Lợi nhuận 2 “ông lớn” ngành vàng: Kẻ trên trời, người dưới vực

ĐÌNH ĐẠI 01/05/2022 05:00

Lợi nhuận năm 2021 của SJC chỉ đạt 43 tỷ đồng, trong khi, PNJ đạt 1.033 tỷ đồng, đồng nghĩa với lợi nhuận cả năm của SJC chỉ bằng một nửa tháng thu nhập của PNJ.

>>>Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm, vàng bật tăng trở lại

SJC từng có doanh thu hơn trăm nghìn tỷ

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC vừa công bố, doanh thu thuần đạt 17.689 tỷ đồng, sụt giảm 25% so với năm 2020. Doanh số năm vừa qua của SJC rơi xuống mức thấp nhất từ năm 2015. Lợi nhuận gộp của SJC năm 2021 đạt 131 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp chỉ 0,7%, cũng suy giảm so với mức 1,1% của cùng kỳ 2020.

Khách hàng mua vàng trong ngày vía Thần Tài tại Trung tâm SJC Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: Đình Đại.

Khách hàng mua vàng trong ngày vía Thần Tài tại Trung tâm SJC Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: Đình Đại.

Nguồn thu của SJC chủ yếu đến trong giai đoạn nửa đầu năm với hơn 13.000 tỷ đồng khi dịch COVID-19 chưa bùng phát mạnh và có nhiều đợt cao điểm bán hàng như Tết Nguyên đán, ngày vía Thần Tài. Trong sáu tháng cuối năm, công ty chỉ thu được khoảng 4.700 tỷ đồng.

Đáng chú ý, SJC ghi nhận một khoản thu nhập 20 tỷ đồng nhờ hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh. Khoản thu này đóng góp quan trọng vào lợi nhuận của công ty. 

Trong điều kiện gián đoạn hoạt động thời gian dài, các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp của công ty trong năm 2021 cũng giảm nhiều so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí cho nhân viên và tiền thuê nhà, mặt bằng giảm nhiều nhất.

Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế năm 2021 của SJC chỉ đạt 43 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020. SJC cho rằng, đại dịch COVID-19 lây lan khiến giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến đứt gãy lưu thông, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng rất lớn đến công ty. Trong năm qua, SJC đã đóng cửa một số cửa hàng và chi nhánh hoạt động không hiệu quả.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của SJC đạt gần 1.700 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm gần 1.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 1.500 tỷ đồng trong khi nợ phải trả chỉ hơn 100 tỷ đồng. Công ty không có bất kỳ khoản vay nợ ngân hàng nào.

SJC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, trước đây hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, nhưng từ ngày 16/09/2010 chuyển thành công ty TMHH MTV. SJC được xem là thương hiệu vàng miếng quốc gia và trong quá khứ có năm doanh số đạt đến 111.000 tỷ đồng.

Mô hình công ty gồm có công ty mẹ, 23 chi nhánh, 6 công ty con và 6 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư. Mạng lưới kinh doanh phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc. Bên cạnh đó, SJC còn có một xí nghiệp sản xuất nữ trang tập trung, xuất xưởng hơn 500.000 sản phẩm một năm.

SJC định hướng phát triển thành một tập đoàn kinh tế đầu ngành của quốc gia trong vòng vài năm tới, phát triển ngành kinh doanh vàng và trang sức với nền tảng một thương hiệu quốc gia để trở thành thương hiệu quốc tế.

>>>“Hạ cánh” ở PNJ có an toàn?

PNJ “vượt mặt” SJC cả về doanh thu lẫn lợi nhuận

Mặc dù trong quá khứ, SJC từng ghi nhận doanh thu kỷ lục lên đến 111.052 tỷ đồng vào năm 2011, đến năm 2012 đạt 72.051 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu của SJC bắt đầu ''lao dốc'' kể từ năm 2013 và đến năm 2021, SJC đã bị một “ông lớn” khác trong ngành là Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) “vượt mặt” cả về doanh thu và lợi nhuận.

Nhân viên PNJ tư vấn cho khách hàng mua vàng vào ngày Thần Tài tại cửa hàng PNJ trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình - Ảnh: Đình Đại.

Nhân viên PNJ tư vấn cho khách hàng mua vàng vào ngày Thần Tài tại cửa hàng PNJ trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình - Ảnh: Đình Đại.

Cụ thể, năm 2021, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 19.593 tỷ đồng, tăng 11,9% và hoàn thành 93,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.030 tỷ đồng, giảm 3,7% so với năm trước đó và mới đạt 84% mục tiêu năm 2021.

Trong năm 2021, PNJ ghi nhận dòng tiền thuần trong hoạt động kinh doanh âm hơn 717 tỷ đồng. Diễn biến dòng tiền kinh doanh theo đó đã thay đổi trái ngược bởi năm trước, công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương 1.497 tỷ đồng.

Công ty đã thực hiện bù đắp dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư bằng việc gia tăng tiền vay. Trong năm 2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính ghi nhận dương 702 tỷ đồng, chủ yếu là từ việc gia tăng vay nợ.

Về cơ cấu tài sản, PNJ có tổng tài sản cuối năm 2021 là 10.547 tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với cuối năm 2020. Trong đó, tài sản chủ yếu là tài sản ngắn hạn với giá trị lên tới 9.220 tỷ đồng, chiếm tới 87,4% so với tổng tài sản.

Tính đến cuối năm 2021, PNJ đang có lượng hàng tồn kho lên tới 8.686 tỷ đồng, tăng hơn 2.100 tỷ đồng so với năm trước đó. Trong đó, thành phẩm đạt 5.187 tỷ đồng, hàng hoá đạt 2.682 tỷ đồng.

Với lượng vàng tồn kho gia tăng mạnh vào cuối năm 2021, giới đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh PNJ sẽ được hưởng lợi trong năm 2022 khi giá vàng tăng "phi mã" trong thời gian gần đây", do xung đột Nga - Ukraine và áp lực lạm phát Mỹ gia tăng. 

Theo dự báo của SSI, năm 2022 lượng hàng tồn kho của PNJ có thể tăng lên 10.868 tỷ đồng. Nắm giữ lượng tồn kho lên gần chục nghìn tỷ đồng, cổ phiếu PNJ lập đỉnh khi giá vàng tăng mạnh gần đây. 

Theo lãnh đạo PNJ, khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nhiều khu vực buộc phải áp dụng biện pháp giãn cách căng thẳng, 90% cửa hàng đóng cửa và sức mua sụt giảm mạnh, PNJ vẫn đảm bảo thu nhập và linh hoạt điều chỉnh gia tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời tạo điều kiện giúp người lao động tái tạo tư duy, năng lượng, nâng cao năng lực. 

Từ những chính sách nhân sự ứng biến linh hoạt này đã không chỉ bảo vệ được “sức khỏe” toàn hệ thống PNJ, mà còn thúc đẩy hàng loạt hoạt động sáng tạo nhằm tối ưu hóa chi phí vận hành, đổi mới phương thức nhằm gia tăng trải nghiệm và tốc độ tiếp cận khách hàng.

Bên cạnh đó, kênh bán hàng online được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, các chiến dịch marketing bán lẻ được doanh nghiệp triển khai một cách sáng tạo và ứng dụng các công cụ truyền thông số hiện đại, tạo nên sự sắc sảo trong việc tiếp cận tư duy, nhu cầu khách hàng.

Có thể nói, nếu xét về mặt doanh thu thì hai “ông lớn” trong ngành kim hoàn của Việt Nam không chênh lệch là bao. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của hai doanh nghiệp này thì lại “một trời, một vực” (1.033 tỷ đồng so với 43 tỷ đồng). Nếu tính trung bình, mỗi tháng PNJ thu lãi khoảng 86 tỷ đồng, tương đương với việc lợi nhuận sau thuế cả năm qua của SJC chỉ bằng khoản lãi thu được trong nửa tháng kinh doanh của PNJ.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm, vàng bật tăng trở lại

    Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm, vàng bật tăng trở lại

    04:30, 30/04/2022

  • Áp lực lợi suất trái phiếu liên tục tăng, vàng tiếp đà giảm giá mạnh

    Áp lực lợi suất trái phiếu liên tục tăng, vàng tiếp đà giảm giá mạnh

    02:00, 26/04/2022

  • FED “mạnh miệng” tăng lãi suất, giá vàng tuần tới còn giảm tiếp?

    FED “mạnh miệng” tăng lãi suất, giá vàng tuần tới còn giảm tiếp?

    05:30, 24/04/2022

  • “Cơn gió ngược” nào cản giá vàng tuần tới?

    “Cơn gió ngược” nào cản giá vàng tuần tới?

    05:30, 17/04/2022

  • Lạm phát tăng nóng, giá vàng tuần tới sẽ thế nào?

    Lạm phát tăng nóng, giá vàng tuần tới sẽ thế nào?

    05:30, 10/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lợi nhuận 2 “ông lớn” ngành vàng: Kẻ trên trời, người dưới vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO