TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo nghiên cứu về gói hỗ trợ kinh tế lần 2.
Theo nhóm tác giả, trong năm 2020, Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép thành công, được quốc tế đánh giá cao. Năm 2021, nền kinh tế với nhiều triển vọng phục hồi, tuy nhiên còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, và cần tiếp tục có các gói hỗ trợ với 4 lý do chính dưới đây.
Một là, đại dịch Covid-19 vẫn lan rộng và diễn biến phức tạp (xuất hiện các biến thể mới với khả năng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong cao hơn) trên phạm vi toàn cầu khiến cho thương mại và đầu tư toàn cầu chậm phục hồi, còn nhiều bất định. Mặc dù dịch bệnh hiện vẫn trong tầm kiểm soát và tiến trình tiêm vaccine có nhiều khả quan nhưng việc phục hồi kinh tế - xã hội còn mong manh.
Hai là, hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020, ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 2 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2021.
Bên cạnh đó, nợ xấu có xu hướng tăng, vượt mức 2% cuối năm 2020, dù vẫn trong tầm kiểm soát nhờ việc NHNN cho phép cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm nợ để có thể cho vay mới phục vụ sản xuất – kinh doanh (theo tinh thần Thông tư 01 ngày 13/3/2020). Do đó, việc tiếp tục ban hành các chính sách, biện pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn là hết sức cần thiết, đặc biệt là một số lĩnh vực như dệt may, da giày; du lịch; vận tải, kho bãi...
Ba là, các gói hỗ trợ hiện hành chưa được triển khai hiệu quả như mong đợi. Theo khảo sát của Tổng cục thống kê (tháng 9/2020), có tới 82% doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ do: không đáp ứng được yêu cầu; không biết về chính sách; và quy trình, thủ tục phức tạp.
Bốn là, vẫn còn dư địa sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, thúc đẩy phục hồi, phát triển KT-XH năm 2021 và sau này. Tỷ lệ nợ công/GDP trước đánh giá lại năm 2020 ở mức 55,8% GDP (hay 44,64% GDP sau đánh giá lại), thấp hơn so với mức 62% GDP cuối năm 2015; bội chi ngân sách từ 6,28% GDP giai đoạn trước xuống mức 3,95% GDP giai đoạn 2016-2020.
Điều này cho thấy, trong thời gian qua, Chính phủ đã tích cực củng cố tài khóa trong bối cảnh kinh tế thuận lợi hơn. Năm 2020-2021, kinh tế khó khăn do dịch Covid-19, cũng là lúc Việt Nam cần thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, tăng chi tiêu hợp lý (nhất là cho lĩnh vực y tế, giáo dục), đẩy mạnh đầu tư công; chấp nhận nợ công, thâm hụt ngân sách tăng nhẹ trở lại, nhưng có lộ trình giảm bền vững.
Từ những phân tích trên, nhóm tác giả đưa ra bốn khuyến nghị. Cụ thể: Thứ nhất, Chính phủ cần khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả triển khai các gói hỗ trợ năm 2020; từ đó rút ra mặt được và chưa được; làm cơ sở, tiền đề cho việc thiết kế các gói hỗ trợ tiếp theo. Trong đó, đối với gói tiền tệ - tín dụng, cần sớm sửa đổi Thông tư 01 (mở rộng đối tượng hỗ trợ và gia hạn thời gian giãn, hoãn nợ, cân nhắc thời điểm phải chuyển nhóm nợ và lộ trình trích lập dự phòng rủi ro cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho các TCTD, tránh nợ xấu tăng đột biến; qua đó tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.
Thứ hai, sớm xem xét ban hành các gói hỗ trợ bổ sung với quy mô khoảng 93 nghìn tỷ đồng (1,48% GDP năm 2020), trong đó:
Gói tài khóa: khoảng 45 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,71% GDP: (i) Xem xét cho phép miễn phí Công đoàn tại doanh nghiệp năm 2021; (ii) Cho phép chuyển tiếp lỗ năm 2020 sang năm 2021-2022 (qua đó, giảm nghĩa vụ thuế tương ứng); (iii) Chính thức điều chỉnh giảm thuế TNdoanh nghiệp từ 20% xuống 15-17% đối với doanh nghiệpNVV (từ năm 2021) như Luật hỗ trợ doanh nghiệpNVV cho phép (mỗi năm thu ngân sách giảm khoảng 15,5 ngàn tỷ đồng); (iv) tăng cho vay qua Quỹ phát triển doanh nghiệpNVV và khởi động hoạt động thực chất của các quỹ bảo lãnh vay vốn doanh nghiệpNVV (quy mô khoảng 60 nghìn tỷ đồng - tương đương 1% GDP).
Giá trị hỗ trợ thực tế ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng (tương đương 0,05% GDP) với lãi suất cho vay khoảng 4%/năm. Việc cho vay thực hiện qua Quỹ phát triển doanh nghiệpNVV và NHTM (với sự bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệpNVV). Thời hạn cho vay tối thiểu là 1 năm, nguồn vốn cấp bù lãi suất từ NSNN. Riêng giải pháp giãn hoãn thuế, tiền thuê đất như đề xuất của Bộ Tài chính (khoảng 115 ngàn tỷ đồng), tương ứng giá trị hỗ trợ thực tế là 1.557 tỷ đồng (0,025% GDP năm 2020). Tuy nhiên, cần giảm bớt điều kiện và đơn giản hóa thủ tục nhận hỗ trợ.
Gói tiền tệ - tín dụng: trị giá khoảng 8.000 tỷ đồng (0,12% GDP) bao gồm: (i) tiếp tục cho vay lãi suất ưu đãi cho một số đối tượng rõ ràng, có lộ trình kết thúc với tiêu chí và điều kiện cụ thể. Đối với Nghị quyết của Quốc hội (tháng 11/2020) về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cần có hướng dẫn cụ thể về yêu cầu tài sản đảm bảo, quy định cho vay, đầu tư đối với các doanh nghiệp hàng không đang có tình hình tài chính thua lỗ, thiếu tài sản đảm bảo (không thể áp dụng như doanh nghiệp bình thường); (ii) Tạo điều kiện để các TCTD đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (phối hợp chặt chẽ hơn với Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa như nêu trên); (iii) thúc đẩy gói cho vay nhà ở xã hội (gói 3.000 tỷ đồng…) và Bộ xây dựng chủ trì sớm đề xuất cơ chế động lực để doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội; (iv) Khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vaccine, hạ tầng viễn thông, xử lý rác thải và các lĩnh vực ưu tiên khác.
Gói an sinh xã hội: cho phép gia hạn thực hiện các gói hỗ trợ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, với giá trị còn lại là 36.900 tỷ đồng, khoảng 0,6% GDP. Việc chuyển tiền cần thực hiện qua NHTM và/hoặc dịch vụ Mobile money (nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt). Đồng thời, cần hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất...
Quy mô chương trình dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng/năm (0,48% GDP), trong đó 50% từ ngân sách TW và từ ngân sách địa phương (hiện nay, mỗi năm ngân sách chi khoảng 1.710 tỷ đồng), 50% từ đóng góp của các doanh nghiệp hưởng lợi từ lao động được đào tạo này.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch, phương án thoái lui các biện pháp hỗ trợ khi nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng vững chắc nhằm hạn chế các rủi ro lạm phát tăng lên, thị trường tài sản (chứng khoán, bất động sản…) tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng.
Thứ tư, tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế (WHO, Liên minh COVAX...) và các tổ chức sản xuất vaccine để sớm có đủ lượng vaccine cho Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền về sự cần thiết của việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 để người dân yên tâm thực hiện; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng: Khách sạn rao bán ế ẩm, gói hỗ trợ "đi về đâu"?
07:00, 25/02/2021
80% doanh nghiệp không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ, vì đâu?
04:50, 02/12/2020
Gói hỗ trợ lần 2: Cách nào tránh rơi vào tình trạng ỳ ạch?
11:30, 10/11/2020
THẾ GIỚI BIẾN ĐỔI VÀ CON ĐƯỜNG CỦA VIỆT NAM (SỐ 7): Gỡ vướng cho các doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ
11:15, 08/11/2020
Gói hỗ trợ tín dụng lần 2 cần thực chất
04:00, 07/11/2020
Ông Nguyễn Bá Sơn - ĐBQH TP Đà Nẵng: Cần đánh giá kỹ hơn về gói hỗ trợ 62 000 tỷ đồng
09:53, 04/11/2020
Gói hỗ trợ cần thiết kế từ thực tế
03:40, 01/11/2020