Cần sớm thành lập sàn giao dịch, phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam để đảm bảo lợi ích quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đó là kiến nghị của các doanh nghiệp và giới luật gia trước áp lực thực hiện lộ trình tín chỉ carbon của Việt Nam trong quá trình hội nhập toàn cầu.
Ông Nguyễn Quốc Huy – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Điện Huy Hoàng chia sẻ, việc thành lập sàn giao dịch và phát triển thị trường tín chỉ carbon cần đi trước một bước để bảo đảm lợi ích quốc gia, doanh nghiệp, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là việc làm hết sức cần thiết trong lúc này.
Song, theo ông Huy, để hướng tới phát triển thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững rất cần những chính sách đặc thù, xuyên suốt lộ trình, đặc biệt là quá trình xây dựng xây dựng các quy chế nhằm phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển của quốc gia.
“Bảo đảm thị trường tín chỉ carbon trong nước hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế; hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường tín chỉ carbon, tăng sức cạnh tranh của quốc gia theo hướng phát triển kinh tế phát thải ít carbon và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững”, ông Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Huy, trong quá trình xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia cũng cần xác định rõ chủ thể tham gia thị trường, như: các cơ sở thuộc danh mục, lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; các tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon; các tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon theo quy định của pháp luật; các tổ chức hỗ trợ giao dịch.
"Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cũng cần xác định mục tiêu ngay từ ban đầu để khi phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đảm bảo được mục tiêu mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu", ông Nguyễn Quốc Huy kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Lật - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Lộc Kim Chi, cho rằng hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu rất lo lắng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công cơ khí, chế tạo, công nghiệp… trong đó có các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến thuỷ sản. Do đó, để doanh nghiệp Việt Nam không bị thua thiệt, bị đánh phí môi trường khi xuất khẩu hàng hoá sang nước ngoài thì việc sớm thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia trong lúc này là hết sức cần thiết.
Cũng theo Trần Văn Lật, để chủ động cho lộ trình tín chỉ carbon, hiện nhiều doanh nghiệp đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc trồng cây xanh và lắp điện mặt trời mái nhà để đảm bảo 2 mục tiêu là: sản xuất điện để phục vụ cho chính doanh nghiệp và giảm thiểu phát thải khí CO2. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định về lắp điện mặt trời mái đối với các doanh nghiệp còn chung chung và chưa có quy chế rõ ràng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu rất lo lắng.
“Tín chỉ carbon là chứng chỉ hoặc giấy phép có thể sử dụng cho mục đích mua bán, cung cấp cho người giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon hoặc các loại khí nhà kính khác có lượng phát thải tương đương. Tín chỉ carbon được tạo ra nhằm mục đích giảm lượng khí nhà kính từ các hoạt động công nghiệp, giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Do đó, nếu Chính phủ không sớm thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia để hỗ trợ và cấp tín chỉ carbon cho doanh nghiệp chắc chắn hàng hoá của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn và khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung”, ông Trần Văn Lật nói.
Theo ông Trần Văn Lật, hiện nay có 4 đối tượng tham gia chủ yếu trên các sàn giao dịch tín chỉ carbon, gồm: các nhà phát triển dự án; các cơ quan tiêu chuẩn; người môi giới và người mua cuối cùng (doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh). Song, mấu chốt quan trọng là phải có sàn giao dịch tín chỉ carbon để doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon, bù đắp lượng khí thải đã phát thải ra môi trường để hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Phân tích về những ưu điểm khi Việt Nam thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia, Luật sư Nguyễn Tiến Lực - Giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cho rằng: căn cứ theo khoản 12 Điều 3 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về sàn giao dịch tín chỉ carbon được hiểu đây chính là trung tâm xử lý giao dịch mua – bán tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, đấu giá, vay/mượn, nộp trả hoặc chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Do đó, sở dĩ vì sao phải sớm thành lập sàn giao dịch, Luật sư Nguyễn Tiến Lực cho rằng, theo quy định thì sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý các giao dịch mua, bán tín chỉ và từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, quản lý cũng như đề ra mục tiêu, kế hoạch triển khai các dự án giảm phát thải khí nhà kính.
“Khi thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp phát triển theo hướng kinh tế xanh, bền vững. Mặt khác, khi giao dịch mua bán tín chỉ carbon tại sàn giao dịch sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm một phần lợi nhuận, khuyến khích doanh nghiệp giảm lượng phát thải và không ngừng đổi mới. về công nghệ. Qua đó, từng bước đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới Net Zero”, Luật sư Nguyễn Tiến Lực nhấn mạnh.