Một số nhà mạng châu Âu, châu Á đang dừng đặt hàng điện thoại mới của Huawei sau khi Google tuyên bố dừng hợp tác với tập đoàn này.
Vodafone (VOD), nhà khai thác di động lớn thứ hai thế giới vừa đưa ra thông báo họ đã tạm dừng các đơn đặt mua smartphone Huawei Mate 20X (5G) tại Anh. Một phát ngôn viên của công ty cho biết, đây là biện pháp tạm thời trong khi có những tồn tại không chắc chắn liên quan tới các thiết bị 5G mới của Huawei.
Nhà mạng lớn nhất Vương quốc Anh, EE cũng dang hoãn việc giới thiệu các smartphone mới của Huawei. Công ty đã quảng cáo về Mate 20X trong bản preview về mạng 5G của mình hồi tuần trước. Cùng với đó, các nhà mạng hàng đầu Nhật Bản cũng đã có những động thái tương tự với một thiết bị khác - chiếc Huawei P30 Lite vào hôm qua.
Có thể bạn quan tâm
11:10, 23/05/2019
07:10, 22/05/2019
03:18, 22/05/2019
14:45, 21/05/2019
Công ty viễn thông hàng đầu Nhật Bản, NTT Docomo thông báo rằng hãng này đã dừng lại việc nhận các đơn đặt hàng cho chiếc điện thoại này, và đang nghiên cứu về các tác động của lệnh giới hạn từ Mỹ. Các nhà mạng khác như KDDI và SoftBank Corp cũng cho biết sẽ trì hoãn ngày ra mắt của chiếc điện thoại mới từ Huawei.
Việc tạm ngưng các đơn đặt hàng này là bằng chứng rõ ràng đầu tiên cho thấy việc chính phủ của ông Trump chơi rắn với Huawei bằng lí do an ninh quốc gia, đang gây tổn hại cho việc kinh doanh của tập đoàn này.
Phát ngôn về vấn đề này, Huawei cho rằng họ thông cảm cho việc trì hoãn của đối tác và nói rằng họ sẽ sớm giải quyết chuyện này. Đồng thời bày tỏ sự tin tưởng việc trì hoãn có thể được giải quyết và Huawei vẫn luôn ưu tiên cung cấp công nghệ và sản phẩm đẳng cấp thế giới cho khách hàng trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, sắc lệnh gây bất lợi cho Huawei của chính quyền Mỹ không chỉ khơi lên làn sóng bán tháo mà còn khuấy động phong trào săn hàng Huawei giá rẻ tại nhiều nước. Những cuộc săn hàng điện thoại Huawei diễn ra sau khi Google công bố việc sẽ ngừng ký kết các giao dịch làm ăn với nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới.
Những người dùng smartphone Huawei đã ồ ạt tìm cách bán lại điện thoại Huawei đang dùng của họ cho các trang mạng để bù tiền và mua mẫu điện thoại khác vì lo ngại không dùng được các ứng dụng trên Google Play.
Mặc dù Huawei tuyên bố, những lệnh cấm của Mỹ không gây ra nhiều tổn hại đến doanh nghiệp này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc tạm dừng hợp tác của các đối tác có thể làm hỏng các hoạt động của các chi nhánh Huawei ở một số quốc gia khác.
Cụ thể, hiện nay phần lớn cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Châu Phi đều phụ thuộc vào Huawei và ZTE. Những lệnh hạn chế của Mỹ có thể gây ra sự chậm trễ của các dự án tại nơi đây. Thậm chí, hầu hết các nước châu Phi chưa bao giờ phải đối phó với sự phức tạp của các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Huawei có các thỏa thuận hợp tác với các nước tại châu Phi, nơi họ xây dựng và duy trì các dịch vụ và cơ sở hạ tầng "đám mây" cho chính phủ và các công ty viễn thông. Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã ký hợp đồng trị giá 1,7 tỷ USD cho Huawei để xây dựng dự án Trung tâm dữ liệu và thành phố thông minh Konza vào tháng trước, và công ty Trung Quốc cũng là đối tác công nghệ cho dự án xây dựng các tuyến đường sắt tiêu chuẩn.
Do đó, việc ngưng hợp tác giữa Huawei và các nhà mạng sẽ làm các dự án tại châu Phi không đủ thiết bị để tiếp tục tiến hành. Điều này có khả năng gây ra những lo ngại về việc các quốc gia này sẽ phải "đóng băng" các hoạt động sử dụng điện thoại, các hệ thống giao dịch bằng internet, điện toán đám mây...
Giới quan sát nhận định, từ việc Mỹ trừng phạt Huawei, thấy rõ một thông điệp tới các hãng điện thoại khác, chính trị có thể chi phối và tác động đến hoạt động kinh doanh của những tập đoàn lớn trên toàn cầu.
Sự hạn chế nhằm vào Huawei đang được dùng như một thông điệp dành cho Trung Quốc, rằng các thiết bị của Huawei vẫn phải phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ Mỹ. Bất chấp việc Huawei nỗ lực xây dựng một hệ điều hành mới, có một sự thật vẫn diễn ra rằng, việc mất đi hệ sinh thái Google khiến các thiết bị Huawei kém hấp dẫn hơn đối với người dùng quốc tế.