Nhu cầu về tín chỉ carbon dự kiến sẽ tăng trước áp lực pháp lý phải tuân thủ các cam kết về khí hậu. Thị trường carbon của Việt Nam có thể được hưởng lợi mang lại cơ hội đầu tư sinh lời vào các dự án tín chỉ carbon.
Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết hành động vì khí hậu thông qua các chính sách và sáng kiến hỗ trợ phát triển thị trường carbon, tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, bao gồm các ưu đãi về tài chính và khuôn khổ pháp lý như Luật Môi trường năm 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Việt Nam cũng đưa ra các phương án giảm phát thải với chi phí tương đối thấp so với các nước phát triển. Các nhà đầu tư có thể được ưu đãi với dự án carbon đầu tư vào hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo và thực hành nông nghiệp bền vững.
Ngoài ra, với các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cho phép nhà đầu tư có thể phát triển các dự án trồng rừng, tái trồng rừng và carbon xanh để tạo ra tín chỉ carbon. Các dự án phục hồi rừng ngập mặn ở Việt Nam có thể hấp thụ lượng carbon đáng kể cũng như nhiều lợi ích bổ sung như bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ bờ biển.
Hiện nay, nguồn tài trợ quốc tế và quan hệ đối tác với các tổ chức toàn cầu tập trung vào giảm nhẹ biến đổi khí hậu, các nhà đầu tư có thể tận dụng để tiếp cận chuyên môn kỹ thuật, nguồn tài chính… hỗ trợ cho các dự án carbon.
Đặc biệt, cơ chế tài chính xanh đã được tích hợp để hỗ trợ phát triển bền vững, nhà đầu tư có thể tận dụng trái phiếu xanh, sáng kiến tài chính khí hậu và các công cụ tài chính khác nhằm tài trợ cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính hoặc phát hành trái phiếu xanh tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo có thể thu hút các nguồn vốn hướng tới trách nhiệm xã hội, đang tìm kiếm cơ hội đầu tư bền vững.
Hiệu quả của các dự án giảm lượng carbon hiện được nâng cao rất nhiều nhờ việc ứng dụng tiến bộ của công nghệ. Chẳng hạn, giám sát bằng vệ tinh cho các dự án lâm nghiệp hoặc hệ thống quản lý năng lượng do AI điều khiển, có thể nâng cao kết quả của dự án và tạo ra tín chỉ carbon; sử dụng máy bay không người lái giám sát rừng có thể cung cấp dữ liệu chính xác về tỷ lệ hấp thụ carbon, cải thiện quy trình xác minh tín chỉ carbon rừng.
Trước xu thế chú trọng xây dựng năng lực và áp dụng tri thức bản địa vào cơ chế thị trường carbon, các nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ việc đầu tư vào các chương trình đào tạo, sáng kiến xây dựng năng lực nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức địa phương đảm bảo tính bền vững, khả năng mở rộng dự án. Cơ hội cũng có thể đến từ việc hợp tác với các trường đại học và tổ chức nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo chuyên ngành.
Thị trường carbon ở Việt Nam đang phát triển, đi kèm với nhiều cơ hội là thách thức lớn. Trước hết, những thay đổi tiềm tàng về chính sách và quy định ảnh hưởng đến sự ổn định và khả năng dự báo của thị trường cũng như tính khả thi, lợi nhuận của các dự án carbon.
Các yếu tố liên quan đến kỹ thuật là thách thức lớn.
Cụ thể, việc đảm bảo quy trình đo lường, báo cáo và xác minh (MRV) chính xác về mức giảm phát thải là rất quan trọng cho độ tin cậy của tín chỉ carbon. Sự hạn chế về chuyên môn, chuyên gia, phương tiện, công cụ cho MRV có thể cản trở việc phát triển và xác nhận các dự án giảm carbon. Các quy trình MRV không chính xác hoặc không nhất quán có thể dẫn đến tranh chấp về tính hợp lệ của tín chỉ carbon, ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường.
Nhà đầu tư có thể gặp tình huống khó liên thông các chương trình khác nhau và đảm bảo tính tương thích của tín chỉ trên nhiều thị trường khác nhau. Sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn tín chỉ carbon quốc gia và quốc tế có thể làm phức tạp giao dịch và hạn chế tính thanh khoản của thị trường.
Trong khi đó, các dự án bù trừ carbon có thể phải đối mặt với những rủi ro về ESG, đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận và quản lý liên tục để đảm bảo các dự án mang lại mức giảm phát thải như mong đợi.
Dự án tái trồng rừng có thể gặp phải những thách thức như tranh chấp quyền sử dụng đất, sự phản đối của cộng đồng hoặc thiên tai. Các nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị cho những biến động tiềm ẩn về giá tín chỉ carbon và điều kiện thị trường. Suy thoái kinh tế hoặc thay đổi về giá năng lượng có thể ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của các khoản đầu tư bù trừ carbon.
Một khó khăn khác khi cơ sở hạ tầng kinh doanh tín chỉ carbon ở Việt Nam đang phát triển, nhà đầu tư có thể gặp khó tiếp cận các nền tảng thị trường và dịch vụ đáng tin cậy để mua bán tín chỉ carbon. Hiện tại, việc thiếu cơ chế trao đổi carbon quốc gia hiệu quả có thể hạn chế tính thanh khoản của thị trường và tăng chi phí giao dịch.
Các nhà đầu tư cần lưu tâm đến yêu cầu pháp lý và hợp đồng của các dự án carbon có thể phức tạp; sự hạn chế về dữ liệu minh bạch, chất lượng cao có thể cản trở việc giám sát và đánh giá các dự án carbon.
Đặc biệt, cần có các giải pháp tài chính sáng tạo hỗ trợ phát triển và nhân rộng các dự án carbon, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có thể thành lập các quỹ tài chính khí hậu chuyên dụng hoặc tận dụng quan hệ đối tác công tư (PPP) để huy động vốn cho các sáng kiến giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Bằng cách hiểu rõ những cơ hội và thách thức này, các nhà đầu tư có thể vững tay lái hơn trong sự phức tạp của thị trường carbon tại Việt Nam, giảm thiểu rủi ro và tận dụng lợi ích tiềm năng để đầu tư bền vững và sinh lời.