Xuất hiện mối đe dọa mới với giá vàng?

NGUYỄN LONG 05/03/2021 06:10

Kể từ khi vàng lập đỉnh hơn 2.000 USD/ounce vào tháng 8 năm ngoái, đến nay, giá vàng đã sụt xuống quanh mức 1.700 USD/oz. Điều gì đang và sẽ diễn ra?

Giá vàng quanh ngưỡng 1.700 USD/ounce

Giá vàng về quanh ngưỡng 1.700 USD/ounce

Giá vàng trên thị trường quốc tế đã giảm mạnh xuống gần 1.700 USD/ounce sau nhiều tuần sụt liên tiếp do áp lực bán ra tăng lên. Phân tích kỹ thuật cho thấy mặt hàng này nhiều khả năng vàng đang rơi vào một xu hướng giảm trong ngắn hạn.

Yếu tố chính khiến vàng giảm giá đến từ đợt tăng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài hạn 10 năm và đồng USD đang tăng giá. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Charles Evans bình luận, mức tăng gần đây của lợi suất trái phiếu Chính phủ báo hiệu sự lạc quan về triển vọng kinh tế. Điều này chính là một "mối nguy" khiến vàng đánh mất lợi thế trú ẩn của mình.

Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ dài hạn đã tăng lên kể từ đầu tháng 8/2020. Vàng bắt đầu điều chỉnh giá gần như cùng một lúc. Và vàng là hàng hóa không chi trả cổ tức. Theo đó các nhà đầu tư đã bị thu hút bởi lợi suất trái phiếu cao hơn, khi cổ phiếu thậm chí còn đắt hơn.

Về đồng USD đang tăng giá, khi lợi suất trái phiếu tăng nhanh, nhà đầu tư quốc tế có thể bắt đầu chuyển đổi tiền tệ của họ sang USD để mua trái phiếu Mỹ. Điều đó đã thúc đẩy một đợt biến động trong chỉ số USD và có thể cao hơn trước khi đạt đỉnh.

Trong khi đó, thâm hụt của Mỹ đang tăng cao hơn. Theo Crescat Capital, sắp có một gói “giải cứu” trị giá 1,9 nghìn tỷ USD; Ngoài ra, Biden đang nhắm đến một gói "phục hồi". Trong khi vẫn còn trong các cuộc thảo luận, nó có thể đạt tới 3 nghìn tỷ USD. Tổng số có thể đạt 4,9 nghìn tỷ đô la, so với 3,1 nghìn tỷ USD của năm ngoái. Thời điểm đó, các chủ nợ nước ngoài lớn của Mỹ đã mua khoảng 5,2% tổng số trái phiếu kho bạc phát hành.

Ngay cả như vậy thì lạm phát kỳ vọng vẫn chưa thể là lực kéo giá vàng lên dốc. Bởi trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục tăng tốc ngoạn mục trong những ngày đầu tháng 2/ 2021. Giới đầu tư vẫn đang quan sát đường cong này trong khi, các quỹ đầu tư đã lũ lượt bán vàng từ những tháng trước. 

Biến động giá vàng trong 20 năm qua.

Biến động giá vàng trong 20 năm qua.(Nguồn: Investing.com)

Nếu chúng ta nhìn vào biểu đồ vàng 20 năm, sự điều chỉnh gần đây diễn ra trong một bối cảnh khác.

Hãy xem xét rằng mức tăng giá lớn của vàng từ cuối năm 2018 cho đến khi đạt đỉnh năm 2020 đã đưa nó từ 1.175 USD  lên 2.070 USD. Đó là mức tăng 76% chỉ trong hai năm. Vàng đã tăng quá nóng và bây giờ là thời điểm xuất hiện nhịp điều chỉnh.

Biểu đồ giá vàng trong 2 năm qua.

Biểu đồ giá vàng trong 2 năm qua.(Nguồn: Investing.com)

Nhìn vào biểu đồ 2 năm cho thấy sự điều chỉnh của vàng có thể sắp hoàn tất.

Peter Krauth, chuyên gia phân tích vàng cho biết, từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua đã có sự hợp lưu của giao dịch trong phạm vi hiện tại khoảng 1.700 - 1.750 USD. Các chỉ báo RSI và MACD biểu lộ vàng đang ở hoặc rất gần mức quá bán.

"Vì vậy, điểm mấu chốt là vàng ở mức 1.700 USD không phải là lý do để nhà đầu tư lo lắng. Thay vào đó, đây có thể là cơ hội cho nhà đầu tư, bởi sau tám tháng với sự điều chỉnh gần 18% thì vàng đang ở hoặc gần mức đáy" - Peter cho biết.

Theo Fx street, không thể loại trừ một động thái phá vỡ dưới mức 1.700 USD, dưới ngưỡng đó giá có thể kiểm tra mức hỗ trợ quan trọng 1.692 USD. Mức đó là giao điểm của đường trung bình động 21 tháng và ngưỡng hỗ trợ mô hình nêm giảm trong khung thời gian đã đề cập. Ở thấp hơn, mức thấp nhất vào tháng 6 năm 2020 là 1.670 USD.

Câu hỏi hiện nay đặt ra giá vàng hiện nay đang vào giai đoạn khủng hoảng hay cơ hội?

Tại thị trường trong nước, giá vàng vẫn niêm yết mức mua vào-bán ra cao và đang tồn tại tình trạng giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng quốc tế khi quy đổi. Theo đó, nếu quy đổi tương đương, giá vàng trong nước sẽ ở mức 47,69 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC đang thực bán ra tới 8,21 triệu đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng miếng tập đoàn DOJI niêm yết bán ra ngày 4/3/2021 ở mức 55,45- 55,85 triệu đồng/lượng, cũng chênh lệch 8,16 triệu đồng/ lượng. 

Chênh lệch này đến từ những nguyên nhân nào, đã được DĐDN phản ánh trong các bài viết trước đây. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, kể cả khi giá vàng trong nước có dấu hiệu sụt giảm theo đà lao dốc tìm đáy của giá vàng quốc tế, vẫn tồn tại chênh lệch cao và đặc biệt là các rủi ro cao, nhất là với nhà đầu tư lướt sóng. 

Fitch, thậm chí trong một dự báo, còn giữ nguyên quan điểm của mình là giá vàng tới năm 2022 và xa hơn, vẫn sẽ có xu hướng thấp hơn khi lợi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất cùng tăng. Do vậy, mối đe dọa với giá vàng sẽ không chỉ ở ngưỡng 1.700 USD/ oz lúc này hay ở ngưỡng các nhà buôn vàng trong nước đang niêm yết, mà có thể còn kéo dài ở phía xa. 

Có thể bạn quan tâm

  • “Liều thuốc” nào cắt cơn loạn giá vàng?

    “Liều thuốc” nào cắt cơn loạn giá vàng?

    06:10, 01/03/2021

  • Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?

    Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?

    05:30, 28/02/2021

  • Đảo chiều tăng mạnh, vàng SJC lên gần 57 triệu đồng/lượng

    Đảo chiều tăng mạnh, vàng SJC lên gần 57 triệu đồng/lượng

    10:24, 23/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất hiện mối đe dọa mới với giá vàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO