Kiến nghị

Điện mặt trời mái nhà mới chỉ hé mở, chưa phát triển rộng khắp

Phương Thanh 05/12/2024 05:00

Do hiện tại công suất phê duyệt theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII không có sản lượng cụ thể cho mô hình điện mặt trời mái nhà theo cơ chế DPPA.

Vẫn chờ điều chỉnh

Để thúc đẩy sự chuyển dịch năng lượng ở khối sản xuất và huy động các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế, mới đây Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA. Hai Nghị định đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư sau một thời gian dài chờ đợi chính sách.

66666666.jpg
Doanh nghiệp này cũng không được triển khai được rộng rãi do không phải doanh nghiệp nào cũng có tài chính để thực hiện.

Các doanh nghiệp đánh giá hai chính sách trên được coi là bước tiến mới cho thị trường năng lượng và tạo đà thu hút đầu tư với khối doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, cũng như khuyến khích khối doanh nghiệp sản xuất trong nước mạnh dạn hơn trong chuyển đổi năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng xanh để góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Diễn đàn Doanh nghiệp, mặc dù có cơ chế chính sách nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng triển khai được. Bởi doanh nghiệp có kinh phí lắp đặt thì không đủ diện tích mái, doanh nghiệp có diện tích mái nhưng lại không có kinh phí để lắp đặt. Bên cạnh đó các doanh nghiệp là khách hàng lớn và các khu công nghiệp ở trong nước vẫn chưa thể triển khai phát triển mô hình này được theo cơ chế DPPA do phải chờ đợi quyết định bổ sung quy hoạch.

Đại diện các chủ đầu tư KCN ở miền Bắc chia sẻ, hiện doanh nghiệp chưa thể triển khai được mặc dù nhu cầu sử dụng năng lượng xanh trong KCN là rất lớn. Nguyên nhân được các doanh nghiệp chia sẻ, dù đã đầu tư lưới điện riêng, nhưng để KCN đầu tư điện mặt trời trong phạm vi KCN theo cơ chế DPPA qua đường dây riêng, khách hàng mua điện phải có mức tiêu thụ điện lớn hơn 200.000 kWh/tháng, dẫn đến việc đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh của các nhà máy có phụ tải nhỏ hơn bị bỏ ngỏ, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp xuất khẩu. Hơn nữa, doanh nghiệp vẫn phải tuân theo Quyết định số 262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 01/04/2024 về Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, mà công suất phê duyệt theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII lại không có sản lượng cụ thể cho mô hình điện mặt trời mái nhà theo cơ chế DPPA và hiện tại đến nay cũng chưa có quyết định bổ sung quy hoạch.

Trước những khó khăn trên, đại diện các chủ đầu tư KCN và khách hàng điện lớn đề xuất, để triển khai DPPA theo phương án qua đường dây riêng được nhanh nhất, nhằm tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời cho sản xuất, thì Bộ Công Thương cần sớm có Tờ trình bổ sung quy hoạch và có hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp thực hiện.

Doanh nghiệp nhỏ cũng khó khăn

77777.jpg
Chuyển đổi xanh là yếu tố then chốt để ngành Dệt May Việt Nam phát triển bền vững và duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Với khối doanh nghiệp có nhà máy sản xuất với mức tiêu thụ dưới 200.000 KWh/tháng, nằm ngoài KCN, cần đầu tư ĐMTMN để chuyển dịch năng lượng theo mục tiêu tự sản xuất, tự tiêu thụ sẽ áp dụng theo theo Nghị định số 135/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhưng hiện tại ở khối doanh nghiệp này cũng không được triển khai được rộng rãi do không phải doanh nghiệp nào cũng có tài chính để thực hiện. Các doanh nghiệp xuất khẩu may sang thị trường Mỹ và Châu Âu chia sẻ, việc đầu tư cho phát triển xanh phải đi đường dài và cần nguồn vốn lớn nhưng tiềm lực tài chính lại có hạn nên không thể đầu tư nổi.

Trước khó khăn này ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 47- 48 tỷ USD. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu về tính bền vững và trách nhiệm xã hội ngày càng cao đối với các thị trường quốc tế. Việc đạt được kim ngạch xuất khẩu ước tính của năm 2025 không chỉ phụ thuộc vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

“Chuyển đổi xanh là yếu tố then chốt để ngành Dệt May Việt Nam phát triển bền vững và duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong ngành dệt may, cần có sự chung tay góp sức của nhiều bên liên quan. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp, chẳng hạn như ưu đãi thuế, trợ cấp cho các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp xanh. Các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế cũng có thể hỗ trợ ngành dệt may trong việc xây dựng năng lực và tiếp cận nguồn vốn xanh để thực hiện chuyển dịch năng lượng” – ông Giang đề xuất.

Với ngành nhựa, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TPHCM cho biết, với việc tăng giá điện theo chu kỳ như hiện nay đang đã gia tăng thêm một thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch chuyển hướng sang sử dụng các nguồn năng lượng điện mặt trời mái nhà để giảm thiểu chi phí sản xuất và góp phần thực hiện trách nhiệm giảm phát thải carbon. Thế nhưng, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và sử dụng điện mặt trời mái nhà đòi hỏi sự đầu tư lớn về tài chính.

“Do đó, để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang được mô hình tuần hoàn, phát triển bền vững cần được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và các tổ chức liên quan bằng cách nhanh chóng ban hành các chính sách hỗ trợ nguồn vốn xanh hoặc cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh” - ông Quốc Anh đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điện mặt trời mái nhà mới chỉ hé mở, chưa phát triển rộng khắp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO