Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cần hướng vào việc làm thế nào để quản lý các giao dịch kinh doanh trên mạng theo một nền kinh tế số.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng nay (24/5), ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng Luật Quản lý thuế sửa đổi cần hướng vào việc làm thế nào để quản lý các giao dịch kinh doanh trên mạng theo một nền kinh tế số.
“Tôi cho rằng đó là một trong những vấn đề mà Luật Quản lý thuế sửa đổi cần được nhắc tới, tuy nhiên, nội dung này còn khá mới mẻ nên việc quản lý cho nội dung này có lẽ chưa thực sự rõ nét” – ĐB Cường nói.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 11/03/2019
05:09, 17/11/2018
16:20, 18/09/2018
10:26, 16/09/2018
20:06, 07/09/2018
Tương tự, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng nêu quan điểm, khi mà công nghệ và các loại hình mạng xã hội ngày càng phát triển thì vấn đề kinh doanh thương mại điện tử cũng ngày càng nhiều, dự báo trong thời gian tới lượng người kinh doanh thương mại điện tử tăng gấp hai lần mỗi năm, đặc biệt tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, vấn đề thất thoát thuế trong kinh doanh thương mại điện tử là rất lớn.
“Việc này, các hiệp hội thương mại điện tử cũng đánh giá rằng thất thoát về thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử tới cả tỷ USD mỗi năm. Đây là lỗ hổng lớn mà chúng ta chưa giải quyết được, khiến con số thất thu ngân sách trong kinh doanh thương mại điện tử là rất cao” – ĐB Tuyết nói.
Theo ĐB Tuyết, trong Luật lần này có đưa một số điều liên quan tới thương mại điện tử, tuy nhiên ngoài vấn đề quản lý chúng ta cần nâng cao ý thức và khuyến khích người kinh doanh thương mại điện tử tự nguyện đăng ký để huy động được nhiều người tự nguyện tham gia nộp thuế.
Lần này, Luật cũng quy định có sự liên thông và có sự kết nối giữa các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là đối với ngân hàng và các hệ thống ngân hàng thương mại, nhưng quy định tại các điều không làm rõ vai trò của ngân hàng.
Cũng theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết, hiện nay vướng mắc lớn nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử đó là vấn đề xác định doanh thu, nhưng làm sao truy thu được số tiền thuế này thì vai trò của ngân hàng là rất lớn, tuy nhiên trong Luật lại không có quy định rõ trách nhiệm của ngân hàng để thực thi vấn đề này và kết nối với Cục thuế cũng như các bộ, ngành có liên quan.
“Do đó, tôi nghĩ trong luật này chúng ta cần nghiên cứu để Luật có thể tận thu được lĩnh vực thương mại điện tử - lĩnh vực tiềm năng phát triển rất lớn, mang lại nguồn thu rất lớn, tiếp tục đóng góp cho ngân sách Nhà nước” – ĐB An Giang nói.
Góp ý về vấn đề thu thuế, quản lý các giao dịch kinh doanh trên mạng, ĐB Nguyễn Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề cập: “Trong Luật lần này đã đề ra vấn đề thu thuế thương mại điện tử, nhưng nếu so sánh giữa việc thu thuế từ kinh doanh trực tiếp và thu thuế từ kênh thương mại điện tử thì không có sự công bằng bởi đối với nguồn thu từ thương mại điện tử cho đến nay vẫn còn thất thoát rất nhiều”.
Ngoài ra, theo ĐB Hòa, cần tăng cường kiểm soát đối với việc kinh doanh thương mại điện tử còn góp phần kiểm soát hàng giả, hàng nhái đối với người tiêu dùng.