Mặc dù, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã được giải quyết phần nào thời gian qua, tuy nhiên, nguy cơ thiếu thuốc, nhất là những thuốc đặc trị, hiếm, vẫn có thể hiện hữu...
>> Bộ Y tế: Đốc thúc "xóa" tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị tại bệnh viện
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện có hơn 21.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực. Trong đó, thực hiện Nghị quyết 12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 29/2022 của Chính phủ, đến ngày 7/12 vừa qua Bộ Y tế đã công bố 10.304 thuốc tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2022.
Trong số các thuốc trên, đã bao gồm các thuốc biệt dược gốc tham gia đàm phán giá, các thuốc tham gia đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương bảo đảm nguồn cung ứng thuốc trên thị trường.
Như vậy, còn hơn 9.000 giấy đăng ký thuốc sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2022. Đến năm 2023, thêm 3.802 giấy đăng ký thuốc hết hiệu lực, điều này dẫn đến số lượng hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc phải xử lý từ nay đến hết năm 2023 là rất lớn (gần 14.000 thuốc), gây ra nguy cơ thiếu thuốc trầm trọng nếu không được nhanh chóng xử lý.
Trước thực tế đã nêu, Bộ Y tế cũng nhận định, nếu không gia hạn kịp thời, doanh nghiệp dược phải dừng sản xuất, kinh doanh, người lao động mất việc làm. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục gia hạn hiệu lực giấy đăng ký thuốc vẫn chậm, không đáp ứng được nhu cầu thực tế do số lượng tồn đọng quá nhiều.
Theo đại diện Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, hiện mỗi tháng cơ quan này chỉ xử lý được khoảng 500 hồ sơ gia hạn, mỗi năm chỉ có thể xử lý tối đa được khoảng 6.000 hồ sơ gia hạn, chỉ tính riêng trong năm 2023 sẽ có gần 14.000 hồ sơ cần gia hạn. Chính vì vậy, cần phải có các chính sách nhằm tạo ra sự ổn định và tính dự báo trong công tác cung ứng thuốc tại nước ta.
>> Không để tiếp diễn, kéo dài tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế
Đánh giá về thực trạng cung ứng thuốc trước các nguy cơ đã và đang tiềm ẩn, Hiệp hội các doanh nghiệp Dược Việt Nam và Hiệp hội các Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cùng Pharma Group cho rằng, cần trung bình từ 3 - 6 tháng để chuẩn bị cung ứng thuốc (sản xuất, nhập khẩu). Do đó, tình trạng số đăng ký lưu hành thuốc tại thị trường Việt Nam hết hiệu lực có thể gây đứt gãy cung ứng hoặc làm dịch chuyển luồng phân bổ các thuốc này sang các thị trường khác ngoài Việt Nam.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, ngày 01/12 vừa qua, các Hiệp hội doanh nghiệp Dược đã có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép tiếp tục áp dụng biện pháp duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong tháng 12 này.
“Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực từ ngày 01/01/2023 thì được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến ngày Luật Dược sửa đổi có hiệu lực thi hành”, văn bản của Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam nêu rõ.
Cũng theo các Hiệp hội doanh nghiệp Dược, việc tiếp tục duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành sẽ không có các tác động đáng kể đến việc thu phí thẩm định/ngân sách Nhà nước (phần lớn đối tượng duy trì là các thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã nộp phí thẩm định hồ sơ gia hạn) cũng như an toàn, chất lượng của thuốc (thực tế thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc cũng đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế kèm theo Quyết định 1661/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 do Thủ tướng Chính phủ ban hành).
“Việc gia hạn hiệu lực này là cấp thiết (trước ngày 31/12/2022) bởi để lưu hành trên thị trường, tham gia thầu, cung ứng và sử dụng trong điều trị, thuốc phải có số đăng ký có hiệu lực. Vì vậy, việc không có hoặc không rõ tình trạng số đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực có thể gây ra những tác động không chỉ đối với việc cung ứng thuốc sử dụng trong điều trị mà còn sự suy giảm niềm tin của doanh nghiệp cung ứng thuốc.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn cấp ban hành Nghị quyết cho phép tiếp tục áp dụng biện pháp duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc không chỉ có ý nghĩa ổn định cung ứng thuốc cho bệnh nhân và bác sĩ, mà còn thiết lập lại khả năng dự báo và niềm tin của các doanh nghiệp dược trong và ngoài nước, góp phần đảm bảo mục tiêu an ninh cung ứng thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh”, các Hiệp hội doanh nghiệp Dược bày tỏ.
Được biết, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 01/12, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính một lần nữa yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế trên tinh thần lấy sức khỏe người dân là trên hết, trước hết.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Y tế: Đốc thúc "xóa" tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị tại bệnh viện
22:56, 01/10/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Không để tiếp diễn, kéo dài tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế
22:30, 19/09/2022
Sửa Luật Dược để khắc phục tình trạng thiếu thuốc trong khám, chữa bệnh
03:30, 13/09/2022
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu kiến nghị của chuyên gia về khắc phục thiếu thuốc, vật tư y tế
11:33, 25/08/2022
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói gì về tình trạng thiếu thuốc?
13:28, 12/08/2022