Năm 2024, kinh tế cả trong và ngoài nước có thể tiếp tục đối mặt với những khó khăn chưa thể dự báo hết, vì vậy các biện pháp duy trì ổn định kinh tế vẫn đòi hỏi chính sách nhạy bén và linh hoạt.
>>Kiểm soát lạm phát với chính sách giảm thuế, phí
Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là từ những biến động của kinh tế thế giới, nhưng không hoàn toàn tiêu cực.
Theo đó, GDP năm 2023 của Việt Nam ước tính tăng 5,05% so với năm trước, thấp hơn đáng kể so với năm 2022 và chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021. Mặc dù vậy, GDP bình quân đầu người vẫn tăng 160 USD so với năm 2022, ước đạt 101,9 triệu đồng/người theo giá hiện hành, tương đương 4.284,5 USD. Nếu tính riêng trong quý IV/2023, GDP ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 mặc dù tăng 3,25% so với năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm (4,5%). Tính bình quân, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022. CPI bình quân tăng so với năm trước chủ yếu do sự gia tăng của chỉ số giá nhóm một số lĩnh vực, mặt hàng như giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, lương thực, điện sinh hoạt, đồ uống và thuốc lá, thuốc và dịch vụ y tế,…
Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2023, bao gồm việc giảm chỉ số giá nhóm xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông; đồng thời, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và qua đó giúp kiềm chế lạm phát của năm 2023.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động mạnh như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể, trong cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước (xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%). Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD, tăng khoảng gần 16 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 49,74 tỷ USD.
Về thị trường xuất, nhập khẩu năm 2023, xuất siêu sang nhiều thị trường có xu hướng giảm so với năm trước như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN; do các thị trường này, đặc biệt là Hoa Kỳ, EU, chịu tác động mạnh từ áp lực lạm phát dẫn đến thắt chặt chi tiêu, giảm tổng cầu, giảm nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu.
Mặc dù vậy, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,8 tỷ USD, còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 111,6 tỷ USD. Riêng xuất siêu sang Nhật Bản có mức tăng trưởng mạnh, khoảng 90,3% so với năm trước bất chấp sự giảm giá mạnh của đồng Yên trong năm 2023, chủ yếu là do trong thời gian gần đây, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu ngày càng nhiều mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam như nông, lâm, thuỷ sản và Việt Nam có tiềm năng để trở thành nguồn cung ứng chính các mặt hàng này cho Nhật Bản.
>>Doanh nghiệp có thêm đơn hàng, xuất khẩu tăng trưởng dương
Bước sang năm 2024, chúng tôi cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn có thể phải đối diện với nhiều thách thức khó đoán định, bởi nền kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ đầy rủi ro; nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới.
Đặc biệt, khu vực châu Âu, châu Mỹ đều là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ. Như vậy, đơn hàng xuất khẩu có thể sẽ chưa phục hồi như kỳ vọng.
Ngoài ra, xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Các thị trường phát triển như EU chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng châu Âu,... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo hướng tích cực, xuất khẩu năm 2024 có thể sẽ khởi sắc hơn 2023 vì lạm phát của Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang giảm. Đây là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Đến nay, Mỹ và các nước châu Âu về cơ bản đã kiểm soát được lạm phát, lãi suất sẽ hạ xuống nên xu hướng tiêu dùng sẽ phục hồi và tăng dần lên. Tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, được dự báo sẽ khởi sắc hơn.
Nhìn trên bình diện chung, kinh tế Việt Nam năm nay vẫn có những dấu hiệu cho thấy sẽ khả quan hơn năm 2023; Bởi trong những tháng cuối cùng của năm 2023, các chỉ số kinh tế - xã hội của Việt Nam hầu hết đều có biến động tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy.
Tại Báo cáo ngành ngân hàng Việt Nam năm 2023 của Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, chúng tôi nhìn nhận rằng, với đà phục hồi hiện tại cùng các biện pháp quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo các cấp, và triển vọng đang dần tích cực hơn của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam năm 2024 dự kiến sẽ phục hồi tốt hơn và có thể đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5% ở kịch bản cơ sở, theo đúng mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.
Về lạm phát, năm 2024, với đà phục hồi kinh tế dự báo tốt hơn, cung tiền và vòng quay tiền cải thiện, trong khi lạm phát và giá cả thế giới giảm nhưng còn ở mức cao, CPI bình quân của Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 3,5 - 4%, cao hơn năm 2023, nhưng trong ngưỡng mục tiêu cho phép.
Đáng chú ý, một số mặt hàng do Nhà nước quản lý cũng có thể tiếp tục được điều chỉnh giá, như tăng lương tối thiểu vùng, học phí, giá điện, giá dịch vụ y tế,... cũng có thể tăng mạnh do đề xuất thay đổi cách tính giá viện phí của Bộ Y tế gần đây, thực trạng có thể gây áp lực lên lạm phát.
Cũng phải nhận định rằng trong năm 2024, kinh tế cả trong và ngoài nước vẫn có thể tiếp tục đối mặt với những khó khăn và thách thức khác chưa thể dự báo được hết. Do đó, nếu những khó khăn của nền kinh tế như sức mua trong nước giảm, đơn hàng xuất khẩu không phục hồi như kỳ vọng, nguồn vốn hỗ trợ chưa tới được các doanh nghiệp… tiếp diễn trong năm 2024, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có thể sẽ tiếp tục gia tăng, từ đó, làm suy giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh chung của nền kinh tế. Vì vậy, các biện pháp duy trì ổn định kinh tế vẫn đòi hỏi sự nhạy bén và linh hoạt từ các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
04:40, 02/02/2024
04:00, 30/01/2024
12:00, 25/01/2024