Giá điện cần chính sách điều hành theo cơ chế thị trường

PHƯƠNG THANH 18/09/2023 11:00

Cách tính giá điện thế nào để vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người tiêu dùng, các ngành nghề kinh tế khác.

 >>Đảm bảo khách quan khung giá điện

Để tìm hiểu nguyên nhân tăng giá điện và lộ trình thực hiện tăng giá hợp lý, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi với PSG.TS Trần Văn Bình -Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội xung quanh vấn đề này.

PSG.TS Trần Văn Bình -Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội

PSG.TS Trần Văn Bình -Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội

-Thưa PGS được biết Bộ Công Thương trình dự thảo mới thay thể Quyết định số 24/2017/QĐ-TTgcủa Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, có chuyển khoản lỗ của EVN vào giá điện. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Mặc dù Việt Nam đã triển khai thí điểm phát triển thị trường điện nhưng có thể nói cách thức điều hành của Bộ Công Thương thời gian qua hoàn toàn phi thị trường. Quyết định 24/2017 quy định khi giá các loại nhiên liệu đầu vào dùng cho sản xuất điện tăng thì ngành điện có thể xem xét tăng giá bán. Chu kỳ điều chỉnh là 6 tháng 1 lần.

Tuy nhiên quy định là vậy nhưng thực tế điều hành lại hoàn toàn khác. Trong khoảng thời gian 4 năm (2019 – 2023) thế giới có rất nhiều biến động, giá nhiên liệu đầu vào tăng vọt. Có thời điểm giá than cho sản xuất điện tăng trên 200% nhưng giá điện của Việt Nam không được phép tăng. Mãi đến 2023 giá bán điện bình quân mới điều chỉnh tăng 3%.

Một yếu tố khác gây thua lỗ cho ngành điện là chương trình khuyến khích phát triển các dự án điện tái tạo. Với giá ưu đãi FIT = 9.35 cents USD/kWh kèm cam kết mua trong vòng 20 năm, Việt Nam đã trở thành điểm sáng của thế giới về phát triển các dự án điện tái tạo. Phát triển quá nhanh, phá vở quy hoạch dẫn tới tình trạng tắc nghẽn hệ thống truyền tải điện, khiến các dự án điện mặt trời, điện gió phải cắt giảm công suất phát gây lãng phí tài nguyên xã hội.

Đứng ở góc độ kinh doanh, EVN phải mua điện với giá 9.35 cents/kWh = 2200 đ/kWh nhưng bán ra chỉ với giá bình quân 1864 đ/kWh. Có nghĩa rằng cứ mỗi kWh điện tái tạo phải mua theo cam kết của chính phủ với nhà đầu tư EVN lỗ trên 300 đ.

Thế nhưng mỗi lần EVN trình đề án tăng giá điện đều khiến dư luận dậy sóng và chỉ trích EVN độc quyền. Tôi cho rằng không đúng. EVN làm gì có quyền quyết định trong việc mua bán điện.

Cũng cần phải nói thêm rằng từ những năm 2000 khi chính phủ bảo lãnh cho EVN vay vốn của các tổ chức quốc tế để xây dựng các nhà máy điện họ đã khuyến cáo Việt Nam phải có lộ trình tăng giá điện lên 10 cents USD/kWh nếu không EVN sẽ không có tiền để trả nợ. Nhưng hiện tại giá điện của chúng ta mới ở mức 8.3 cents/kWh. Giai đoạn hiện nay EVN bắt đầu phải trả nợ cho các khoản vay trước đây mà tình hình tài chính hiện nay thì EVN lấy đâu ra tiền để trả nợ nên phương án  chuyển lỗ vào giá điện là hợp lý, nhưng cần có lộ trình cụ thể tránh tăng sốc ảnh hưởng đến giá các mặt hàng dịch vụ khác và người tiêu dùng.

- Theo PGS để lộ trình tăng giá điện hợp lý chúng ta cần có những giải pháp nào?

>>Đề xuất đưa khoản lỗ của EVN vào giá điện: Chuyên gia nói gì?

Qua những lần tăng giá điện, một số ý kiến cho rằng thu nhập của người Việt thấp nên giá điện phải thấp là lập luận hoàn toàn sai. Giá bán điện phải được xây dựng trên cơ sở giá thành sản xuất. Chuyên gia quốc tế họ đưa ra khuyến cáo 10 cents/kWh là họ căn cứ vào từng loại nhà máy, nhiên liệu sử dụng, mức công suất đầu tư để ước tính giá thành sản xuất 1 kWh điện và phải bán giá 10 cents thì mới có lãi.

Mặt trái của giá điện thấp là các doanh nghiệp Việt ỷ lại, không có các chính sách quyết liệt cho đổi mới công nghệ, cho tiết kiệm điện. Hậu quả là mức tiêu thụ điện của các doanh nghiệp Việt cao hơn từ 3 – 4 lần so với mức của các nước trên thế giới. Theo Văn phòng tiết kiệm năng lượng quốc gia thì tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam có ngành chỉ lên đến 20 – 30%. Ngành điện khó khăn thì an ninh năng lượng quốc gia bị đe dọa. Do đó đừng để thiếu điện, tình hình thiếu điện như trong 2 tháng 6 & 7 vừa rồi là hồi chuông cảnh báo. Đặc biệt ngành điện đừng để bị "dồn lỗ" quá lớn, phải bù lỗ và tạo gánh nặng về giá điện cho người dân.

Với thị trường chưa vận hành đầy đủ, chưa đảm bảo tính cạnh tranh và độc quyền như ngành điện, Nhà nước cần có vai trò quản lý giá, tránh để đưa ra quyết định, khiến người dân nghi ngại về tính không đảm bảo khả thi và minh bạch.

- Cần bài toán nào để giá bán điện được tính đúng, tính đủ xác định theo cơ chế thị trường thưa PGS?

Tôi cho rằng nếu vẫn giữ cách điều hành thị trường điện như từ trước tới nay thì hệ thống điện quốc gia sẽ lâm nguy. Quy hoạch điện VIII cần mỗi năm khoảng 13 tỷ USD cho phát triển thì ngành điện lấy tiền ở đâu ra mà đầu tư? Giá bán điện phải đảm bảo cho các dự án điện có lãi thì mới thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Khoản lỗ của EVN có thể một phần do quản lý yếu kém, nhưng chủ yếu là do chi phí sản xuất tăng do giá nhiên liệu đầu vào tăng.

Để giải quyết khoản lỗ hiện nay theo tôi, cần trả giá điện tăng về đúng giá trị thật của nó (tăng giá). Một số doanh nghiệp và người dân sẽ gặp khó khăn và sẽ cần Nhà nước có bài toán trợ cấp trực tiếp cho họ. Tất nhiên không thể trợ cấp mãi mà toàn xã hội phải học cách tiết kiệm, học cách cân đối nguồn ngân sách của gia đình để trả hóa đơn tiền điện. Giá nhiên liệu tăng tác động đến toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam.

Một khi quyết định mới được ban hành thì Chính phủ, Bộ Công Thương hãy dũng cảm thực hiện nó chứ đừng điều hành kiểu dân túy như thời gian vừa qua. Bởi an ninh năng lượng đang là thách thức cho chặng đường phát triển của Việt Nam trong thực tại và dài hạn. Nguồn năng lượng đang dần cạn kiệt, chi phí sản xuất năng lượng chỉ có thể tăng chứ không thể trông mong nó giảm. Do đó người dân và doanh nghiệp cần luôn tâm niệm phải tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm hơn nữa.

Về lộ trình cần thực hiện, cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW  ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Sớm thúc đẩy xây dựng, phát triển thị trường năng lượng/điện đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả,

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý ban hành thí điểm, tiến tới cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh. Nghiên cứu xây dựng quy định luật hóa đối với các hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA). Cho phép phát triển các nhà máy điện sản xuất tại chỗ, tự sản tự tiêu trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất; hoàn thiện cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp với các dự án đầu tư năng lượng tái tạo và minh bạch giá mua bán điện. Tiếp tục hoàn thiện chính sách điều hành giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội. 

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần?

    Vì sao Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần?

    21:23, 05/08/2023

  • Kiến nghị tăng giá điện lần 2: Chưa… phù hợp

    Kiến nghị tăng giá điện lần 2: Chưa… phù hợp

    04:00, 02/08/2023

  • Huy động vốn vào năng lượng tái tạo: Nhà đầu tư mong ổn định chính sách

    Huy động vốn vào năng lượng tái tạo: Nhà đầu tư mong ổn định chính sách

    00:30, 15/09/2023

  • Bình Thuận: Đề xuất gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

    Bình Thuận: Đề xuất gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

    04:00, 15/08/2023

  • Cần có cơ quan đánh giá giá nhiên liệu độc lập ngoài EVN

    Cần có cơ quan đánh giá giá nhiên liệu độc lập ngoài EVN

    04:00, 22/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá điện cần chính sách điều hành theo cơ chế thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO