Việc cấp giấy phép hoạt động điện lực được giao cho UBND tỉnh thực hiện theo công suất phân bổ linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển xanh.
Mới đây Chính phủ đã ban hành Dự thảo số 03 - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về giấy phép hoạt động điện lực (Dự thảo số 03).
Dự thảo số 03 này quy định cụ thể về thủ tục, cũng như điều kiện, trình tự làm hồ sơ liên quan đến việc cấp giấy phép hoạt động điện lực (HĐĐL) cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phát điện. Trong đó có điều khoản quy định phân cấp cho UBND tỉnh cấp giấy phép HĐĐL được rộng mở hơn về nội dung này.
Cụ thể tại Điều 22 của Dự thảo số 03 nêu rõ: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được ủy quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp sau đây:
Một là, hoạt động phát điện có quy mô công suất không giới hạn đối với điện mặt trời mái nhà, công suất dưới 50 MW đối với nhà máy điện gió gần bờ và trên đất liền hoặc nhà máy điện mặt trời. Tương tự với dự án dưới 15 MW đối với nhà máy điện rác, nhà máy điện sinh khối; dưới 05 MW đối với loại hình nguồn điện khác cũng theo quy định này. Hai là, với dự án hoạt động phân phối điện dưới cấp điện áp 110 kV. Ba là với dự án hoạt động bán buôn điện, bán lẻ điện dưới cấp điện áp 22 kV.
Trong khi đó, trước đây Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 09/09/2020 quy định: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các lĩnh vực sau:
a) Hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất dưới 03 MW đặt tại địa phương; b) Hoạt động phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương; c) Hoạt động bán lẻ điện đến cấp điện áp 0,4 kV tại địa phương”.
Từ đó, các chuyên gia đánh Dự thảo số 03 có nhiều điểm mới thông thoáng và linh hoạt hơn so với Thông tư số 21/2020/TT-BCT năm 2020.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Văn Hải - Chủ tịch Công ty CP Công nghệ xanh Hùng Việt chuyên tư vấn, thi công hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) cho biết: Giấy phép hoạt động điện lực có vai trò quan trọng cho các nhà máy và tổ chức kinh doanh, mua bán điện. Trong đó với cơ chế DPPA, giấy phép HĐĐL sẽ giúp các đơn vị, tổ chức bán điện năng lượng tái tạo được hoàn thiện thủ tục nhanh hơn, góp phần thúc đẩy nhanh hơn mục tiêu xanh hóa cho khối doanh nghiệp sản xuất.
Đáng chú ý, tại khoản 16 Điều 08 Chương III Dự thảo số 03 có nêu rõ quy định cấp giấy phép cho hạng mục ĐMTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia và tham gia vào cơ chế DPPA với các điều kiện mở hơn, phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể như các đơn vị kinh doanh mua bán, phát điện đáp ứng đủ điều kiện theo Nghị định và có giấy chứng nhận đăng ký phát triển ĐMTMN từ cơ quan có thẩm quyền xác nhận sẽ được cấp giấy phép HĐĐL.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh về vai trò của các cấp địa phương, gần đây phát biểu tại hội nghị ngày 10/2/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Đến nay, trừ các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ Công Thương chỉ thực hiện ba nội dung quan trọng gồm: Một là quy hoạch các ngành liên quan; hai là tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, ba là thanh tra kiểm tra, còn lại nhà đầu tư và chính quyền địa phương tự quyết định thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư. Ông cũng khẳng định Bộ sẽ không gây khó khăn cản trở một dự án nào trong lĩnh vực năng lượng và cả lĩnh vực khai thác khoáng sản.