Trong bối nguồn cung tiêu vẫn đang vượt cầu, việc tìm hướng đi cho ngành hồ tiêu đang là trăn trở của các doanh nghiệp, người trồng tiêu hiện nay.
Có thể thấy, những dấu hiệu cảnh báo ban đầu về sự sụt giảm xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, sụt giảm giá trong nước cũng những "điểm đen" của ngành hàng này đã bắt đầu bộc lộ những điểm yếu của ngành hồ tiêu trong nước đặt ra yêu cầu cấp bách để ngăn chặn cũng như có hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.
Lao đao phận tiêu
Hiện, giá tiêu ở Việt Nam ở khoảng từ 61.000-64.000 đồng/kg, gần sát với giá thành sản xuất bình quân chung của cả nước là 49.000 đồng/kg. Do giá tiêu giảm mạnh nên mặc dù thời gian qua Việt Nam xuất nhiều nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm.
Báo cáo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khối lượng xuất khẩu tiêu của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 88.000 tấn, giá trị 311 triệu USD, tăng 15,5% về khối lượng nhưng giảm 33,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá tiêu xuất khẩu bình quân các tháng đầu năm 2018 đạt 3.692 USD/tấn, giảm 41,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Đánh giá tình hình xuất khẩu hồ tiêu từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, các giao dịch trong mua bán hồ tiêu diễn biến khá sôi động. Tuy nhiên, năm nay nhiều nhà nhập khẩu cũng thường dựa vào lý do Việt Nam tăng diện tích nên đưa những dự báo về sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2018 quá lớn để trả giá thấp trong mua bán.
Bên cạnh đó, đây cũng là cao điểm vụ thu hoạch, nhiều nông dân ồ ạt bán ra do yếu tố tâm lý và áp lực trả nợ ngân hàng, các đại lý hạn chế thu mua khiến nguồn cung trong một thời điểm ngắn hạn bị vượt quá cao… đã khiến giá hồ tiêu liên tục đi xuống trong thời gian này.
Bên cạnh đó, những tiêu cực trong việc thu mua hồ tiêu được phát hiện trong thời gian vừa qua nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu.
Điển hình từ vụ việc Công ty Thảo Dung chuyên thu mua hồ tiêu trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước phục vụ xuất khẩu dính vào vụ bê bối “hỗn hợp vỏ cà phê nhuộm pin và sỏi” tại tỉnh Đắk Nông đã làm dư luận tỏ ra quan ngại và lo lắng.
Trước đó, cách đây một năm, Công an huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước từng phát hiện các vụ “phù phép” biến tiêu lép thành tiêu chắc, đẹp mắt bằng hoá chất…Vụ việc này các cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 700kg hạt tiêu đã được “phù phép.” Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước từng đột kích bắt quả tang một cơ sở nấu trộn hồ tiêu với tạp chất trên địa bàn thôn Bình Điền ở xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã bắt quả tang các đối tượng trên đang tổ chức nấu hai chiếc nồi cỡ lớn các loại tạp chất không có nhãn mác ghi nguồn gốc gồm tạp chất dẻo, màu nâu sẫm và có mùi hôi dùng để pha trộn với hạt tiêu bị lép. Công thức nấu để pha trộn là 50% tạp chất với 50% hạt hồ tiêu lép rồi trộn với nhau đem phơi khô.
Lối ra nào?
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp có hành vi trộn tạp chất và hóa chất vào tiêu để bán ra thị trường không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe con người mà còn làm cho thương hiệu hạt tiêu bị ảnh hưởng lâu dài về thương hiệu.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một mô hình trồng hồ tiêu sạch để cung cấp cho đối tác xuất khẩu sang các thị trường cực kỳ khó tính ở châu Âu và các nước trên thế giới.
Đồng thời, ràng buộc hộ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất phải tuân thủ kỹ thuật chăm sóc đúng quy trình từ khâu bón phân và phun thuốc đúng liều lượng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học nhằm đảm bảo sản phẩm thu hoạch không bị dư lượng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật và những quy định khác,...để có một đầu ra sạch.
Nhìn lại diễn biến thị trường, giá cả hồ tiêu thế giới trong vòng gần 30 năm qua, ông Willem Van Walt Meijer, Tổng giám đốc điều hành Công ty Nedspice Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù giá hồ tiêu đang ở mức thấp nhưng với tình hình cung cầu thị trường hiện nay, thì giá hồ tiêu sẽ còn xuống thấp hơn nữa trong vài năm tới đây.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Công ty Nedspice đã liên kết với hàng nghìn hộ nông dân trồng tiêu ở Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu để làm ra sản phẩm sạch, có thể đáp ứng yêu cầu ở những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là những thị trường sẵn sàng trả giá mua cao hơn với những sản phẩm chất lượng, uy tín.
Theo ông Willem Van Walt Meijer, để làm được điều này, công ty này thường xuyên thưởng và khuyến khích nông dân làm ra sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời, rà soát lại quy trình sản xuất, các khâu trung gian để giảm chi phí thấp nhất có thể. Vì nền nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là sản xuất nhỏ, lẻ, có nhiều nông dân sản xuất nên việc kiểm soát chất lượng không dễ, nhưng ngành hồ tiêu cần làm cho được vấn đề truy xuất nguồn gốc. Có như vậy, uy tín, thương hiệu hồ tiêu Việt Nam mới thực sự phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng cho rằng, trong thời gian tới, ngành hồ tiêu cần ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, nhằm kiểm soát diện tích, cắt giảm chi phí sản xuất… cũng như đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây cũng là hướng phát triển bền vững mà ngành hồ tiêu cần lưu ý trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang gia tăng hiện nay.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, sau vụ việc trộn hỗn hợp than pin, vỏ cà phê vào hồ tiêu vừa được phát hiện vừa qua, đã có một số đối thủ lợi dụng sự cố này để bôi nhọ hồ tiêu, cà phê Việt Nam trên thị trường. Dù đây là vụ việc cá biệt, nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng hồ tiêu trên thị trường.
Do vậy, VPA cần nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển chất lượng hồ tiêu Việt Nam cũng như nghiên cứu phát triển thương hiệu hồ tiêu Việt Nam và quảng bá chất lượng hồ tiêu Việt Nam ra thế giới để người tiêu dùng hiểu hơn và có thể tiếp cận với những sản phẩm hồ tiêu Việt Nam.