Với tiềm năng, lợi thế nổi trội cùng những giải pháp quyết liệt, huyện Thọ Xuân đang trở thành tâm điểm thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư.
TP Thọ Xuân - Vùng đất thiêng đang vươn mình thành điểm sáng phát triển kinh tế, xứng đáng là đô thị hạt nhân, trung tâm của Thanh Hóa. Nơi đây cũng đang trở thành tâm điểm hút mạnh dòng vốn đầu tư bất động sản, đón đầu xu thế phát triển.
Nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công, là cái nôi văn hóa xứ Thanh với hơn 200 di tích lớn nhỏ các loại, trong đó 6 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 38 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, vùng đất này cũng hội tụ nhiều di sản phi vật thể cũng phong phú và đa dạng với nhiều trò diễn dân gian, lễ hội, nghề truyền thống như trò Xuân Phả, Ca Trù, bánh gai Tứ Trụ...
Không những vậy, với vị trí địa lý cửa ngõ nối liền đồng bằng với trung du miền núi, có sông Chu - con sông lớn thứ hai của tỉnh chảy qua từ đầu huyện đến cuối huyện, sân bay quân sự Sao Vàng, Cảng Hàng Không Thọ Xuân, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ 47, 47B, 47C đi qua, đường nối dài đi khu kinh tế Nghi Sơn. Huyện Thọ Xuân với đô thị Lam Sơn – Sao Vàng từ lâu đã trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế tại Thanh Hóa.
Trong đó, điểm nhấn nổi bật có thể kể đến là khu Công nghiệp - Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng được quy hoạch với diện tích 592,3ha. Khu công nghiệp này nằm trong trục tứ giác kinh tế của tỉnh, được Chính phủ định hướng là đô thị trong chuỗi phát triển đô thị của cả nước dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, Lam Sơn - Sao Vàng, các chuyên gia đánh giá nơi đây có quy hoạch khoa học, với các phân khu được bố trí hợp lý, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Được định hướng phát triển thành khu công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, nơi đây mang theo hy vọng trở thành điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Tây của tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Thọ Xuân nói riêng.
Bên cạnh đó, Cảng Hàng không Thọ Xuân với quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế, dự bị cho cảng hàng không Nội Bài và kết nối trực tiếp với Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo thành hành lang nông nghiệp công nghệ cao từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn.
Với định hướng tiếp tục kết nối với nhiều đường bay trong nước và quốc tế, Cảng Hàng không Thọ Xuân cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Những năm qua, hệ thống giao thông hạ tầng tại đây cũng liên tục được chú trọng đầu tư. Điểm cộng với vị trí địa lý, Thọ Xuân được đánh giá là vùng đất mở, thuận lợi cho việc hội nhập, giao lưu với tất cả các vùng miền trong và ngoài tỉnh.
Từ Thọ Xuân có thể dễ dàng kết nối với cả các tỉnh miền trung như Nghệ An, hay di chuyển ra phía bắc dễ dàng như Hòa Bình; Ninh Bình. Bên cạnh đó, từ thành phố Thanh Hóa theo quốc lộ 47 đến huyện Thọ Xuân chỉ vỏn vẹn 36 km, ra thủ đô Hà Nội theo đường Hồ Chí Minh chỉ hơn 130km, đi khu kinh tế Nghi Sơn hơn 60km.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội “cất cánh” nhờ tầm nhìn chiến lược và sự góp mặt của những “đại bàng” trong lĩnh vực bất động sản.
Đặc biệt, với định hướng phát triển dựa vào “Tứ Sơn”: Nghi Sơn, Lam Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, từ tầm nhìn và tư duy mới, cộng thêm xung lực từ các nhà đầu tư tầm cỡ, Thanh Hoá đang có cơ hội “cất cánh” trỗi dậy mạnh mẽ trong thập niên tới.
Đồng quan điểm, các chuyên gia cũng nhận định, Thanh Hóa sở hữu tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thập niên mới, trong đó, khu vực huyện Thọ Xuân với đô thị Lam Sơn – Sao Vàng.
Thực tế đã cho thấy, Thọ Xuân đang ngày càng “tăng tốc” để xứng tầm trở thành đô thị trung tâm của tỉnh Thanh Hóa. Cùng với sự đi vào hoạt động của Cảng Hàng không Thọ Xuân, giai đoạn 2016 – 2020, toàn huyện đã ghi nhận 76 dự án được chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư với tổng số vốn đăng ký 7.590,713 tỷ đồng, quy mô diện tích 1.069,278 ha. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt kết quả nổi bật với hơn 23.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần giai đoạn 2011-2015.
Đặc biệt, trong quy hoạch xây dựng huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã định hướng đến năm 2030 thành lập thành phố Thọ Xuân.
Năm 2020, tuy tình hình dịch bệnh COVID-19 gây khó khăn, nhưng tốc độ phát triển kinh tế của huyện vẫn đạt 16,36%, thuộc những địa phương có tỷ lệ tăng trưởng cao trong tỉnh; trong năm, địa phương đã huy động tổng nguồn vốn cho đầu tư phát triển đạt hơn 5.920 tỷ đồng.
Ông Lý Đình Sĩ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025 tập trung cụ thể hóa các chương trình, đề án, kế hoạch phù hợp, sát thực tế, có tính khả thi cao gắn với thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp phù hợp với quy hoạch Thọ Xuân là 1 trong 4 trung tâm kinh tế động lực phát triển của tỉnh; có giải pháp hữu hiệu để huy động các nguồn lực đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.
Có thể bạn quan tâm
Thanh Hóa: Xây dựng huyện Thọ Xuân là 1 trong 4 trung tâm kinh tế lớn của tỉnh
13:28, 12/04/2021
Thanh Hóa: huyện Thọ Xuân đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
12:57, 26/10/2019
Thọ Xuân "hút" các nhà đầu tư
09:57, 31/05/2019
"Toạ độ vàng" kinh tế Thanh Hoá đang chuyển về Lam Sơn - Sao Vàng
03:00, 01/07/2021
Vùng đất Lam Sơn Sao Vàng “thức giấc”
12:00, 26/10/2020
Thanh Hóa: Khánh thành 2 nhà máy sản xuất mía đường Lam Sơn
11:12, 20/10/2020