PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế công nghiệp cho rằng khi xây dựng biểu giá điện cho đối tượng khách hàng cụ thể thường phải có các mục tiêu định giá.
LTS: Trong bối cảnh hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng đột biến, nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc gia tăng sử dụng điện còn do những bất cập của biểu giá điện bậc thang hiện hành. Bộ Công Thương đã công bố biểu giá điện bậc thang xuống 5 mức và đưa ra đề xuất “đồng giá” hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt.
PGS. TS BÙI XUÂN HỒI - Giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Quan trọng là phải làm rõ mục tiêu xây dựng lại biểu giá bán lẻ điện là gì? Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ích gì từ phương án biểu giá bán lẻ điện cải tiến?
- Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết đang nghiên cứu tính toán thêm phương án “một giá điện” để trình Chính phủ - nếu được thông qua thì sẽ có song song 2 cách tính giá điện để khách hàng có thêm lựa chọn. Dưới góc độ nghiên cứu của mình, ý kiến của ông về kế hoạch này của Bộ Công Thương?
Đến thời điểm này phương án đồng giá bên cạnh giá điện bậc thang để người tiêu dùng có thể lựa chọn mới chỉ nằm trong nghiên cứu của Bộ chứ chưa thành một đề xuất chính thức. Tuy vậy kế hoạch này của bộ Công Thương tôi cho rằng có ý tưởng xuất phát từ thực tế diễn ra trong thời gian qua khi biểu giá điện bậc thang được áp dụng.
Những ý kiến từ dư luận liên quan đến sai sót trong quá trình triển khai, rồi hóa đơn tiền điện tăng cao vào mùa hè do hiệu ứng bậc thang buộc các nhà quản lý phải suy nghĩ về các phương án giá điện mới. Ý tưởng một giá với kỳ vọng khắc phục được hai nhược điểm này của biểu giá bậc thang vì thế nó được đưa ra.
Tuy vậy dưới góc độ nghiên cứu của mình tôi cho rằng khi xây dựng biểu giá điện cho đối tượng khách hàng cụ thể thường phải có các mục tiêu định giá.
Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về xem xét đổi mới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng dùng vào mục đích sinh hoạt.
Phương án đồng giá có thể đơn giản trong áp dụng, sai sót trong đo đếm sẽ ít ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhưng các mục tiêu quan trong khác như chính sách xã hội, phản ánh chi phí cung ứng đặc biệt là với sản phẩm điện năng hay sử dụng hiệu quả tiết kiệm điện sẽ khó đạt được với phương án đồng giá.
- Đa số người dân sử dụng ít điện thì chắc có lẽ họ vẫn sẽ lựa chọn phương án biểu giá điện bậc thang. Tuy nhiên, đối với các hộ vốn dùng nhiều điện thì sao?
Nếu phương án tồn tại đồng thời 2 loại biểu giá được Chính phủ chấp thuận thì rất dễ dàng nhận ra các hộ tiêu dùng ít sẽ chọn biểu giá bậc thang, các hộ tiêu dùng điện nhiều đương nhiên sẽ lựa chọn phương án đồng giá để tránh hiệu ứng bậc thang làm tăng hóa đơn tiền điện của họ.
Tuy vậy, từ mức sản lượng nào trở lên lựa chọn phương án đồng giá sẽ tốt cho người tiêu dùng hoàn toàn phụ thuộc vào mức đồng giá được xây dựng, mức đồng giá cao, sản lượng tiêu dùng cũng phải càng lớn thì lựa chọn này mới hiệu quả và ngược lại. Nếu như đưa ra 2 loại biểu giá mà cả người tiêu dùng ít cũng có lợi, người tiêu dùng nhiều cũng có lợi do có sự lựa chọn thì chắc chắn rằng cân bằng tài chính của EVN sẽ gặp vấn đề. Vì vậy, về mặt nguyên lý đồng giá rất đơn giản, nhưng là bao nhiêu, cơ chế áp dụng như thế nào là một vấn đề bộ cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm hài hòa lợi ích hộ tiêu dùng và cân bằng tài chính cho ngành điện.
- Nhưng nếu người tiêu dùng lại “lách” biểu giá thì sao, thưa ông?
Xin lưu ý rằng nếu quyết tâm triển khai thì đây là đề xuất 1 loại biểu giá hoàn toàn mới chứ không phải là cải tiến biểu giá đã sẵn có. Vì vậy ngoài mức giá đề xuất là bao nhiêu thì đi kèm với nó phải là toàn bộ hành lang pháp lý liên quan đến việc tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, hành lang pháp lý quyết định sự linh hoạt trong lựa chọn của người tiêu dùng. Bộ cần có các nghiên cứu toàn diện, đưa ra các kịch bản áp dụng đồng thời hai loại biểu giá để các mục tiêu lợi ích của người tiêu dùng và cân bằng tài chính cho doanh nghiệp điện lực được đảm bảo hài hòa.
- Như ông nói, việc đưa ra phương án “một giá điện” - thì cụ thể là giá bao nhiêu, như thế nào - hay như ông gọi là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng?
Việc mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng bằng các biểu giá phù hợp được nhiều nước áp dụng nhưng đều dựa trên nguyên tắc phản ánh sát thực nhất chi phí mà hộ tiêu dùng gây ra cho hệ thống điện.
Nói cách khác họ đưa ra các gói sản phẩm với biểu giá khác nhau tương ứng với từng đặc điểm tiêu dùng của hộ tiêu dùng điện vì thế mở rộng lựa chọn cho người tiêu dùng là phù hợp nhìn nhận cả 2 phía: sản xuất và hộ tiêu dùng. Còn phương án giá điện bậc thang song song với đồng giá để người tiêu dùng lựa chọn tôi cho rằng điều này không cùng cách tiếp cận như các nước thường làm.
Như tôi đã đề cập ở trên, ý tưởng này được đưa ra có lẽ phần nhiều đến từ những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai giá điện bậc thang vào mùa hè, vấn đề mà từ 3-4 năm nay năm nào chúng ta cũng gặp phải. Với những đặc trưng kinh tế kỹ thuật vô cùng khác biệt của ngành điện và sản phẩm điện năng, giá điện đồng giá thực chất là sự cào bằng chi phí là một phương án rất ít được lựa chọn khi nó không đặt được các mục tiêu định giá ngoại trừ việc áp dụng là đơn giản.
- Đa số các chuyên gia đều khẳng định việc nhiều nước áp dụng biểu giá điện bậc thang để khuyến khích sử dụng điện hiệu quả... Vậy theo ông, cơ quan quản lý Nhà nước cần làm gì để đạt được mục tiêu này?
Với công sở thì cần xây dựng các chế tài nhằm vào ý thức người sử dụng các thiết bị điện, hướng họ có trách nhiệm hơn, ý thức hơn để tiêu dùng tiết kiệm điện. Với các hộ gia đình, công cụ hữu hiệu nhất chính cơ chế chính sách và hệ thống biểu giá điện. Về điểm này giá bậc thang ưu việt hơn hẳn phương án đồng giá trong mục tiêu sử dụng hiệu quả tiết kiệm điện năng vì càng gia tăng tiêu dùng họ càng phải trả giá cao.
Nếu phương án đồng giá, tiêu dùng điện gấp đôi thì hóa đơn tăng gấp đôi, nhưng giá bậc thang tiêu dùng tăng gấp đôi thì hóa đơn tiền điện tăng nhiều hơn thế. Hiệu ứng giá buộc họ phải có ý thức tiết kiệm điện. Ngoài ra nhiều nước còn ban hành các loại biểu giá đặc biệt, như biểu giá khuyến khích xóa đỉnh của phụ tải, hay ưu đãi tiêu dùng vào giờ thấp điểm. Tất cả các công cụ đó cần được nghiên cứu và vận dụng để đạt được các mục tiêu về sử dụng hiệu quả tiết kiệm điện mà chính phủ đề ra.
- Có ý kiến cho rằng, chính sách giá điện hiện nay nhà nước đang độc quyền về giá. Vì vậy Bộ Công Thương cần truyền thông tốt hơn về chính sách này?
Tôi nghĩ hạ tầng kỹ thuật của ngành điện đã tốt hơn rất nhiều, điều đó có nghĩa là chúng ta đã có thể áp dụng các loại biểu giá phù hợp hơn, ưu việt hơn các biểu giá chỉ có 1 thành phần điện năng như hiện nay.
Tuy nhiên, sự chấp nhận một biểu giá mới là không hề dễ dàng đối với người tiêu dùng, vì vậy Chính phủ, bộ cần có một lộ trình cụ thể để có những thay đổi mang tính đột phá về xây dựng và áp dụng biểu giá điện mới mà cụ thể đó là các loại biểu giá 2 thành phần. Vì cứ loay hoay với các cải tiến bậc thang 3 bậc, 4 bậc, 5 bậc hay đồng giá không làm thay đổi được những hạn chế của giá điện 1 thành phần và cứ đến mùa hè, vấn đề giá điện lại nóng dần theo nhiệt độ của thời tiết như chúng ta đã quan sát trong nhiều năm qua.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm