệu quả hơn, các địa phương trong khu vực cần dựa vào điều kiện, tiện ích để tìm phương án kết nối, phối hợp giữa các bên để việc liên kết thực sự hiệu quả”, ông Nguyễn Xuân Bình cho hay.
Theo nhìn nhận của các địa phương, vấn đề liên kết, hợp tác các các địa phương trong xây dựng sản phẩm du lịch đi vào thực chất. Cụ thể, hệ thống sản phẩm cần có định hương mang tính đặc sắc, chuyên nghiệp, thuận tiện,... Ngoài ra cần có phương án giá cả cạnh tranh, môi trường vệ sinh sạch đẹp, điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện,...
Có thể bạn quan tâm