“Lỗ hổng” quản lý thị trường

Khắc Lãng 29/01/2019 11:47

Trong bối cảnh hội nhập, cán bộ quản lý thị trường cần tìm hiểu những cam kết mới của các Hiệp định thương mại mới, những cam kết về sở hữu trí tuệ...

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại hội nghị “Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của lực lượng quản lý thị trường” diễn ra mới đây. 

trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kinh tế láng giềng tác động mạnh mẽ tới trong nước, quản lý thị trường đóng góp vai trò lớn trong bảo vệ lợi ích của nhân dân,

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kinh tế láng giềng tác động mạnh mẽ tới trong nước, quản lý thị trường đóng góp vai trò lớn trong bảo vệ lợi ích của nhân dân,

Báo cáo đưa ra tại hội nghị cho thấy, năm 2018, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra 155.583 vụ, phát hiện và xử lý 91.867 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 490,27 tỷ đồng, ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 92,5 tỷ đồng.

Còn yếu kém trong nghiệp vụ

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường thì, trong thời gian qua, mặc dù lực lượng quản lý thị trường có nhiều nỗ lực, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các gian lận thương mại khác diễn biến ngày càng phức tạp cả về tính chất lẫn quy mô. Mức độ gia tăng ngày càng nhiều các đường dây, ổ nhóm có tổ chức chặt chẽ và hoạt động tinh vi diễn ra trên địa bàn liên tỉnh, toàn quốc.

Ngoài ra còn nhiều khiếm khuyết, còn nhiều việc, nhiều nhiệm vụ mà lực lượng quản lý thị trường chưa thực hiện tốt trong thời gian qua. Công tác nắm thông tin dự báo tình hình thị trường còn bị động, do vậy tác dụng hỗ trợ cho chỉ đạo, điều hành kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực hàng giả, việc nắm thông tin và dự báo chuyên sâu còn yếu và thiếu cả về đầu mối và chất lượng thông tin. Lực lượng còn mỏng, nhưng ông Linh thừa nhận thực tế trình độ nghiệp vụ của quản lý thị trường vẫn còn nhiều yếu kém, chưa có chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bài bản. Quản lý thị trường còn lúng túng, có nhiều sai sót trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm, dễ phát sinh khiếu nại, khởi kiện.

Đặc biệt, đạo đức công vụ của quản lý thị trường đang là một vấn đề nổi cộm, đáng lo ngại. Trong thời gian qua, báo chí, dư luận phản ánh nhiều vụ việc tiêu cực của quản lý thị trường như công chức quản lý thị trường có thái độ quan liêu, hách dịch, hoặc gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, cá nhân khi hoạt động công vụ.

Đồng quan điểm trên, ông Chu Xuân Kiên, Quyền cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội nêu thực tế, vẫn còn kẽ hở gian lận thương mại trong tạm nhập từ đường hàng không tái xuất qua cửa khẩu Lạng Sơn, điều này phi lý vì chi phí nhập khẩu qua đường hàng không rất lớn.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An: Cán bộ quản lý thị trường bị “tố” vòi tiền

    14:34, 05/01/2019

  • Vì sao “nâng cấp” Cục quản lý thị trường lên Tổng cục?

    10:40, 31/10/2018

  • Kiểm tra lại quy trình của quản lý thị trường trong vụ Con Cưng

    18:34, 13/09/2018

  • Tổng cục Quản lý thị trường có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào?

    19:00, 13/08/2018

Mặt khác, theo ông Kiên, chế tài xử lý vi phạm hiện đang vướng như đông trùng hạ thảo đã hết tinh chất nhưng được bán với giá đông trùng hạ thảo nguyên chất, đây được coi là đông trùng hạ thảo giả. Hay vấn đề hàng giả ở chợ Ninh HIệp, cửa vào là địa phận Hà Nội nhưng cửa ra Bắc Ninh – khiến lực lượng quản lý thị trường Hà Nội rất khó xử lý.

Ở khía cạnh khác, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng chỉ rõ, vấn đề truyền thông đưa tin tình trạng hàng giả diễn ra công khai, ngang nhiên, bày từ cổng chợ vào trong chợ... trách nhiệm thuộc về các lực lượng chức năng quản lý thị trường. Trước hết là vai trò của các lãnh đạo các đơn vị trực tiếp thực thi công vụ. Hơn nữa, chuyên môn năng lực của cán bộ quản lý thị trường khi xử lý những vi phạm hàng giả còn chưa thực sự kiên quyết xử lý.

Cần khắc phục tình trạng “bình mới rượu cũ”

Thực tế, năm 2019 và các năm tiếp theo, việc hội nhập diễn ra ngày càng sâu rộng giữa Việt Nam với thế giới sẽ vừa là động lực nhưng lại vừa là thách thức đối với sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước. Do đó, ông Linh đặt vấn đề, hơn lúc nào hết, nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường đặt trong bối cảnh mới, đó là quản lý thị trường phải vì sự phát triển của các doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng giả, hàng nhái

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng giả, hàng nhái

Ông Linh cho rằng, Tổng cục cần rà soát, đánh giá lại chất lượng đội ngũ cán bộ công chức quản lý thị trường, xây dựng chiến lược, kế hoạch sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thị trường, có các giải pháp nâng cao đạo đức công vụ, xử lý nghiêm đối với cán bộ vi phạm công vụ, suy thoái đạo đức, kiên quyết loại bỏ cán bộ yếu kém về đạo đức và năng lực. Đây là nhiệm vụ cấp bách và vô cùng quan trọng, vì yếu tố con người chính là chìa khoá then chốt để quyết định sự phát triển của lực lượng.

Ông Thế cũng đề nghị, muốn phát triển có hiệu quả ngay từ bây giờ quản lý thị trường phải đặt nền móng thực thi. Tất cả các đơn vị lực lượng quản lý htij trường cần bàn kỹ, mổ xẻ những gì được thì phát huy, còn tồn tại ở đơn vị nào, công chức nào thì cần điều chỉnh... Nên có thái độ nghiêm túc để xây dựng lực lượng quản lý thị trường mạnh.

Cũng nhấn mạnh điều này, theo ông Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kinh tế láng giềng tác động mạnh mẽ tới trong nước, quản lý thị trường đóng góp vai trò lớn trong bảo vệ lợi ích của nhân dân, nếu không nhỡn tiền sẽ thấy quy mô buôn lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ còn đa dạng và lớn hơn nhiều.

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, hiện nay bộ máy nhân sự, tổ chức thực hiện mặc dù có những nỗ lực nhưng vẫn còn lúng túng, chưa có sự phối hợp với các địa phương. Bản thân công tác kiện toàn nhân sự ngay tại Tổng cục còn chậm trễ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông Trần Tuấn Anh nhìn nhận, trong thời gian qua, năng lực chuyên môn đi cùng đạo đức, văn hoá ứng xử đang là điểm yếu, còn tồn tại trong quản lý thị trường. Rõ ràng từng khu vực, từng thời điểm có và còn nhiều trường hợp vi phạm. Chưa kể sự lạc hậu, chậm trễ đổi mới trong nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng chức năng khác còn hạn chế, phổ biến. “Dù là Tổng cục nhưng nếu “bình mới rượu cũ” thì cũng sẽ không hiệu quả. Mà cần có những người có năng lực, phẩm chất thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra. Chúng ta cần khẩn trương hoàn thiện kiện toàn bộ máy tổ chức một cách nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn và chỉ có 4 tháng đầu năm làm vấn đề này”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Lỗ hổng” quản lý thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO