Các chuyên gia kinh tế thế giới đang lo ngại biến thể Omicron có thể tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
>> Thế giới nỗ lực ngăn chặn biến chủng Omicron lan rộng
Bà Elena Duggar, Giám đốc điều hành tại Moody cho rằng, biến thể Omicron mang rủi ro ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu và lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao và thiếu lao động. Cũng theo bà Elena Duggar, nếu biến thể này ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu, điều này sẽ tạo ra căng thẳng tài chính cho các tổ chức cho vay khi nhu cầu tài chính tăng mạnh.
“Nếu biến thể mới dẫn tới một làn sóng lây nhiễm mới, các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là các nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp, phụ thuộc nhiều vào du lịch và không có năng lực cao trong việc đưa ra hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm khắc phục các ảnh hưởng đối với tăng trưởng do làn sóng lây nhiễm mới gây ra”, chuyên gia này cảnh báo.
Trong khi đó, công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch cho rằng hiện còn quá sớm để có thể dự báo các ảnh hưởng cụ thể của biến thể Omicron đối với tăng trưởng kinh tế cho tới khi mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng của biến thể này được xác định. Theo công ty này nhận định, khả năng suy thoái kinh tế giống như trong nửa đầu năm 2020 là không cao, tuy nhiên, lạm phát gia tăng sẽ gây khó khăn cho các giải pháp ứng phó kinh tế vĩ mô nếu biến thể mới trở nên mạnh hơn.
Hiện tại, một loạt các quốc gia đã đóng cửa biên giới từ ngày 29/11 và điều này đã phủ bóng đen lên các nỗ lực phục hồi kinh tế sau hai năm đại dịch COVID-19. Các hãng hàng không lớn đã hành động nhanh chóng bằng cách ngừng các chuyến bay từ các nước ở miền Nam châu Phi với lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron sẽ kích hoạt các hạn chế từ các điểm đến khác ngoài các khu vực đang bị ảnh hưởng.
Đáng quan ngại, khắp châu Âu, ngân sách liên tục bị cắt giảm. Tăng trưởng dự kiến sẽ gần như bằng 0 trong quý IV/2021 ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong khi thị trường chứng khoán giảm mạnh. Việc phát hiện ra một biến thể mới đến từ miền Nam châu Phi đã khiến thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng vào phiên cuối tuần qua.
Các chuyên gia dự báo, EU cần cố gắng để tránh rơi vào suy thoái trong quý IV và giữ tăng trưởng ở mức 0,2%. Dự đoán, điều này sẽ tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi kinh tế ở châu Âu khi hoạt động sản xuất công nghiệp trong khu vực đang chững lại do chuỗi cung ứng đã hoàn toàn bị gián đoạn và đại dịch khiến các phụ tùng thay thế luôn thiếu thốn, đặc biệt là trong bối cảnh khối này đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng cao trong những ngày gần đây.
>> TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chỉ đạo chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron
Mặc dù vậy, nhìn chung thị trường quốc tế bị tác động bởi lo ngại biến chủng Omicron ít hơn so với chủng gốc và các biến thể trước đây. Khi các thông tin về biến chủng Omicron xuất hiện, thị trường Mỹ và châu Âu đều đã tăng trở lại ngay ở phiên đầu tuần, trong khi giá dầu cũng bật tăng trở lại khoảng 4%.
Theo nhóm phân tích tại hãng đầu tư Bespoke đánh giá, "Giới đầu tư đang cố gắng hiểu về tác động của biến thể Omicron, nhưng chúng tôi chưa thể đưa ra câu trả lời trong tương lai gần". Do đó, có thể mất từ 2-8 tuần để các tác động từ biến thể này được hiểu và phân tích cặn kẽ.
Bloomberg đưa tin, dù những nghiên cứu ban đầu cho thấy mối đe dọa từ biến chủng Omicron có thể không phải quá lớn, thì sự xuất hiện của biến thể này cũng đã giáng một đòn mạnh lên kỳ vọng hồi phục kinh tế toàn cầu trong năm tới. Bên cạnh đó, nếu các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn ngừa chủng Omicron được mở rộng, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể bị tổn hại, gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế ở nhiều nơi, ngay ở giai đoạn mùa mua sắm cuối năm.
Đáng quan ngại hơn, nguy cơ biến chủng Omicron lây lan sẽ dẫn đến những hạn chế mới ở các trung tâm sản xuất như Trung Quốc hoặc một số nước châu Á và làm trầm trọng thêm các vấn đề chuỗi cung ứng, đồng thời gia tăng tình trạng thiếu lao động ở những nơi khác do lo ngại sức khỏe ngăn cản mọi người quay trở lại làm việc.
Trong kịch bản của Goldman Sachs đưa ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, nếu một làn sóng dịch mới bùng phát trở lại vào quý I năm sau. Ngay cả trong kịch bản lạc quan, thì sự xuất hiện của Omicron và các biến thể tiếp theo, sẽ là một cảnh báo thường trực về nguy cơ từ đại dịch, thậm chí trong vài năm tới.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chỉ đạo chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron
19:57, 30/11/2021
Thế giới nỗ lực ngăn chặn biến chủng Omicron lan rộng
13:53, 30/11/2021
Việt Nam ứng phó thế nào với biến chủng Omicron?
02:00, 30/11/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2
22:44, 29/11/2021