Trước hiện trạng thiếu điện cục bộ thời gian qua, để giải bài toán này, theo chuyên gia, phải thay đổi cách thức vận hành của các cơ chế chính sách và cách tiệm cận giải quyết vấn đề...
>> Thiếu điện… vì đâu?
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo cách đây vài năm và được nhắc nhiều hơn từ năm 2022, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Các tính toán đều chỉ ra rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2023-2024.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2022, miền Bắc tăng trưởng nhanh điện thương phẩm, cao hơn cả miền Trung và Nam, trung bình đạt 9,9%. Nếu loại trừ 2 năm COVID-19 thì miền Bắc tăng 12-13%.
Vừa qua, tại miền Bắc có một số dự án điện công suất lớn được đưa vào vận hành là nhà máy nhiệt điện Hải Dương, công suất 1.300 MW; Nghi Sơn 2 công suất 1.200 MW và nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 1.200 MW. Tuy nhiên, do Nhiệt điện Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành nên chỉ vận hành 600 MW. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, miền Bắc chưa có thêm dự án nguồn điện nào khởi công.
Ngoài ra, trước hàng loạt hồ thủy điện khác khu vực miền Bắc cũng đang ở mực nước chết. Cùng với suy giảm nguồn phát từ các nhà máy nhiệt điện gặp nhiều sự cố do phải vận hành tối đa công suất trong thời gian dài; việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào hiện gặp khó khăn (Trung Quốc cũng đối mặt tình trạng thiếu điện và phải tiết giảm công suất)… đang đặt ra nhiều thách thức trong cung ứng điện hiện nay.
Trước thực tế đã nêu, để giải bài toán thiếu điện, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ, bộ ngành cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được phê duyệt. Bởi đây là cơ sở pháp lý để thực hiện các dự án nguồn, lưới điện.
>> Quy hoạch điện VIII: Giải bài toán nỗi lo thiếu điện?
Theo TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, để khắc phục tình trạng thiếu điện, phải thay đổi cách thức vận hành của các cơ chế chính sách và cách tiệm cận giải quyết vấn đề đúng theo cơ chế thị trường. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, thật quyết liệt từ các cấp cao nhất, câu chuyện sẽ rất khó giải quyết. Cần nhìn nhận sự thiếu hụt về điện sẽ tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư chứ không phải là nút thắt như kìm hãm sự phát triển. Do đó, phải thay đổi từ cách làm chính sách.
“Phải làm sao để thị trường vận hành, không thể can thiệp bằng mệnh lệnh. Như vậy mới giải quyết được vấn đề. Với thiếu điện hiện tại, cần tập trung giải quyết. Như các nhà máy nào đang triển khai xây dựng, đầu tư, phải cấp tập hoàn thành sớm, càng sớm càng tốt”, TS.Nguyễn Đình Cung chia sẻ.
Vị chuyên gia này cũng gợi ý thêm, một yếu tố quan trọng trong giải bài toán thiếu điện chính là nếu tiếp tục để Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lỗ như hiện nay, duy trì mức giá bán điện thấp hơn giá mua thì ngân sách phải bù lỗ. Việc này phải nhìn nhận, đây không phải do kinh doanh yếu kém mà do chính sách tạo nên.
“Thực tế, trong những năm qua, EVN đã nỗ lực rất lớn trong cải thiện chỉ số tiết kiệm điện, từ đứng thứ bét bảng đã nhảy lên vị trí 25, nhảy hơn 100 bậc. Đó là sự cải thiện ngoạn mục, một trong những yếu tố cung cấp điện ổn định và được đánh giá cao. Theo đó, nếu EVN lỗ thì phải tăng giá để bù lỗ, nếu tiếp tục lỗ thì ngân sách phải bù khoản lỗ đó. Chúng ta phải sòng phẳng mới giải quyết được vấn đề nếu không sẽ loanh quanh không giải quyết được”, TS.Nguyễn Đình Cung bày tỏ.
Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, không còn cách nào khác, Chính phủ, bộ ngành cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện mới, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được phê duyệt. Bởi đây là cơ sở pháp lý để thực hiện các dự án nguồn, lưới điện được xây dựng từ năm 2019, cũng như bổ sung các dự án mới.
Bên cạnh đó, các bộ ngành cần sớm triển khai chính sách nhằm phá độc quyền trong ngành điện và để nhà đầu tư ngoài tham gia. Thực tế, cũng nhờ đa dạng hóa thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nên thời gian qua chúng ta đã phát triển được nhiều dự án, nhà máy sản xuất điện. Nhưng điểm đáng chú ý nhất của Quy hoạch VIII là yêu cầu có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.
“Nhiều ý kiến e ngại nếu để tư nhân tham gia vào lưới điện truyền tải sẽ khó kiểm soát nếu khi xảy ra sự cố điện bởi truyền tải điện là “xương sống” của hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng. Tôi cho rằng, lo ngại này có cơ sở nhưng không phải là không có giải pháp. Theo đó, Nhà nước có thể áp dụng cơ chế xã hội hóa, doanh nghiệp tư nhân góp vốn cùng Nhà nước triển khai các dự án điện truyền tải, từ đó chia sẻ lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro”, PGS.TS Ngô Trí Long bày tỏ.
Được biết trước đó, tại Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 trực tuyến với địa phương, Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc. Mặt khác, nghiên cứu, đàm phán có kết quả đối với các dự án, phần dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, góp phần xử lý tình trạng thiếu điện.
Đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII; chủ động điều tiết, bảo đảm ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa cao điểm nắng nóng, khắc phục tình trạng thiếu điện; rà soát, hướng dẫn, sớm cấp phép hoạt động cho các dự án năng lượng tái tạo đủ điều kiện, để sớm đưa các dự án này vào vận hành với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Thiếu điện… vì đâu?
04:00, 11/06/2023
Hàng hóa “ùn ứ”, sản xuất “ngưng trệ”, doanh nghiệp “kêu cứu” vì thiếu điện
00:30, 10/06/2023
Châu Âu đối mặt mùa đông thiếu điện
04:00, 09/12/2022
Quảng Ninh: Không để doanh nghiệp sản xuất bị thiếu điện
01:02, 21/05/2022
Quy hoạch điện VIII: Giải bài toán nỗi lo thiếu điện?
11:07, 20/04/2022