Tham vọng đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam kết nối sâu rộng với thị trường thế giới, thế nhưng, kết quả kinh doanh đang đi xuống khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi, Lộc Trời sẽ hiện thực hóa bằng cách nào?
Lộc Trời là công ty nhiều năm qua theo đuổi xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng cao tại thị trường nội địa và quốc tế.
Tham vọng lớn
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu COVID-19 gây xáo trộn một cách nghiêm trọng đến các nền kinh tế, Lộc Trời vẫn giữ vững hoạt động kinh doanh, đồng thời chuyển đổi các hoạt động cốt lõi để từng bước tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Với những thay đổi này, Lộc Trời đã đặt tham vọng trở thành tập đoàn tỷ đô vào năm 2024.
Để thực hiện tham vọng này, Lộc trời đã có sự đầu tư mạnh mẽ về đội ngũ lãnh đạo. Cụ thể, tại Đại hội cổ đông diễn ra mới đây, Tập đoàn đã bầu bổ sung tiến sĩ Philipp Rösler, cựu phó phủ tướng Đức vào vị trí thành viên hội đồng quản trị độc lập. Ông Rösler cho biết việc tham gia HĐQT theo lời mời của tập đoàn. Ông đánh giá chiến lược của Lộc Trời phù hợp với xu hướng nền nông nghiệp hiện đại thế giới và "sẽ đóng góp tích cực cho sự thành công của Lộc Trời trong lĩnh vực rất quan trọng là nông nghiệp."
Đại hội cũng thông qua việc bổ nhiệm tân tổng giám đốc cho ông Nguyễn Duy Thuận, thay vị trí ông Huỳnh Văn Thòn - người đã 16 năm kiêm nhiệm chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc công ty. Theo đó, ông Thòn tiếp tục giữ vị trí chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn.
Sự thay đổi về nhân sự này theo ông Thòn, việc tìm kiếm và chuyển giao công việc điều hành đã được thực hiện nhiều năm qua nhằm chuẩn bị cho nhân sự kế thừa.
Không chỉ đầu tư cho nhân sự, Lộc Trời cũng "chi mạnh" cho dự án quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) ứng dụng giải pháp S/4HANA của hãng SAP.
Việc triển khai ERP được công ty công bố nằm trong chiến lược trở thành tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu khu vực về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và trở thành công ty tỉ đô vào năm 2024.
Theo đại diện Lộc Trời, tổng ngân sách cho dự án khoảng 4 triệu USD và công ty công nghệ Citek là đối tác triển khai. Dự án bao gồm hai giai đoạn, dự kiến hoàn tất để đưa vào vận hành trên toàn hệ thống từ tháng 10.2021.
“Triển khai ERP là một trong những dự án quan trọng trong mục tiêu chuyển đổi số và hoàn thiện chương trình tái cấu trúc toàn diện của tập đoàn,” ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Lộc Trời cho biết.
Theo ông Thòn, việc phát triển ở thời điểm nền kinh tế đang chịu tác động lớn từ dịch COVID-19, là cơ hội để thay đổi, thích nghi với những điều kiện mới mà trong đó ứng dụng công nghệ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn và cải thiện hiệu quả công việc.
Với định hướng trở thành công ty dịch vụ nông nghiệp và đầu tư phát triển toàn diện các khâu cung cấp dịch vụ nông nghiệp, trong thời gian qua, tập đoàn Lộc Trời đã tiến hành tái cấu trúc toàn diện và chuyên môn hóa các đơn vị kinh doanh theo 4 ngành gồm dịch vụ nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, lương thực, sản xuất và kho vận.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, đơn vị chuyển sang làm dịch vụ để tránh những khó khăn mà doanh nghiệp nông nghiệp phải đối mặt như dịch bệnh, thời tiết… Tuy nhiên, việc giành thời gian để tái cấu trúc khiến tập đoàn phải trả giá là tình hình kinh doanh chững lại trong 6 tháng cuối năm 2019 khi các bộ phận chưa khớp, chưa vận hành trơn tru.
Kế hoạch không dễ
Lộc Trời là một trong những tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam kinh doanh trên ba lĩnh vực chính về giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và sản xuất lúa gạo.
Với những động thái trên, rõ ràng, Tập đoàn Lộc Trời tham vọng đưa nông sản Việt ra thế giới bằng cách riêng. Thế nhưng, kết quả kinh doanh của Lộc Trời lại khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.
Năm 2019, Lộc Trời đạt doanh thu thuần gần 8.310 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 334,5 tỷ đồng, giảm 19%.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản Công ty đạt hơn 6.526 tỷ đồng, giảm hơn 15% đầu năm, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn hơn 2.118 tỷ đồng, hàng tồn kho gần 2.511 tỷ đồng, cùng giảm hơn 18%.
Nợ ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đạt gần 60% tổng nguồn vốn (trong khi năm trước đạt hơn 65%), trong đó vay ngắn hạn gần 1.970 tỷ đồng, giảm 34,33% so với đầu năm. Trong khi đó, nợ dài hạn giảm mạnh 85,56%, với hơn 26 tỷ đồng do không còn ghi nhận khoản vay dài hạn 150 tỷ đồng (đến từ trái phiểu thưởng đáo hạn trả trong vòng 12 tháng).
Kết quả này tuy thấp hơn năm trước, song là một nỗ lực lớn bởi 2019 là năm khó khăn chung với các công ty nông nghiệp cả nước. Thị trường xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tiếp tục đà giảm mạnh từ năm 2018. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam có thời điểm chỉ 325 USD/tấn, chạm đáy 12 năm, theo Reuters.
Đà sụt giảm đã kéo sang kết quả kinh doanh quý I/2020 với doanh thu hơn 751 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.645,5 tỷ đồng của cùng kỳ 2019. Lợi nhuận gộp giảm 48%, đạt 178 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, LTG lỗ 37 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 58 tỷ đồng. Theo giải trình của LTG, do tình hình khó khăn chung của thị trường, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến doanh thu, nên lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm mạnh.
Trong thời gian tới, LTG sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, chuẩn hóa quy trình sản xuất, đặc biệt trong thu mua nguyên liệu đầu vào để quản lý hiệu quả hàng tồn kho; kiểm soát các tiêu chuẩn kỹ thuật thông qua tỷ lệ thu hồi (trong khâu sấy và xay xát), tiêu chuẩn hao hụt lưu kho; tối ưu hóa hiệu quả sử dụng thiết bị, thanh lý máy móc cũ, kém hiệu quả…
Báo cáo tại đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo tập đoàn chia sẻ nửa năm 2020 đã qua và có thể thấy đây là năm đầy thách thức đối với toàn bộ nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng. Ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo dài của dịch bệnh COVID-19, hạn chế giao thương và chỉ thị cách ly xã hội đã làm trì trệ mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ trong nước mà còn các hoạt động xuất nhập khẩu. Biến đổi khí hậu và tình trạng hạn mặn, cạn kiệt nguồn nước, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đặt ra nhiều khó khăn không chỉ với bà con nông dân mà cả Lộc Trời.
Tân Tổng giám đốc Nguyễn Duy Thuận cũng cho rằng, lợi nhuận Lộc Trời giảm trong nhiều năm gần đây kéo theo cổ tức giảm do thị trường thuốc bảo vệ thực vật bão hòa, nhiều năm không tăng trưởng. Khi thị trường giảm, các doanh nghiệp tìm cách đẩy hàng ra thị trường tạo ra cuộc cạnh tranh về giá, trong khi chi phí tăng cao dẫn đến lợi nhuận suy giảm.
Trong báo cáo của mình, ban lãnh đạo Lộc Trời thông tin hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, điều này khiến cho việc niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) không thuận lợi. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, cổ đông Lộc Trời đã thông qua kế hoạch niêm yết trên HOSE, nhưng từ đó đến nay đã hai năm vẫn chưa thể thực hiện. Do đó, ban lãnh đạo công ty trình cổ đông xem xét thông qua việc gia hạn và dự kiến hoàn tất niêm yết cổ phiếu trong năm 2022 và đã được thông qua.
Tham vọng đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam kết nối sâu rộng với thị trường thế giới khi đầu tư mạnh để phát triển thương hiệu lúa gạo, đầu tư dự án quản trị nguồn lực doanh nghiệp và đầu tư mạnh cho đội ngũ lãnh đạo, thế nhưng, kết quả kinh doanh đang đi xuống khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi, Lộc Trời lấy gì để đi xa?
Có thể bạn quan tâm