Kinh tế

Lộ trình tín chỉ carbon: Nên bắt đầu từ các khu, cụm công nghiệp

Hương Giang 09/09/2024 03:50

Chủ động thực hiện lộ trình tín chỉ carbon cần bắt đầu từ các khu, cụm công nghiệp để chuyển dịch kinh tế theo hướng tuần hoàn, đồng thời, giải quyết những áp lực do mô hình kinh tế tuyến tính gây ra.

KCN CNC TP HCM
Việc chuyển đổi năng lượng để giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính ở các KCN là rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Theo TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TPHCM, từ nay đến năm 2028, Việt Nam sẽ phải thực hiện theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Phát triển công nghiệp xanh, bền vững

Trong đó, về lộ trình thị trường carbon sẽ được thực hiện bao gồm 2 giai đoạn. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, giai đoạn đến hết năm 2027 Việt Nam sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon. Đây cũng là giai đoạn triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

Giai đoạn 2, thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Như vậy, từ năm 2028, nước ta sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon và quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Do đó, để chủ động cho lộ trình tín chỉ carbon, Việt Nam nên bắt đầu thực hiện từ các khu, cụm công nghiệp để làm nền tảng, định hướng cho một kế hoạch dài hơi.

Cũng theo ông TS Phạm Viết Thuận, sở dĩ phải thực hiện ngay từ các khu, cụm công nghiệp vì đây là khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp hoạt động liên quan tới công nghiệp chế tạo, chế biến và phát thải nhiều khí CO2 ra môi trường. Trong khi đó, vấn đề hạn chế về mảng xanh, giảm phát thải khí nhà kính bù đắp cho vấn đề này lại không có để bù đắp. Mặt khác, chiếu theo thông lệ quốc tế, đặc biệt tại Hội nghị COP26 (tháng 11/2021) Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, thì việc thực hiện lộ trình tín chỉ carbon bắt đầu từ các khu, cụm công nghiệp để thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học... là cần thiết.

“Việt Nam là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU. Dù hiện tại phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không thuộc các nhóm này, nhưng phạm vi có thể sẽ mở rộng và bao gồm nhiều sản phẩm hơn trong tương lai. Vì vậy, việc áp dụng lộ trình tín chỉ carbon bắt đầu từ các khu, cụm công nghiệp để chuyển đổi năng lượng, sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn, góp phần cho sự phát triển vền vững của nền công nghiệp Việt Nam”, TS Phạm Viết Thuận nhấn mạnh.
Giúp doanh nghiệp có lợi thế khi xuất khẩu

Đồng quan điểm, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec cho rằng, năng lượng tái tạo sẽ đem lại giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp. Do đó, Việt Nam cần sớm hình thành thị trường tín chỉ carbon vì khi có thị trường này, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đã trả phí carbon tại Việt Nam, do đó, nếu xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ được khấu trừ. Ngược lại, nếu thị trường tín chỉ carbon vận hành muộn, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ bị thua thiệt.

Song, để chủ động cho lộ trình tín chỉ carbon, bên cạnh các vấn đề về khung pháp lý và cách vận hành thị trường tín chỉ carbon, thì nhân lực trong ngành này cũng sẽ là vấn đề cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ.

“Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm hình thành một sàn giao dịch tín chỉ carbon. Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là đào tạo một lực lượng môi giới chuyên nghiệp để tham gia thị trường mua bán carbon. Bởi, mục tiêu của thị trường tín chỉ carbon là tạo ra kênh tài chính mới bổ sung cho việc thực hiện cam kết giảm phát thải và giúp doanh nghiệp có lợi thế khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu”, ông Phạm Hồng Điệp nêu.

Nhận định về sự cần thiết thực hiện lộ trình tín chỉ carbon, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương, cho biết: Hiện nay, Bộ đang nghiên cứu đề xuất các nội dung sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu xây dựng đề án trình Chính phủ phê duyệt cơ chế mua bán điện giữa các nguồn điện mặt trời trên mái nhà theo hướng tự sản tự tiêu. Do đó, để việc chuyển đổi năng lượng đạt được hiệu quả bền vững thì cần phải đáp ứng nhiều yếu tố, như: xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về sử dụng năng lượng tái tạo, thu hút các nguồn lực từ khu vực công và tư nhân vào chuyển đổi năng lượng; phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và áp dụng các công nghệ mới giúp nâng cao hiệu quả và giảm thiểu chi phí.

“Để thúc đẩy kinh tế xanh, tuần hoàn trong các khu, cụm công nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững thì việc chuyển đổi năng lượng để giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường là rất cần trong bối cảnh hiện nay. Bởi, tín chỉ carbon đóng vai trò then chốt trong mọi lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế”, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lộ trình tín chỉ carbon: Nên bắt đầu từ các khu, cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO