Mục tiêu xây dựng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng than, khí, điện cạnh tranh lành mạnh, theo từng giai đoạn và có sự điều tiết của Nhà nước.
Thủ tướng vừa phê duyệt đề án “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến 2030, tầm nhìn đến 2045", trong đó xác định sẽ củng cố, hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong giai đoạn 2021-2025 và hoàn thiện, phát triển, mở rộng phạm vi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2026.
Theo đó, ngành điện sẽ được tái cơ cấu theo Quyết định 168/2017 của Thủ tướng đảm bảo thị trường bán buôn điện vận hành minh bạch, công bằng và hiệu quả. Đồng thời, cơ chế và việc hỗ trợ vận hành thị trường điện giao ngay, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường bán buôn điện cũng sẽ được hoàn thiện, đảm bảo thị trường điện vận hành theo đúng mô hình thiết kế đã được phê duyệt.
Riêng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đề án đặt mục tiêu nghiên cứu, xây dựng đề án tái cơ cấu ngành điện và điều chỉnh quy định pháp lý về cơ chế giá bán lẻ điện, bảo đảm giá điện minh bạch theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh theo đúng tinh thần Nghị quyết 55/2020 của Bộ Chính trị.
Đề án còn đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành năng lượng với lộ trình cụ thể, đảm bảo tách bạch rõ giữa từng lĩnh vực, khâu mang tính độc quyền tự nhiên với lĩnh vực, có tiềm năng cạnh tranh trong ngành năng lượng nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, không phân biệt đối xử giữa từng thành viên tham gia thị trường năng lượng.
Chính sách thuế, phí được yêu cầu phải hợp lý cho mỗi phân ngành năng lượng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Cụ thể, thị trường than, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đối với việc cung cấp than cho sản xuất điện (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện BOT được Chính phủ bảo lãnh hợp đồng cung cấp than) và xuất khẩu than; từng bước chuyển đổi thị trường than theo hướng thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh, các chủ thể tham gia thị trường thực hiện giao dịch, mua bán than, cung cấp các dịch vụ cho việc giao dịch, mua bán than tuân thủ quy định và thông lệ của thị trường.
Thị trường khí, từng bước xây dựng khung pháp lý làm cơ sở để triển khai mô hình kinh doanh cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh khí CNG, LPG và LNG; xây dựng lộ trình, vận hành thị trường cạnh tranh phân phối khí hạ nguồn với việc đưa vào áp dụng quy định quyền được thuê và sử dụng hạ tầng của bên thứ ba; tiếp tục thực hiện các cam kết của Chính phủ và cam kết thương mại đã ký đối với các hệ thống thu gom, phân phối khí phát triển trên cơ sở các dự án khai thác khí trong nước.
Thị trường điện, củng cố phát triển mở rộng thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tạo tiền đề vững chắc để chuyển đổi sang giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, tại báo cáo về cân đối cung cầu điện, Bộ Công thương cho biết tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện 4 năm lại đây đã sụt giảm còn 8%/năm, thua xa con số 13%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (còn bình quân 5%/năm so với 15% của giai đoạn trước) và nhiệt điện than (còn bình quân 10%/ năm so với mức 27% trước đó). Nguyên do là thủy điện đã khai thác hầu hết tiềm năng; nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng. Nhiệt điện khí và dầu hầu như không phát triển mới trong suốt giai đoạn 2011 - 2019.
Đối với thị trường khí, giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 duy trì mô hình thị trường khí như hiện tại đối với việc cạnh tranh khâu khai thác và nhập khẩu khí tự nhiên (bằng đường ống) với một đầu mối thu mua tại thượng nguồn đối với mỗi hệ thống khai thác, phân phối khí (trừ các dự án được Chính phủ phê duyệt cơ chế khác trong hợp đồng mua bán khí); cạnh tranh kinh doanh nhập khẩu và phân phối trên thị trường nội địa (không dùng đường ống) đối với LPG, CNG. Cho phép các nhà thầu, chủ đầu tư của dự án khai thác khí mới lựa chọn đàm phán bán khí trực tiếp đến các loại hộ tiêu thụ hoặc bán buôn cho PVN/PVGas.
Triển khai vận hành mô hình kinh doanh mới đối với các dự án LNG nhập khẩu (các thành phần tham gia nhập khẩu LNG bán khí trực tiếp đến các khách hàng)…
Thị trường than, giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 duy trì mô hình các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc khai thác, sản xuất, kinh doanh than trong nước; tăng cường thu hút các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh than, đặc biệt là nhập khẩu than; duy trì mô hình cấp than cho các hộ tiêu thụ như hiện nay.
Với thị trường điện, giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 củng cố, hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh; triển khai xây dựng và đưa vào vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo tiến độ quy định tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam.
Để đạt được những định hướng trên, Đề án đưa ra những giải pháp tổng quát về: Tổ chức, quản lý đối với ngành năng lượng; quy hoạch phát triển ngành năng lượng; giá năng lượng…
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch điện VIII: Tạo liên kết và hướng tới thị trường điện cạnh tranh
11:00, 28/09/2020
LỘ TRÌNH NÀO CHO GIÁ ĐIỆN CẠNH TRANH: Gỡ "nút thắt" phát triển
11:39, 17/07/2020
LỘ TRÌNH NÀO CHO GIÁ ĐIỆN CẠNH TRANH: Biểu giá điện và chuyện kinh tế giá
04:50, 17/07/2020
LỘ TRÌNH NÀO CHO GIÁ ĐIỆN CẠNH TRANH?: Lộ trình cụ thể áp dụng biểu giá điện 2 thành phần
11:00, 16/07/2020
Tái cơ cấu EVN, hướng tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2021
23:40, 20/05/2019